Quy định về nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Thứ bảy, ngày 14/05/2022 16:48 PM (GMT+7)
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phản hồi thắc mắc của bạn đọc về bảo hiểm thất nghiệp.
Bình luận 0

Bạn đọc hỏi về bảo hiểm thất nghiệp:

Trước đây tôi làm việc tại một công ty có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội và được đóng bảo hiểm xã hội tại quận Thanh Xuân.

Nay tôi đã nghỉ việc và chuyển vào sinh sống tại TP Thuận An, Bình Dương.

Vậy tôi có thể xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Bình Dương được không? Và thủ tục bảo gồm giấy tờ gì?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời về bảo hiểm thất nghiệp:

Về nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp về nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định:

Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Về thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp quy định hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm có:

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Quyết định thôi việc;

c) Quyết định sa thải;

d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.

3. Sổ bảo hiểm xã hội.

Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.

Đối với người sử dụng lao động là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì trong thời hạn 30 ngày, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp thông tin về chính sách để bạn tham khảo, đề nghị bạn liên hệ Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

Phương Minh/LĐ (laodong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem