"Quyền anh, quyền tôi" trong xây dựng luật – tột cùng của tham nhũng

Vương Hà Thứ năm, ngày 26/11/2020 09:28 AM (GMT+7)
"Chống tham nhũng nói chung rất quan trọng, nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách, làm pháp luật càng quan trọng hơn."
Bình luận 0

Sáng 24.11, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung vốn gây nhức nhối xã hội lâu nay: "Hiện nay 90% dự luật trình ra Quốc hội là do các bộ, còn quyền anh quyền tôi, đó là vấn đề cần khắc phục tồn tại."

Nếu "quyền anh, quyền tôi" khi xây dựng luật không dễ điểm mặt trong một bài báo, tuy nhiên, một số thông tư, văn bản của một số bộ lại thể hiện khá rõ trong thực tiễn.

Những năm trước đây, một số văn bản "tạm nhập, tái xuất" xe ô tô cũ thay đổi xoành xoạch, sáng nhập, chiều cấm, khiến nhiều doanh nghiệp "ăn đủ", đồng thời lại đào hố chôn vùi không ít doanh nhân. Đây chỉ là một ví dụ dễ thấy nhất về "bàn tay vô hình" thao túng trong một số văn bản quyết định cho xuất, nhập ô tô, xe máy cũ và mới. Nhưng cũng chưa có cơ quan chức năng nào chứng minh, buộc tội được những vị ký các văn bản đó, bởi tất cả được ngụy trang bằng những lời ngụy biện về thời gian, về hoàn cảnh và quan trọng hơn, họ có những "ô khủng".  

Ngay trong phiên chất vấn ở Quốc hội (QH) vừa qua, một nữ đại biểu nói thẳng, "có gì đó sai sai" về độ che phủ rừng tăng. Dư luận ngỡ ngàng khi một số đại biểu QH nhận xét, số liệu về diện tích rừng là không chính xác bởi có việc nhập nhằng diện tích rừng tự nhiên và diện tích trồng cây công nghiệp. 

Nhưng ẩn chứa phía sau những dữ liệu đó đáng quan ngại hơn nhiều: Các văn bản pháp luật liên quan đến rừng như thế nào mà để những người làm báo cáo dám đưa ra những con số không chuẩn như vậy? 

Vậy có hay không, không chỉ là một số luật, mà ngay cả một số văn bản quy phạm pháp luật (lẽ ra phải dễ hiểu, rõ ràng) cũng khá chung chung, khiến một số cán bộ biến chất dễ "tung hỏa mù" khi triển khai thực hiện để trục lợi. Câu hỏi đặt ra, đó là sự yếu kém về nghiệp vụ hay "quá siêu" của những người soạn thảo văn bản đã cố tình để lại "khoảng trống" hiểu kiểu gì cũng được? 

"Quyền anh, quyền tôi" trong xây dựng luật – tột cùng của tham nhũng - Ảnh 2.

Thủ tướng đã nhấn mạnh nguy cơ to lớn từ việc tham nhũng chính sách.

Hoặc, trong một loạt vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng gần đây liên quan đến nhiều quan chức cao cấp, trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là chênh giá đất quá lớn giữa giá thu hồi của dân, giá đất nhà nước đang quản lý và giá thị trường. Vậy những ai được hưởng lợi và những ai khốn khổ vì giá chênh đó? Câu trả lời lại quá đơn giản với dư luận. Nhưng vì sao nó vẫn tồn tại?

Hay trong vụ án buôn thuốc ung thư giả của Cty VN Pharma, cũng từng gây tranh luận gay gắt giữa các cơ quan chức năng: Đây là vụ án "buôn lậu" hay "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh"? Với dư luận, bản chất hai tội danh này là khác nhau hoàn toàn, nhưng các văn bản luật câu chữ như thế nào mà vẫn có thể gây sự vận dụng, hiểu luật khác nhau đến như vậy.

Trả lời câu hỏi này, có lẽ không gì dễ hình dung hơn từ nhận xét thẳng băng của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu tại cuộc hội thảo: "Tổ chức thi hành pháp luật là khâu yếu, nên có những việc vi phạm pháp luật hồn nhiên...". Ôi, còn gì chua xót hơn khi những người thực thi công vụ  "vi phạm pháp luật hồn nhiên"!? 

Do đó, việc 90% các dự luật trình ra QH là do các bộ soạn thảo, có ưu điểm là họ nắm chắc chuyên môn, nhưng tác hại khôn lường nếu họ "nắn luật" theo quyền lợi của các nhóm lợi ích. Trong khi đó, khoảng 2/3 đại biểu QH là kiêm nhiệm, không thể nắm chắc chuyên môn nhiều lĩnh vực, nên không quá khó để qua mặt. Vì vậy, không phải vô cớ khi Thủ tướng nhấn mạnh: "CHỐNG LỢI ÍCH NHÓM TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT." 

Mặt khác, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra chất lượng một số dự án luật còn kém, vòng đời dự án luật ngắn, đặc biệt thể chế kinh tế còn nhiều vấn đề. Việc một số luật thay đổi quá nhanh, khiến không ít doanh nghiệp khốn đốn, phá sản, thậm chí vướng vòng lao lý. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ án kinh tế oan sai vì "áp dụng" luật tùy hứng của một số vị tham gia tiến hành tố tụng.

Thậm chí, dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng từ nhiều năm nay, nhưng nhiều nơi, rừng vẫn tiếp tục bị phá một cách hợp pháp (chưa tính lâm tặc): Chuyển đổi công năng, kể cả rằng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến sạt lở kinh hoàng, gây thiệt hại về người và của cải những tháng qua.  Điều đó cho thấy, những sơ hở (không loại trừ có chủ ý) của các văn bản pháp luật đã khiến những nhóm lợi ích vô hiệu hóa cả chỉ đạo của Thủ tướng.

Do đó, không phải vô cớ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, "chống tham nhũng nói chung rất quan trọng, nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách, làm pháp luật càng quan trọng hơn". Chỉ đạo này của Thủ tướng được dư luận hoàn toàn ủng hộ bởi ông đã đã điểm huyệt đúng hang ổ các ổ nhóm tham nhũng khủng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem