Quốc Cơ - Quốc Nghiệp và Ánh Viên nhận biểu tượng Everest - Ý chí kỷ lục Thế giới

M.T Thứ tư, ngày 23/02/2022 10:56 AM (GMT+7)
Vận động viên Ánh Viên và cặp nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp được Liên minh Kỷ lục Thế giới trao biểu tượng Everest - Ý chí Kỷ lục Thế giới.
Bình luận 0

Ngày 22/2, tại Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 45 diễn ra ở Khách sạn Rex TP.HCM, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vinh dự được Liên minh Kỷ lục Thế giới trao biểu tượng Everest - Ý chí Kỷ lục Thế giới vì những thành tích đáng nể khi thiết lập Kỷ lục Thế giới và phá vỡ Kỷ lục Thế giới của chính mình với màn biểu diễn chồng đầu giữ thăng bằng đi lên bậc thang.

Quốc Cơ – Quốc Nghiệp và Ánh Viên nhận biểu tượng Everest - Ý chí kỷ lục Thế giới - Ảnh 1.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp còn huấn luyện hai con phá vỡ kỷ lục cũ của chính mình khi biểu diễn giữ thăng bằng trên tay cha. Ảnh: QC

Cùng nhận giải Ý chí kỷ lục còn có vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên – cô gái thép của làng thể thao Việt Nam bộ môn bơi lội và kỷ lục gia Bùi Văn Ngợi - người Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công nóc nhà thế giới - đỉnh Everest.

Bên cạnh đó, có 4 kỷ lục gia mới được công nhận gồm: Kỷ lục gia Ngô Đức Mạnh – Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền VN tại Liên bang Nga; Linh mục GS-TS Tạ Huy Hoàng; nhà thơ, nghệ nhân văn hóa ẩm thực Việt Nam Hồ Đắc thiếu Anh và nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Quốc Cơ – Quốc Nghiệp và Ánh Viên nhận biểu tượng Everest - Ý chí kỷ lục Thế giới - Ảnh 2.

VĐV Ánh Viên được trao Biểu tượng Ý chí kỷ lục. Ảnh: Minh Triết

Dịp này, Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings đã công bố 4 kỷ lục gia Việt Nam đạt 4 kỷ lục Thế giới.

Đó là kỷ lục gia, TS Phạm S, nhà khoa học đầu tiên trên thế giới sáng tạo và thực hiện thành công khoa học bình tuyển và phương pháp nhân giống vô tính bơ LĐ 034. Những nghiên cứu khoa học mang tính tiên phong của ông đã tạo ra một công nghệ mới mang tính đột phá về giống cây ăn quả, bảo tồn loại gien quý, góp phần vào sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, đồng thời tạo ra các sản phẩm có giá trị cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. 

Ông Phạm S cũng là nhà khoa học có nhiều công trình khoa học ứng dụng nổi bật, góp phần đưa nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Tiếp theo là kỷ lục gia – bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, người sở hữu bộ sưu tập bút độc đáo, đa dạng về chủng loại và kích thước có số lượng nhiều nhất; kỷ lục gia Vũ Đức Đông - người sở hữu bộ sưu tập mai vàng Tuệ Sâm với hình dáng độc đáo đạt nhiều Kỷ lục Độc bản quốc gia nhất trên thế giới.

Cuối cùng là Công ty cổ phần Vinpearl - đơn vị sở hữu tàu ngầm du lịch thám hiểm đáy biển DeepView24 bằng kính trong suốt cho tầm nhìn 360 độ đầu tiên trên thế giới.

Nhân dịp này, Viện Nội dung kỷ lục thế giới (WRCA) - Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) cũng trao Đĩa vàng cống hiến cho các kỷ lục gia. Đó là PGS-TS-BS Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam - người tiên phong thành lập Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đầu tiên trong bệnh viện nhà nước tại Việt Nam. 

Kỷ lục gia châu Á - nhà sưu tập Hàn Tấn Quang với những bộ sưu tập: thạch thiền có số lượng nhiều nhất, bộ sưu tập Tem dị hình và chất liệu có số lượng nhiều nhất. Kỷ lục gia châu Á - Nghệ nhân ưu tú Ý Lan tiên phong sáng tạo bộ môn nghệ thuật tranh cát tại Việt Nam, dù chưa từng học qua trường lớp nghệ thuật hội họa. 

Kỷ lục gia Trịnh Bá Dũng - người dày công nghiên cứu để tìm ra công thức biến đất sét bazan thành một chất liệu mới có màu sắc độc đáo, thân thiện môi trường và là chủ nhân của đường hầm điêu khắc dưới mặt đất dài nhất Việt Nam tại Đà Lạt...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem