Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi

Thứ bảy, ngày 12/11/2011 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại buổi thảo luận Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi sáng qua (11.11), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Luật ra đời mà hoạt động bảo hiểm tiền gửi chỉ bó hẹp thì chưa cải thiện được yếu tố bảo đảm an sinh xã hội...
Bình luận 0

Đối tượng được bảo hiểm hẹp

Đa số ĐBQH nhất trí cao việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi là hết sức cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động bảo vệ tiền gửi, tạo niềm tin cho người gửi tiền và quyết sách minh bạch bảo vệ công khai quyền lợi của người gửi tiền.

img
Việc bó hẹp đối tượng bảo hiểm tiền gửi tiền gây nhiều băn khoăn.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng), dự thảo luật hiện không quy định hạn mức cụ thể mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước ở từng thời kỳ, không có hạn mức chuẩn thường là từ 3-5 lần GDP tính trên đầu người.

Theo ĐB Bình, GDP đầu người của nước ta hiện khoảng 26 triệu đồng, nếu gấp 5 lần cũng chỉ khoảng 150 triệu đồng.

Vì vậy, hạn mức bảo hiểm tiền gửi như vậy là quá thấp. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) quy định về người được bảo hiểm trước đây bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh. Tuy nhiên, dự thảo luật lần này thu hẹp đối tượng chỉ quy định tiền gửi bảo hiểm cho cá nhân.

Ông Lợi đề nghị Chính phủ có tổng kết đánh giá vì sao lại chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân và cho rằng, luật ra đời mà hoạt động bảo hiểm tiền gửi chỉ bó hẹp thì chưa cải thiện được yếu tố bảo đảm an sinh xã hội và hạn chế niềm tin của công chúng đối với bảo hiểm tiền gửi.

Cần bảo hiểm cho cả vàng, USD

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần có quy định rõ về nội dung, cơ cấu bảo vệ người gửi tiền, chức năng, địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi phải thuộc Chính phủ không nên trực thuộc ngân hàng với lý do ngân hàng là cơ quan thực thi các chính sách về tiền tệ, cấp giấy phép cũng như trực tiếp quản lý các hệ thống tín dụng và các hoạt động của các hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần thực hiện bảo hiểm với các loại giao dịch ngoài tiền.

img Tình trạng vàng, ngoại tệ đang tích lũy trong dân trôi nổi trên thị trường rất lớn, Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm với loại tiền gửi bằng vàng và ngoài tệ. img

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo

"Tình trạng vàng, ngoại tệ đang tích lũy trong dân trôi nổi trên thị trường rất lớn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm với loại tiền gửi bằng vàng và ngoại tệ. Để tránh hiện tượng giao dịch bằng vàng, ngoại tệ, việc tính phí bảo hiểm, chi trả bảo hiểm đối với gửi bằng vàng, ngoại tệ sẽ được quy đổi ra VND phù hợp với chính sách Việt Nam đang hướng tới tránh tình trạng đô la hóa"- ĐB Bảo đề nghị.

Cho ý kiến về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi được ghi trong dự luật, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, trên thế giới hiện có 2 mô hình bảo hiểm tiền gửi đang áp dụng. Đó là bảo hiểm tiền gửi theo mô hình thu phí chi trả và mô hình bảo hiểm giảm thiểu rủi ro với nội dung chủ yếu là giám sát hoạt động, phòng chống rủi ro. Mô hình này đang được sử dụng phổ biến. Ở ta đang thực hiện theo mô hình thứ nhất và đang tiến dần sang mô hình thứ hai.

“Trong dự thảo luật hiện nay, chúng ta chọn mô hình lấy chi trả rủi ro trên chi trả đơn giản thấp hơn quy định hiện hành đang thực hiện chính cách chọn mô hình này sinh ra nhiều ý kiến khác nhau và nội dung chưa rõ thể hiện trên các bản góp ý đưa ra tại kỳ họp này, trong đó có việc giữ nguyên mô hình hiện nay”- ông Kiêm nói.

Sẽ giám sát về đầu tư công cho tam nông

Sáng 11.11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 (năm 2012), bên cạnh việc giám sát các nội dung thường kỳ như tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, báo cáo của các cơ quan, giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn của các đại biểu…, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện Nghị quyết về hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát…

Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức ở T.Ư và liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 dự án luật là Luật Lưu trữ, Luật Đo lường, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. (Phương Hà) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem