Quy định pháp luật thế nào về việc ông Nguyễn Đức Chung “xin” không xử cán bộ dưới quyền?

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 20/08/2021 09:39 AM (GMT+7)
Theo luật sư, trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng, không có chuyện "xin - cho" trong việc áp dụng pháp luật hình sự…
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, theo kết luận của Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, trong vụ án vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan, bị can Nguyễn Đức Chung xin chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo các đơn vị và các cá nhân thực hiện mua chế phẩm Redoxy 3C để phục vụ công tác thử nghiệm đối với 2 hợp đồng đầu (với trị giá khoảng 6,9 tỷ đồng).

Tuy nhiên, khi CQĐT xác định rõ phần thiệt hại, ông Chung xin chịu trách nhiệm và xin được liên hệ với gia đình thu xếp nộp số tiền này để khắc phục hậu quả và khẳng định, đây là việc làm vì cái chung, ông không chỉ đạo cấp dưới phải làm sai.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Chung cũng tha thiết đề nghị CQĐT xem xét không xử lý tiếp các cán bộ sở ngành và Công ty Thoát nước (cả cán bộ đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu); tạo điều kiện cho họ một cơ hội để công tác, gia đình yên ổn.

Thành khẩn khai báo sẽ là tình tiết để xem xét giảm nhẹ tội

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, diễn biến vụ án như vậy cho thấy cơ quan tố tụng có căn cứ để buộc tội ông Chung và các đồng phạm khi lời khai nhận tội phù hợp với các chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được.

Thành khẩn khai báo, ăn năn ăn năn hối cải là những tình tiết để cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là "nhận tội" khác với "nhận trách nhiệm", "vi phạm" khác với "phạm tội".

Có những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật nhưng hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm cũng không phạm tội; có những người nhận trách nhiệm nhưng có thể là trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính chứ chưa chắc đã phải là trách nhiệm hình sự.

Quy định pháp luật thế nào về việc ông Nguyễn Đức Chung “xin” không xử cán bộ dưới quyền? - Ảnh 1.

Kết luận Thanh tra nêu việc mua, bán Redoxy 3C xuất phát từ việc nhân dịp UBND TP.Hà Nội có đoàn công tác đi Đức, tuy nhiên Bộ Công an cáo buộc, việc mua bán đã được ông Nguyễn Đức Chung định hướng từ trước. (Trong ảnh: Ông Nguyễn Đức Chung khi còn là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Ảnh: Thành An)

Bởi vậy, cơ quan tố tụng sẽ xác định rõ các bị cáo có thừa nhận hành vi phạm tội, có thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hay không, nếu nhận tội thì thừa nhận đến đâu để có căn cứ giải quyết vụ án...

Việc ông Chung thừa nhận hành vi chỉ đạo thay đổi đăng ký kinh doanh trong công ty, thao túng hoạt động của công ty là căn cứ để cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của ông Chung trong vụ án đồng thời không xử lý hình sự đối với vợ ông Chung là bà Hoa và một số cá nhân khác vì cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự với những người này. 

Còn đối với các gói thầu khác mà ông Chung không thừa nhận sai phạm, không thừa nhận trách nhiệm cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải chứng minh bằng các chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án để làm căn cứ xác định ông Chung có sai phạm đối với phần vụ việc này hay không, sai phạm đến đâu và trách nhiệm pháp lý như thế nào để giải quyết theo quy định của pháp luật. 

"Việc ông Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm và xin đề nghị không xử lý hình sự đối với cán bộ sở, ngành và cán bộ nhân viên công ty thoát nước là thể hiện "cái tình", cái trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên. dưới góc độ pháp lý, lời đề nghị này của ông Chung không có ý nghĩa trong việc quyết định có xử lý hình sự hay không", luật sư Cường nói.

Quy định của pháp luật không có "vùng cấm"

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật hình sự năm 2015, nguyên tắc cơ bản là "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật". Khi đã là bị can thì các bị can đều có quyền và nghĩa vụ như nhau.

Bộ luật hình sự cũng quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. Bởi vậy, đối với các cá nhân vi phạm pháp luật mà thuộc trường hợp pháp luật quy định được loại trừ trách nhiệm hình sự, được miễn trách nhiệm hình sự có thể sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cá nhân các bị can hay ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng.

Quy định pháp luật thế nào về việc ông Nguyễn Đức Chung “xin” không xử cán bộ dưới quyền? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Việc bị can nhận tội không đồng nghĩa với việc sẽ loại trừ trách nhiệm hình sự của người khác, đồng thời cũng không giảm bớt tội danh mà bị can đã vi phạm trước đó (trong trường hợp phạm nhiều tội).

Bộ luật hình sự cũng quy định trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Theo đó nếu trường hợp phát hiện hành vi phạm tội của tổ chức, cá nhân mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không xử lý hình sự người tiến hành tố tụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo quy định của Bộ luật hình sự.

Vì vậy, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, không có chuyện "xin - cho" trong việc áp dụng pháp luật hình sự, không ai có đặc quyền trong việc có xử lý hình sự với người này, người kia hay không mà phải căn cứ vào hành vi cụ thể trên cơ sở đối chiếu với các quy định của pháp luật.

Theo luật sư Cường, trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định hành vi phạm tội của các bị can là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại đến 36.000.000.000 đồng của nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền, với công tác cán bộ.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã đề nghị truy tố đối với các bị can theo khoản 3, Điều 356 bộ luật hình sự năm 2015. Đối với một số cá nhân khác, do hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự mà đề nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định pháp luật.

Việc đề nghị xử lý hình sự hay sự phạt hành chính là căn cứ vào các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong giai đoạn điều tra, căn cứ vào quy định pháp luật chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cá nhân ai, cũng không phụ thuộc không phụ thuộc vào địa vị xã hội của những người có liên quan.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 thì: "Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm".

Với thiệt hại 36.000.000.000 đồng gấp hơn 30 lần số tiền cao nhất trong khung khoản điều luật quy định nên các bị can trong vụ án này có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù.

Trường hợp Tòa án có đủ căn cứ để kết tội và kết quả xét xử cho thấy bị can nào thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và vai trò không đáng kể sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Còn đối với các bị can, bị cáo mà không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải, không bồi thường khắc phục hậu quả, vai trò quan trọng, tích cực trong vụ án sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc. Vấn đề này tòa án sẽ xem xét tại phiên tòa trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa tới đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem