Quốc Hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi): 13 chính sách mới giúp gỡ nhiều vướng mắc

Danh Hùng Chủ nhật, ngày 22/11/2020 11:08 AM (GMT+7)
Chiều 17/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 91,91% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành.
Bình luận 0

13 chính sách mới

Đây là luật được cử tri, người dân, doanh nghiệp, các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, địa phương rất quan tâm. Và lần này, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT- sửa đổi) với 13 chính sách mới đã cơ bản đáp ứng những yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước đặt ra.

Quốc Hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi): 13 chính sách mới giúp gỡ nhiều vướng mắc - Ảnh 1.

Điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là cấm chôn trực tiếp chất thải, chỉ được phép chôn lấp chất thải khi đã qua xử lý. Ảnh: P.V

Về giấy phép môi trường, Luật đã được chỉnh lý theo phương án được đa số các vị ĐBQH lựa chọn và được Chính phủ thống nhất tại Công văn số 584/CP-PL ngày 04/11/2020 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thể hiện tại mục 4 chương IV của dự thảo luật.

Luật đã hệ thống hóa được một cách khá toàn diện các đối tượng, lĩnh vực, khía cạnh của công tác BVMT. Nhiều điều khoản trong dự thảo luật đã đề cập pháp lý hóa được các chính sách, giải pháp để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc hiện nay trong công tác này. Rút gọn các thủ tục hành chính trong các quy trình quản lý môi trường hiện hành.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường được tập trung quan tâm như một bộ công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường, vai trò của các bên liên quan, trong đó có hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong BVMT cũng được nhấn mạnh, làm rõ hơn…

Về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường, tại Điều 28 luật đã được chỉnh lý, bổ sung theo ý kiến của các vị ĐBQH và đổi tên điều thành "Các tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư" để không lẫn với phân loại dự án theo tiêu chí đầu tư.

Về đối tượng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, để bảo đảm tính xuyên suốt trong quá trình thực hiện các thủ tục môi trường, theo đó, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Phương án này giảm được thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về BVMT ở ngay giai đoạn này.

Đánh giá tác động môi trường sẽ do UBND tỉnh chủ trì

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và thể hiện tại Điều 35 của luật. Luật cũng được bổ sung tại khoản 3 Điều 35 trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM.

Về giấy phép môi trường, Luật đã được chỉnh lý theo phương án được đa số các vị ĐBQH lựa chọn và được Chính phủ thống nhất tại Công văn số 584/CP-PL ngày 04/11/2020 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thể hiện tại mục 4 chương IV của dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và quy định rõ việc phối hợp này phải được tiến hành ngay từ giai đoạn thực hiện ĐTM; quy định rõ trình tự, thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường trong trường hợp dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, thì cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý công trình thủy lợi đó như tại điểm d khoản 3 Điều 34 và điểm c khoản 2 Điều 43.

Luật BVMT (sửa đổi) cũng đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều điều, khoản theo ý kiến góp ý của các ĐBQH như: Về BVMT di sản thiên nhiên (Điều 20, Điều 21); về quy hoạch BVMT quốc gia (Điều 23); nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh (Điều 24) để làm căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết; quy định về BVMT nước mặt; nước dưới đất, trách nhiệm quản lý chất lượng môi trường không khí; về kiểm toán môi trường; chỉnh lý quy định về BVMT trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí; về thu gom, xử lý nước thải; về thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện về môi trường; về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước; chỉnh sửa quy định về điều khoản chuyển tiếp… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem