Quốc hội sẽ xem xét sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 20/04/2023 14:43 PM (GMT+7)
Tại kỳ họp tháng 5 dự kiến khai mạc 23/5 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội sửa đổi Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn.
Bình luận 0

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có quyết định triệu tập kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, khai mạc 23/5, dự kiến bế mạc 23/6. Dự kiến, kỳ họp sẽ chia làm 2 đợt, đợt 1 từ 23/5 đến 10/6; đợt 2 từ 19 - 23/6.

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Nghị quyết số 85 năm 2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một nội dung mới được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của kỳ họp.

Quốc hội xem xét sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 1.

Quốc hội sẽ sửa nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 23/5

Việc sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là để đồng bộ với Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 2 vừa qua với nhiều nội dung mới.

Quy định 96 của Bộ Chính trị quy định chặt chẽ hơn về hệ quả đối với người lấy phiếu tín nhiệm.

Cụ thể, đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì ngoài việc "đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn" như quy định cũ, Quy định 96 quy định rõ: xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm (với 2 mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm) theo quy định.

Đối với trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn sẽ được tiến hành tại kỳ họp thứ 6 (10/2023). Dự kiến khoảng 50 chức danh sẽ được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Ngoài nội dung nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội bổ sung 4 dự án luật, gồm: luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (theo quy trình thông qua tại 1 kỳ họp); dự án luật Căn cước công dân sửa đổi; dự án luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (cho ý kiến tại kỳ họp 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem