Quy định nghề sử dụng lao động qua đào tạo

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 14/07/2020 06:04 AM (GMT+7)
Để đáp ứng nhu cầu nâng cao tay nghề của người lao động cũng như giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Bộ LĐTBXH đang dự thảo thông tư quy định danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo.
Bình luận 0

Lao động làm nghề nguy hiểm phải qua đào tạo

Theo dự thảo, các ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo bao gồm 2 danh mục ngành nghề. Danh mục 1 có các ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: Lắp đặt cầu; lắp đặt giàn khoan; sản xuất pin, ắc quy; sản xuất tấm lợp fibro ximăng; thăm dò địa chất; khai thác mỏ; hầm lò; xử lý rác thải, nước thải…

Quy định nghề sử dụng lao động qua đào tạo - Ảnh 1.

Lao động làm nghề khai thác mỏ cần phải qua đào tạo. Ảnh: M.N

"Hiện nay có một bộ phận lao động dù đang học nghề, nhưng trong quá trình đi thực tập, được doanh nghiệp trả lương cao nên bỏ ngang, không học nghề nữa, chấp nhận làm lao động phổ thông. Việc này sẽ gây tiền lệ xấu cho công tác đào tạo nghề và làm giảm đi nguồn nhân lực kỹ thuật cao của quốc gia".

Ông Kim Hồng Hưng - Phó Chánh

Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH)

Danh mục 2 có các ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Đúc dát đồng; kỹ thuật vỏ tàu thủy; công nghệ kỹ thuật hóa học; nhân viên bức xạ; chế tạo khuôn mẫu; lắp đặt trạm biến áp; sửa chữa máy tàu biển…

Dự thảo thông tư cũng xác định lộ trình thực hiện danh mục ngành nghề sử dụng lao động qua đào tạo bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ ngày 1/1/2022: Áp dụng cho danh mục 1, bao gồm 117 ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Lý do vì nếu những người lao động trong lĩnh vực này không được đào tạo thì nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và không bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong môi trường lao động khó khăn, vất vả.

Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2023: Áp dụng cho danh mục 2, bao gồm 59 ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và những ngành, nghề phổ biến, quan trọng. Bên cạnh những yêu cầu cần phải đào tạo vì an toàn lao động, người lao động ở những ngành, nghề này đòi hỏi phải qua đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và sự an toàn của người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong một số lĩnh vực như y tế, du lịch dịch vụ, giao thông vận tải...

Giai đoạn 3: Từ ngày 1/1/2024 áp dụng cho các ngành nghề còn lại trong danh mục ngành, nghề đào tạo.

Việc xác định lộ trình nêu trên để các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động chủ động trong việc tự đào tạo, đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp cho người lao động theo các trình độ phù hợp.

Đáp ứng yêu cầu mới

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong Chương trình khung hợp tác Việt Nam về việc làm bền vững giai đoạn 2017 - 2021, chất lượng của nguồn nhân lực vẫn còn là một rào cản đối với sự phát triển của Việt Nam.

Thực tiễn trong nước cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI tập trung sử dụng lao động trẻ, chủ yếu là những lao động phổ thông có độ tuổi từ 18 - 20 đang diễn ra rất phổ biến. Nhu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp đối với lao động phổ thông đạt tới con số hơn 40% nhu cầu so với những nguồn nhân lực khác.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động - việc làm cho rằng, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng phát triển, đa dạng cả về ngành nghề và quy mô thì nâng cao hiệu quả công việc cũng như bảo đảm an toàn trong hoạt động nghề nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng" - bà Hương nói.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, việc xây dựng danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo là việc rất cần thiết nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời qua đó góp phần đảm bảo và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ cho các ngành nghề đặc thù...

"Về lâu dài việc này có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Người lao động sẽ có ý thức hơn trong nâng cao nghề nghiệp, còn doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn với quyền lợi của người lao động" - ông Dũng nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem