Quyết sách từ nghị trường, cánh đồng bừng sáng - Bài cuối: Kỳ vọng từ những quyết sách mới

Anh Thơ - Lương Kết Thứ hai, ngày 30/11/2020 10:20 AM (GMT+7)
Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, hoạt động chất vấn tại nghị trường, các cuộc tranh luận trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đã và đang có những tác động nhất định đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cũng như giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội.
Bình luận 0

Ra đời chương trình mục tiêu quốc gia mới dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn Quốc hội tỉnh Hòa Bình, hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng hiệu quả, những vấn đề đã rõ đều được Chính phủ tiếp thu và xử lý ngay, đối với những vấn đề gì cần phải nghiên cứu Chính phủ cũng báo cáo tường tận với Quốc hội và chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu.

"Qua trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2020) càng cho thấy rõ điều đó. Chẳng hạn khi ĐBQH nói nhiều về câu chuyện nguyên nhân của thiên tai ở các tỉnh miền Trung, Thủ tướng cho biết, bên cạnh thời tiết có cực đoan do biến đổi khí hậu, nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng nghiêm túc để nghiên cứu và đánh giá lại nguyên của lũ lụt ở miền Trung vừa qua để có biện pháp ứng phó. Trong trả lời chất vấn của Thủ tướng cũng nêu bật chính sách phát triển và bảo vệ rừng. Qua nội dung như Thủ tướng chỉ đạo đã cho thấy hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng hiệu quả, ngày càng sát sao với đời sống người dân, qua đó thể hiện sự cầu thị của Chính phủ trong việc giải đáp các chất vấn của đại biểu Quốc hội", ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh nói.

Quyết sách từ nghị trường, cánh đồng bừng sáng (bài cuối): Kỳ vọng từ những quyết sách mới - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

Với 10 năm là ĐBQH, trong đó có 5 năm tham gia thành viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh cho biết: Qua hoạt động chất vấn và sự kiên trì đề xuất của các ĐBQH, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các địa phương, năm 2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88/20219 (viết tắt Nghị quyết 88) phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

"Đó là một trong những chương trình nổi bật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Có được kết quả này là từ hoạt động chất vấn, sự kiên trì kiến nghị của các ĐBQH và các địa phương.

Bởi thực trạng đói nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình hạ tầng kinh tế -xã hội, tình hình sinh kế, tình hình ứng phó với biến đổi khí hậu trong của vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải có quyết sách. Thực trạng đó được các ĐBQH phản ánh với Chính phủ và được quyết đáp một cách quyết liệt, thận trọng và toàn diện. Từ đó trở thành chương trình mục tiêu quốc gia mới, được bố trí nguồn lực để thực hiện", ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh cho biết.

Nông nghiệp, nông thôn chuyển biến, ấn tượng nhất nhiệm kỳ

Vẫn theo ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh, sau chất vấn của Quốc hội còn nhiều vấn đề khác như cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân cấp phân quyền cho các địa phương, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng chính quyền điện tử…đều Chính phủ tiếp thu và có sự chuyển biến rất tích cực.

"Có thể nói từ hoạt động chất vấn của nghị trường đã lan tỏa ra đời sống xã hội. Năm 2020, điều kiện kinh tế -xã hội gặp thảm họa kép (dịch Covid-19 và thiên tai) nhưng chúng ta đã ứng phó hiệu quả. Có lẽ một phần rất quan trọng là xuất phát từ tiếng nói nghị trường biến thành chính sách, sự điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương. Từ đó tạo được sự đồng thuận, huy động được sức mạnh tổng hợp trong hệ thống chính trị và trong toàn dân để vượt khó một cách ngoạn mục trong điều kiện như Thủ tướng nói, rất nhiều quốc gia tăng trưởng âm nhưng chúng ta vẫn tăng trưởng dương và ổn định chính trị- xã hội", ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh.

Quyết sách từ nghị trường, cánh đồng bừng sáng (bài cuối): Kỳ vọng từ những quyết sách mới - Ảnh 2.

ĐBQH Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho biết, sau khi có ý kiến từ các ĐBQH, ngành nông nghiệp đã triển khai quyết liệt việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng, sau chất vấn của Quốc hội, các lĩnh vực đều có sự chuyển biến rõ nét nhưng bà ấn tượng nhất với chuyển biến biến của lĩnh nông nghiệp.

"Chẳng hạn như việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có sự thay đổi rõ nét; đối tượng chính sách để nâng cao chất lượng ngành nông nghiệp như cơ giới hóa, vấn đề liên quan đến bảo hộ sản phẩm, tín dụng cho nông nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển.

Vấn đề tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, tình trạng "được mùa mất giá", cũng xử lý khá tốt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với những Bộ liên quan như Bộ Công Thương tạo nhiều thị trường trong và ngoài nước để có "đầu ra" cho các sản phẩm trọng yếu. 

Càng về sau tình trạng "được mùa mất giá", người dân sản xuất ra sản phẩm nhưng không tiêu thụ được khắc phục", ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết nói và cho rằng, từ những thay đổi quan trọng đã thể hiện nông nghiệp có vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế để vượt qua khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai trong bối cảnh hiện nay.

Cũng đề cập tới lĩnh vực nông nghiệp, ĐBQH Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho biết: Vấn đề dịch tả lợn châu Phi, sau khi có ý kiến từ các ĐBQH, ngành nông nghiệp đã triển khai quyết liệt việc phòng, chống, các địa phương cũng quyết liệt do đó kiềm chế được sự lan lan của dịch.

Về phòng chống thiên tai, theo ĐBQH Mai Sỹ Diến, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa từng có chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2019) về trách nhiệm của Chính phủ đối với vùng đồng bào ở những vùng dễ bị lũ quét, sạt lở (thời điểm đó ở Mường Lát và một số địa phương của Thanh Hóa đã xảy ra tình trạng sạt lở, sau đó đến năm 2020, xảy ra với một số tỉnh miền Trung). Đến nay, khi triển khai thực hiện đề án tổng thể theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, đã có những chính sách được Chính phủ lồng ghép để giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trước thiên tai.

Những dẫn chứng kể trên chỉ là một số trong rất nhiều những chuyển biến của các lĩnh vực sau những phiên chất vấn của Quốc hội. Có thể thấy, từ chất vấn nghị trường, những vấn đề bức xúc, vấn đề tồn tại đã được giải quyết, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống cho nhân dân.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trong giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ NNPTNT xác định, phát triển nông nghiệp trước bối cảnh mới đòi hỏi phải cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu chung Bộ NNPTNT đặt ra là phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ngành nông nghiệp rất cần sự quan tâm, chỉ đạo, giám sát từ Quốc hội, để các chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trở nên sát thực tế.

Mục tiêu tới năm 2025 của ngành nông nghiệp:

- Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 25 - 3,0%/năm;

- Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%.

- Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,6 lần năm 2020

- Tỷ lệ che phủ rừng 42%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem