Quỹ tiết kiệm ở Pò Khiển

Thứ hai, ngày 15/07/2013 10:51 AM (GMT+7)
Mô hình “lá lành đùm lá rách” này là của Chi hội Phụ nữ thôn Pò Khiển, xã Kim Lư, huyện Na Rì (Bắc Kạn). Sau gần 2 tháng ra đời (24.5.2013), quỹ đã nhanh chóng thu hút đông đảo chị em tham gia.
Bình luận 0
Giúp nhau là chính
Mô hình “Quỹ tiết kiệm tín dụng thôn bản” của Chi hội Phụ nữ thôn Pò Khiển (Kim Lư) được thành lập nhằm giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế cho hội viên. Hiện, quỹ có 31 thành viên tham gia và tiến hành sinh hoạt mỗi tháng 2 lần. Chị La Thị Thu - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Trưởng nhóm Quỹ tín dụng thôn Pò Khiển cho biết: Mỗi thành viên trong nhóm nộp 4.000 đồng/tháng quỹ xã hội. Toàn bộ số tiền này được dành để thăm viếng khi gia đình hội viên có người ốm đau.
Chị Lý Thị Phượng đã sử dụng vốn vay của quỹ để mua thức ăn chăn nuôi.
Chị Lý Thị Phượng đã sử dụng vốn vay của quỹ để mua thức ăn chăn nuôi.

Ở buổi sinh hoạt lần 2 của tháng 7, sau khi hoàn thành việc thu quỹ xã hội, các hội viên chuyển sang phần mua “cổ phiếu” gây quỹ tín dụng với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hàng loạt “cổ phiếu” đã được bán ra với số tiền là 1.760.000 đồng, cộng với quỹ tín dụng tháng trước được tổng cộng 2.440.000 đồng. Được sự đồng tình của các thành viên, tháng này chị Lý Thị Phượng và Đinh Thị Mùi được vay 1 triệu đồng/người, để có vốn phát triển kinh tế. Chị Phượng tươi cười khoe: “Đáng lẽ chưa đến lượt mình được vay vốn đâu, nhưng hiện tại mình đang cần tiền để ngày mai đi chợ mua ít ngô về làm thức ăn cho đàn lợn nuôi, nên đã được các chị trong nhóm nhường lại”.
Toàn bộ số tiền thu được từ bán “cổ phiếu” dành cho các hội viên vay với mức lãi suất 10.000 đồng/tháng. Đến nay đã có 7 người được vay tiền với tổng số tiền là 7 triệu đồng.
Hiệu quả thiết thực
Hình thức quỹ tiết kiệm tín dụng thôn bản này tuy vừa ra đời nhưng đã thể hiện được tính ưu việt, bởi nó tạo nên sự tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau, rút ngắn được những thủ tục phiền hà, mất thời gian khi đi vay vốn ở các ngân hàng, lãi suất lại thấp. Chị Triệu Thị Lành - một trong những hội viên nghèo trong thôn - được các hội viên ưu tiên cho vay đợt đầu với số tiền 1 triệu đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng thể hiện tình cảm ưu ái của các hội viên dành cho gia đình chị.

"Lúc đầu chưa có ai tin tưởng về mô hình này vì nó khá mới mẻ, tuy nhiên, sau một thời gian vất vả tuyên truyền, đến nay bà con đã rất tin tưởng và nhiệt tình tham gia”.
Chị La Thị Thu


Ngay sau khi nhận tiền, chị Lành đã mua một đàn gà nhép 30 con, số tiền còn lại chị dành để mua thức ăn, thuốc chữa bệnh cho gà. Hiện nay đàn gà của chị sắp đến kỳ xuất chuồng, hy vọng sẽ mang lại một khoản tiền đủ để chị tiếp tục mở rộng chăn nuôi, cũng như trả lại số tiền đã vay làm vốn. Chị Lành cho hay: “Trước kia muốn vay vốn ngân hàng, mọi người phải mất công lặn lội ra mãi ngoài thị trấn, nhiều khi còn không được việc, giờ chỉ cần giải quyết trong giây lát là xong ngay”.
“Đây là một mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con phát triển kinh tế một cách nhanh nhất. Mong rằng mô hình này có thể nhân rộng ra toàn xã Kim Lư và huyện Na Rì” - chị Thu bày tỏ.
Lô Giang ( Lô Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem