Quốc hội: Lo tái diễn bi kịch giải cứu nông sản

Minh Huệ Thứ năm, ngày 31/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
Sáng 30/10, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, kế hoạch năm 2020. Cùng với phần thảo luận của đại biểu (ĐB), các thành viên Chính phủ được mời phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐB Quốc hội nêu. Hôm qua, nhiều ý kiến ĐB đã quan tâm đến các vấn đề nóng của lĩnh vực tam nông.
Bình luận 0

Nông nghiệp gặp 3 rào cản lớn

Nói về những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và đưa ra giải pháp, mục tiêu phát triển, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho biết, rào cản lớn nhất trong sản xuất, canh tác nông nghiệp là sự ngăn cách thông tin giữa nông dân và thị trường. Hiện nay, người nông dân không nhận được thông tin chính thống về thị trường mà phụ thuộc vào phần nhiều vào thương lái. Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra, bi kịch “kêu cứu” về hàng nông sản vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Rào cản thứ 2 đối với sản xuất nông nghiệp là việc tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Cuối cùng là rào cản về tư duy kinh tế nhỏ lẻ. Ông Công đánh giá các địa phương vẫn chưa chuyển được từ tư duy kinh tế tỉnh sang kinh tế vùng. Hiện mỗi tỉnh làm một kiểu, dàn hàng ngang làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau. “Hiện nay, chúng ta còn chưa phân rõ tỉnh nào sẽ làm đầu tàu trong kinh tế vùng” - ông Công nói.

img

    Đại biểu Lưu Thành Công (tỉnh Vĩnh Long) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận sáng 30/10. (ảnh: Q.H)

"Do vậy Chính phủ cần có chính sách căn cơ hơn phát triển kinh tế vùng, nhằm chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp thuần tuý là trồng lúa, chạy theo số lượng sang chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ" - ông Công kiến nghị.

Cùng quan điểm về vấn đề này, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho biết: Đối với ngành nông nghiệp hiện nay, chuyển dịch cơ cấu có vị trí quan trọng, tuy nhiên sự chuyển dịch này chưa được thể hiện rõ nét, còn chậm chuyển biến so với xu thế chung của thế giới là sản xuất tập trung, liên kết, tiết kiệm tài nguyên, hữu cơ hóa, sạch hóa... Xuất khẩu nông sản tăng nhưng dư địa lại có biểu hiện bị thu hẹp, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, thủy sản bị thu hẹp thị trường, gặp nhiều khó khăn, bất lợi về giá cả.

“Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam, nhất là rau quả, trái cây khi chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào xuất tiểu ngạch. Từ ngày 1/1/2019, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc nên nhiều mặt hàng không đáp ứng được. Trong khi đó, nước ta vẫn nhập khẩu nhiều loại trái cây mà trong nước tự sản xuất được, chiếm tới 70%” - bà Tuyết chỉ rõ.

ĐB Tuyết đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ hiệu quả vấn đề này, đồng thời sớm có quy hoạch, định hướng dựa trên dự báo thị trường, tránh trường hợp người dân đổ xô trồng thanh long, dưa hấu, cam, xoài, sầu riêng…, xong lại phải giải cứu nông sản.

Bà Tuyết cũng đề nghị Chính phủ cần sớm có chính sách tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất, giải quyết thực trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, quan tâm xây dựng chuỗi giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú ý hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu…

Đặc biệt, với tình hình hiện nay, ĐB tỉnh An Giang đề xuất cần thay đổi về tư duy an ninh lương thực, từ chú trọng số lượng sang chất lượng, kèm theo an ninh dinh dưỡng để đảm bảo tối đa lợi ích cho người dân, tránh cung – cầu bất hợp lý; giải quyết các vấn đề căn cơ hiện nay là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún, nhất là ở vùng ĐBSCL.

Đẩy nhanh thực hiện tích tụ ruộng đất  

Đại biểu tỉnh Hà Nam Hà Thị Minh Tâm (ảnh) đề nghị Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp để đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương, chính sách tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tháo gỡ khó khăn cho một số địa phương đang thực hiện thí điểm về tích tụ ruộng đất và sớm giải quyết về những bất cập trong thực hiện Luật Đất đai...

Khẩn trương có giải pháp cho ĐBSCL

Nhấn mạnh về tình hình phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nêu rõ, trong báo cáo của Chính phủ có đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó: Dự báo chính xác khí tượng thủy văn, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ phòng chống thiên tai. Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, chuẩn bị sẵn sàng các phương án và điều kiện vật chất cho phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhóm giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên trên thực tế, những kết quả này còn rất khiêm tốn, trong khi ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô và diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới đời sống và sản xuất của nhân dân.

“Do đó, đề nghị Chính phủ phải có tổng kết cụ thể về tình trạng này để khẩn trương khắc phục. Đồng thời, năm 2019 Chính phủ đã ký quyết định thành lập vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với kỳ vọng thúc đẩy kinh tế vùng này, tuy nhiên hiện tăng trưởng kinh tế của vùng còn rất thấp. Do đó kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm của vùng như nông nghiệp công nghệ cao, giao thông cảng biển, logistics…” - ĐB Xuân kiến nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem