Quy định phòng cháy - chữa cháy đang "làm khó" doanh nghiệp

Đông Anh - Ngô Nguyên Minh Thứ sáu, ngày 07/04/2023 13:25 PM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên, ngày 5/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phải ra Công điện số 220/CĐ-TTg. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy - chữa cháy đang làm khó doanh nghiệp.
Bình luận 0

Xây nhà kho, chưa thể sử dụng, vì không kiểm định được sơn chống cháy (?)

Chuyện tréo ngoe, cười ra nước mắt, xảy ra tại Công ty FC Việt Nam, tỉnh Đồng Nai. Năm 2022, Công ty FC có xây dựng thêm một kho chứa hàng (3 tầng) và văn phòng. Theo đó, phần phòng cháy - chữa cháy (PCCC) đã được thẩm định, phê duyệt tại hồ sơ thiết kế xây dựng. Sau đó, doanh nghiệp đã thi công xong nhà kho - văn phòng và lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị PCCC theo quy định.

Song, lúc doanh nghiệp nộp hồ sơ để nghiệm thu PCCC thì bị tắc; cơ quan chức năng không chấp thuận nghiệm thu, vì vướng thủ tục - không kiểm định được sơn chống cháy cho kèo thép ở khu vực nhà kho tầng 3. Trong khi đó, việc kiểm định này phải do cơ quan nhà nước thực hiện.

Quy định phòng cháy - chữa cháy làm khó doanh nghiệp - Ảnh 1.

Những năm qua, có không ít những vụ cháy nổ tại các doanh nghiệp, nên công tác phòng cháy - chữa cháy là hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Ảnh: N.N

"Chỉ vì vướng kiểm định sơn chống cháy cho kèo thép tầng 3, mà các khu vực còn lại của cả kho chứa hàng và dãy văn phòng mới xây dựng của Công ty FC đều không được nghiệm thu PCCC. Đồng nghĩa, toàn bộ công trình xây dựng làm xong, không thể đưa vào vận hành" - đại diện Công ty FC nói.

"Chúng tôi chỉ mong cơ quan cấp phép nghiệm thu PCCC ở những hạng mục khác trước (trừ khu vực tầng 3 có kèo thép sơn chống cháy) để Công ty có thể hoạt động sử dụng các khu vực được cấp phép. Đến khi nào có hướng dẫn rõ liên quan đến kiểm định sơn chống cháy này thì Công ty sẽ thực hiện bổ sung hồ sơ nghiệm thu cho khu vực tầng 3 nhà kho sau" - đại diện Công ty FC đề nghị.

Công ty H.Y xây nhà xưởng năm 2022, tức đã tuân theo Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ được ban hành (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC, có hiệu lực từ ngày 10/1/2021) đã gặp khó vậy.

Còn với nhiều doanh nghiệp xây nhà xưởng trước đó và áp dụng theo quy định của Nghị định 79/2014/NĐ-CP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy) còn khó khăn hơn.

Theo một số doanh nghiệp miền Đông Nam bộ, tại thời điểm chưa ban hành nghị định số 136/NĐ-CP của Chính phủ, các nhà xưởng đã được thẩm định thiết kế, xây dựng và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo hồ sơ đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt theo quy định của nghị định 79/2014/NĐ-CP.

Quy định phòng cháy - chữa cháy làm khó doanh nghiệp - Ảnh 3.

Sản xuất bánh tráng xuất khẩu tại Công ty TNHH Thuận Phong. Ảnh: Hoàng Hưng

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng các nhà xưởng với kết cấu được bảo vệ bằng sơn chống cháy.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, Nghị định 136/NĐ-CP được ban hành, cơ quan chức năng kiểm tra để nghiệm thu căn cứ quy định mới. Điều này dẫn tới, cùng sử dụng một loại sơn chống cháy, các công trình thực hiện trước thời điểm Nghị định số 136/NĐ-CP ban hành vẫn nghiệm thu được. Còn công trình nghiệm thu sau thời điểm Nghị định này thì lại không được.

Theo ông Phạm Văn Cường - phó Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, vấn đề "vướng mắc nhất trong nghiệm thu PCCC là kiểm định sơn chống cháy, dẫn đến nhiều công trình xây dựng xong nhưng Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn - cứu hộ chưa thể xem xét chấp thuận nghiệm thu về PCCC. 

Để Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai xem xét chấp thuận công tác nghiệm thu về xây dựng, làm cơ sở để chủ đầu tư chính thức đưa công trình vào sử dụng đúng quy định, an tâm sản xuất, thế chấp vay vốn ngân hàng, đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh".

Quy định phòng cháy - chữa cháy làm khó doanh nghiệp - Ảnh 4.

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Hưng

Chưa hết, vào tháng 3/2023, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản cũng phản ánh: Có những nhà máy, nhà kho được xây dựng mới, hoặc mở rộng; tuy nhiên, không đưa vào hoạt động, vì các doanh nghiệp không thể xin được giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC… 

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã thống kê có 18 dự án, với tổng giá trị gần 3.100 tỷ đồng bị ảnh hưởng, dưới dạng đầu tư nhà xưởng, nhà kho, nhưng chưa thể hoạt động, vận hành.

Quy định phòng cháy - chữa cháy làm khó doanh nghiệp - Ảnh 5.

Công tác diễn tập phòng cháy - chữa cháy đã trở thành yêu cầu cấp bách và cần thiết, đối với nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn. Ảnh: N.Nguyên

 Thẩm duyệt PCCC, bao giờ doanh nghiệp hết đợi chờ?

Một số doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai có 100% vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết: Các công ty nộp hồ sơ thiết kế tới nay (tháng 4/2023) đã hơn 7 tháng. Vậy mà các công ty này vẫn chưa được Phòng cảnh sát PCCC phê duyệt bản vẽ thiết kế xây dựng PCCC. Các công ty cũng không nhận được văn bản phản hồi nào, chẳng biết nguyên nhân vì sao hồ sơ chưa được phê duyệt…

Theo đại diện Công ty H.Y.VN tại Đồng Nai, thủ tục xin thẩm duyệt giấy phép PCCC rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian kể từ cuối năm 2022. 

"Trước đây, việc thẩm duyệt giấy phép PCCC do tỉnh thực hiện, nhưng từ cuối năm 2022, công tác trên được chuyển ra Cục cảnh sát PCCC xem xét thẩm duyệt. Vì thời gian chưa được xác định nên có nhiều khó khăn cho các thủ tục tiếp theo, cho dự án mở rộng sản xuất của doanh nghiệp" - đại diện Công ty H.Y.VN nói.

Quy định phòng cháy - chữa cháy làm khó doanh nghiệp - Ảnh 6.

Chế biến trái cây xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Thuận Phong. Ảnh: Hoàng Hưng

Mới đây, các vấn đề liên quan đến PCCC tại các doanh nghiệp đã được đưa ra trong cuộc làm việc ngày 28/3, giữa các Hiệp hội doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại đây, đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã cho biết, theo các doanh nghiệp, những văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC liên tục có sự thay đổi. Chính điều này đã vô tình làm khó doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua.

Đơn cử, chỉ trong vòng 18 tháng nhưng có tới 3 văn bản; trong đó, có 2 Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Điều này khiến doanh nghiệp rất khó trong việc chuyển đổi, theo kịp các quy định.

Quy định phòng cháy - chữa cháy làm khó doanh nghiệp - Ảnh 7.

Xe chữa cháy tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hưng

Doanh nghiệp đang đầu tư theo phương án cũ, lại thẩm định nghiệm thu theo phương án mới, mà không có các hướng dẫn chuyển tiếp, khiến không chỉ doanh nghiệp, cả cơ quan thẩm tra cũng không biết xử trí như thế nào.

Chưa nói, theo quy định mới, có những điều kiện PCCC được coi là "điều kiện kinh doanh" của doanh nghiệp; nhưng oái oăm, doanh nghiệp không thể nào đáp ứng được các "điều kiện kinh doanh" đó. 

Ví dụ, quy định về khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn PCCC, nhưng với các doanh nghiệp ở các khu đô thị xây dựng mật độ cao như Hà Nội, TP.HCM tìm ra "khoảng cách tối thiểu" để đảm bảo an toàn PCCC, khi mà ra khỏi khuôn viên doanh nghiệp đã chạm mặt vô số các công trình xây dựng khác.

Quy định phòng cháy - chữa cháy làm khó doanh nghiệp - Ảnh 8.

Tại xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của một doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: N.Nguyên

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam nói: "Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng quy chuẩn liên quan đến PCCC tại QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình) lại cao hơn những quốc gia phát triển nhất thế giới và có nhiều bất cập gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp".

Thật vậy, quy định về thẩm định các vật liệu PCCC, công trình nào cũng yêu cầu có các cửa thép chống cháy đạt tiêu chuẩn EI70. Tuy nhiên, phương pháp kiểm định lẽ ra cấp chứng chỉ cho nơi nhập khẩu lô hàng thì lại thẩm định theo công trình.

Hoặc trước đây hệ thống ống gió điều hòa, chỉ cần bọc amiăng; quy định tại QCVN 06:2022/BXD mới đây lại yêu cầu bọc bằng… thạch cao chống cháy. Thạch cao có chi phí đắt đỏ, khiến doanh nghiệp đầu tư đội chi phí lên gấp đôi, gấp ba lần.

Đáng lưu ý, gần như tất cả các thủ tục để đưa công trình vào sử dụng đều phải phụ thuộc vào việc hoàn thiện thủ tục liên quan đến PCCC. Trong khi đó, thời gian thực hiện thủ tục về PCCC hiện nay đang bị kéo dài, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem