Quy hoạch đô thị sông Hồng: Mới chỉ "nằm trên giấy", chuyên gia đánh giá gì?

Thái Nguyễn Thứ ba, ngày 25/10/2022 16:34 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia nhận định quy hoạch đô thị sông Hồng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị sông Hồng đến nay mới chỉ “nằm trên giấy”, do đó cần sớm triển khai để tạo nguồn lực phát triển.
Bình luận 0

Quy hoạch đô thị sông Hồng, điểm sáng phía Đông Hà Nội

Nhiều chuyên gia khẳng định trung tâm Hà Nội đã quá tải, khu vực phía Tây cũng gần như đã hết dư địa phát triển, do đó việc quy hoạch đô thị sông Hồng, với nguồn dư địa, quỹ đất còn rất dồi dào ở phía Đông trở thành "đô thị xanh" thông minh là lộ trình phát triển tất yếu, cần sớm được triển khai thực hiện.

Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết nêu rõ, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Bên cạnh đó, nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh.

Quy hoạch đô thị sông Hồng: Cần sớm triển khai để tạo đà phát triển cho Hà Nội - Ảnh 1.

Quy hoạch đô thị sông Hồng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế phía đông Hà Nội (Ảnh: TN)

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia đánh giá phía Đông Hà Nội đang có nhiều lợi thế và tương lai sẽ chứng kiến những cuộc đại dịch chuyển cả về dân số lẫn kinh tế quy mô chưa từng có. Sức hấp dẫn của phía Đông Hà Nội còn đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của trục tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đây là một trong 2 trung tâm thu hút FDI lớn nhất cả nước.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, Vùng thủ đô Hà Nội với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng bậc nhất, là trung tâm của cả nước giữ vai trò động lực đầu tàu của thị trường bất động sản cả nước. Do đó, hiệu quả và chất lượng của quá trình phát triển hệ thống đô thị vùng sẽ lan toả, có tính quyết định đến sự phồn vinh của một vùng cũng như quốc gia. Quy hoạch đô thị sông Hồng hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang rất kỳ vọng quy hoạch này sớm được thực hiện.

TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam nhận xét: "Sông Hồng được coi là trục xanh, trục cảnh quan chính của đô thị, nhưng có rất nhiều lý do mà đến nay chúng ta chưa khai thác được cảnh quan đó. Mặc dù trong ý tưởng không gian đô thị đã nhiều lần đề cập nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của sông Hồng".

Quy hoạch đô thị sông Hồng mới chỉ dừng lại ở mức quy hoạch

Ngày 25/3/2022, Hà Nội đã phê duyệt đề án phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Bản quy hoạch đô thị sông Hồng này có rất nhiều điểm mới và đã giải quyết được một số nút thắt, như định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh quy hoạch đô thị sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội và phải tổ chức triển khai ngay, nhưng hiện nay mới dừng ở mức quy hoạch. Nếu không triển khai nhanh, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu. Cụ thể, hiện nay bãi Tứ Liên đã thành khu đô thị tự phát.

"Để quản lý, trên cơ sở phân khu, các hành lang cấm, hạn chế xây dựng bắt buộc lập hồ sơ và cắm mốc ngoài thực địa và giao cho chính quyền địa phương quản lý từng khu vực, dù còn ít nhưng phải giữ được. Với quy hoạch đô thị sông Hồng, từ những năm 2016-2017, Hàn Quốc cùng thành phố Hà Nội đã tính khai thác cảnh quan và tạo thành phố hai bên sông. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, công tác giải phóng mặt bằng và hạ tầng phải đi trước và đưa an toàn thoát lũ lên hàng đầu", ông Chiến nhấn mạnh.

Quy hoạch đô thị sông Hồng: Cần sớm triển khai để tạo đà phát triển cho Hà Nội - Ảnh 2.

Cần sớm triển khai quy hoạch đô thị sông Hồng, tránh tình trạng quy hoạch "nằm trên giấy" (Ảnh: TN)

Ông Đỗ Viết Chiến cũng cho rằng cần xác định lại quỹ đất hiện còn để quản lý và giữ lại để tránh thất thoát. Trên quy hoạch phân khu được duyệt, cần xác định, hình thành các dự án và phân ra 3 loại cụ thể: bắt buộc đấu thầu; xã hội hóa; nhà nước và nhân dân cùng làm. Khẳng định phía bắc, phía đông vẫn còn dư địa phát triển, nhưng ông Chiến nhấn mạnh cần phải bắt tay vào thực hiện ngay quy hoạch để kiến tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến trong thời gian tới.

Ở góc độ kiến trúc sư, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc quản lý và triển khai quy hoạch, từ bản vẽ, quyết định được duyệt đến ra thực tế rất khác. Ngoài ra, KTS Tùng cho rằng cần lấy trục kinh tế phát triển tạo sức mạnh thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển dịch vụ đi kèm chứ không phải là nhà ở.

"Để những điểm sáng phía đông xuất hiện ngày càng nhiều, tôi cho rằng vai trò của chính quyền quan trọng. Khu vực phía đông tạo sức hút khi quận Gia Lâm được thành lập vào năm 2023 rồi đến quận Đông Anh cùng với việc triển khai đô thị sông Hồng để thu hút các nhà đầu tư và hướng dẫn để họ phát triển", ông Tùng chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem