Quyết định hoãn Thế vận hội đẩy kinh tế Nhật Bản đến gần bờ vực suy thoái

03/04/2020 13:33 GMT+7
Thậm chí trước khi đại dịch bùng nổ đợt thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản đã có những khó khăn nhất định. Xuất khẩu giảm mạnh do nhu cầu chững lại từ Trung Quốc, và thuế tiêu thụ tăng khiến nhu cầu tiêu thụ giảm.
Quyết định hoãn Thế vận hội đẩy kinh tế Nhật Bản đến gần bờ vực suy thoái - Ảnh 1.

Kinh tế Nhật Bản vốn đã chững lại từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát

Đại dịch Covid-19 bùng nổ đang đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế Nhật Bản: ngoại thương chững lại bởi các quốc gia lớn khác đều đang gồng mình chống lại virus. Ngành du lịch gần như đóng băng, nhiều khách sạn, nhà hàng và công ty du lịch bị buộc phá sản. Nhiều sự kiện thể thao và văn hóa lớn bị hủy bỏ, và thông báo rời lịch kì Olympics sang năm 2021 vốn được coi là nguồn cân bằng kinh tế vô hình chung đẩy nền kinh tế Nhật Bản đến bờ vực suy thoái.

Tình hình nghiêm trọng đến mức lãnh đạo nước này cho rằng nền kinh tế đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ đại dịch. Nhằm ngăn chặn khủng hoảng kinh tế, chính phủ Nhật đã đưa ra hàng loạt biện pháp kích cầu, và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mới đây tuyên bố Nhật sẽ sớm thông qua gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử trị giá hơn cả 530 tỷ USD mà nước này tung ra nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Ánh sáng duy nhất cho nền kinh tế Nhật là việc nước này vẫn chưa hoàn toàn đóng cửa quốc gia nên các hoạt động sản xuất vẫn đang diễn ra, người lao động vẫn có lương… trong bối cảnh có dấu hiệu dịch bệnh vẫn đang kiểm soát. Theo chuyên gia kinh tế của tờ The Economist, nếu Nhật Bản có thể tránh khỏi phong tỏa quốc gia hoàn toàn, thiệt hại kinh tế sẽ giảm nhẹ hơn rất nhiều, dù các nhà phân tích nghi ngờ khả năng đó. 

Từ thời điểm Nhật Bản tuyên bố hoãn Olympics, nước này đồng thời chứng kiến số người dân bị nhiễm bệnh tăng lên. Ở Tokyo, có thời điểm xác nhận 68 ca nhiễm mới trong một ngày khiến chính quyền thành phố phải tuyên bố phong tỏa Tokyo, khuyến cáo người dân cách ly tại nhà. Dù quốc gia này chưa công bố tình trạng khẩn cấp, nhiều chuyên gia cho rằng Nhật đã quá “lơ là” và để đại dịch “ủ mầm” bằng việc không có chính sách ngăn chặn lây lan cứng rắn hơn nhằm duy trì hoạt động kinh tế.  Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên kỉ lục, với gần 10 triệu người thất nghiệp chỉ trong 2 tuần. Ở Nhật trái lại ghi nhận các công ty thuê thêm nhân viên cho vị trí lâu dài.

Chính sách lỏng lẻo trong việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh nhằm làm dịu bớt thiệt hại kinh tế ở nhiều lĩnh vực, theo J.P.Morgan, khiến cho lượng tiêu thụ ở siêu thị và hiệu thuốc tăng cao vào khoảng giữa tháng Ba do người Nhật chuẩn bị tinh thần cho lệnh phong tỏa. Nhưng mức tiêu thụ nói chung cũng đang bị tác động. Thêm vào đó, việc hoãn Thế vận hội Olympics có thể gây thiệt hại kinh tế lớn cho Nhật Bản vốn đã lao đao.

Trước khi đại dịch bùng nổ, nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng kinh tế Nhật Bản vẫn sẽ gặp phải suy thoái vào nửa đầu năm, nhưng dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại khi thế vận hội mùa hè bắt đầu, với mức chi tiêu từ du khách ở Tokyo tính riêng là hàng ngàn tỷ Yen, cũng như lợi nhuận từ ngành du lịch sau khi thế vận hội kết thúc. Giờ đây, nhà tổ chức sẽ vẫn phải chi tiền để duy trì cơ sở vật chất bao gồm trả cho nhân công, thuê mặt bằng và đài truyền hình vốn đã chi đến hàng tỷ USD vào sự kiện này, chưa kể đến khoản tiền mất đi từ việc nhiều người hoàn trả vé xem các trận đấu. 

Các doanh nghiệp cũng sẽ ở vị trí khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Doanh nghiệp nhỏ chấp nhận vay nợ để đầu tư vào sự kiện này cũng phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ, nếu đại dịch kéo dài đến cuối năm, nhiều công ty vừa nhỏ chắc chắn sẽ phá sản. Ngành du lịch Nhật- vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng kinh tế nói chung, đang bị giáng đòn nặng nề do đại dịch, con số 40 triệu khách du lịch dự đoán trước đó giờ không còn tính thực tế. Chỉ tính riêng trong tháng 3, lượng khách du lịch đến Nhật giảm 60% so với cùng kì năm ngoái, xuống còn 1,1 triệu người.

Vân Anh
Cùng chuyên mục