Quyết tạo dựng “hệ sinh thái” khuyến nông

Thiên Hương Thứ năm, ngày 23/03/2023 17:33 PM (GMT+7)
Mới đây, phóng viên Báo NTNN có dịp tham dự một buổi hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La phối hợp Hội Phụ nữ phường Quyết Thắng (TP.Sơn La) triển khai về mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà.
Bình luận 0

Sau 1 năm triển khai Đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng" tại 13 tỉnh có vùng nguyên liệu, các tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) đã góp phần tạo nên "hệ sinh thái" khuyến nông, nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở, hướng tới khuyến nông theo nhu cầu và khuyến nông dịch vụ.

Cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân hiệu quả

Mới đây, phóng viên Báo NTNN có dịp tham dự một buổi hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La phối hợp Hội Phụ nữ phường Quyết Thắng (TP.Sơn La) triển khai về mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà. 

Chị Cà Thùy Linh (ở phường Quyết Thắng) cho biết: "Trước kia nhà tôi sử dụng trấu để lót chuồng, thường xuyên phải dọn dẹp và phải qua một khâu xử lý ủ phân thì mới dùng để chăm bón vào vườn cây ăn quả. Sau khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn sử men vi sinh, đệm lót để ủ chuồng, thì chất thải từ chăn nuôi gà đã giảm rất nhiều, đàn gà cũng lớn nhanh, ít bị bệnh tật hơn".

Quyết tạo dựng “hệ sinh thái” khuyến nông - Ảnh 1.

Năm 2022, lần đầu tiên hệ thống khuyến nông cả nước đã có đồng phục, nhưng bên trong là thay đổi về chất, cách thức hoạt động. Ảnh: Đ.T

Ông Lê Quốc Thanh đánh giá hệ thống khuyến nông đang chuyển dần từ chuyển giao kỹ thuật sang thay đổi nhận thức hành vi của nông dân. Từ đó, những người trực tiếp sản xuất nhận thức được vấn đề thông qua hoạt động đào tạo khuyến nông, góp phần thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bà Ngần Thị Minh Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La là vùng trọng điểm sản xuất cây ăn quả của miền núi phía Bắc, vì thế tổ KNCĐ trở thành cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân. Trong năm 2022, Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng" đã và được triển khai thí điểm ở một số địa phương, từng bước cho thấy vai trò quan trọng giữa cơ quan nghiên cứu khoa học với người nông dân và thị trường; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân từ cơ sở...

Hiện trên địa bàn tỉnh có các doanh nghiệp lớn đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu như Doveco Sơn La, TH, Nafoods Tây Bắc… Những doanh nghiệp này đã bắt đầu quan tâm và cử cán bộ phát triển vùng nguyên liệu tham gia vào tổ KNCĐ.

Ông Vương Đắc Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình cho hay, đến thời điểm này, đề án thí điểm thành lập tổ KNCĐ đã đem lại hiệu quả tại huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, đồng thời được nhân rộng ra các huyện khác. Nhiệm vụ chính của tổ KNCĐ ở Hòa Bình là chuyển giao kỹ thuật công nghệ; hỗ trợ tư vấn thị trường và liên kết chuỗi giá trị; hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói chỉ trong thời gian ngắn, sự ra đời của tổ KNCĐ ở nhiều địa phương trên cả nước đã ghi dấu ấn quan trọng trong hệ thống khuyến nông Việt Nam, không chỉ thay đổi cách thức tổ chức hoạt động, triển khai mô hình, mà thay đổi cả về chất. 

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Năm 2022 một loạt các chính sách quan trọng được ban hành, như Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước bối cảnh đó, toàn bộ hệ thống khuyến nông đã chủ động, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn diện trên nhiều lĩnh vực. 

"Bây giờ không phải là khuyến nông nhà nước như trước, mà là KNCĐ, thực hiện theo đề án thí điểm đã được Bộ NNPTNT phê duyệt. Rất nhiều tỉnh không nằm trong đề án thí điểm cũng tự triển khai thành lập các tổ KNCĐ. Các tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, phủ sóng ở nhiều địa phương, ví dụ như Hải Phòng, Lào Cai..." – ông Thanh nói.

Toàn bộ hệ thống khuyến nông hoạt động sôi nổi khi năm vừa qua đã tổ chức 13 cuộc tọa đàm (mỗi tỉnh trong đề án thí điểm 1 cuộc) về xây dựng quy chế hoạt động của tổ KNCĐ với 1.024 đại biểu tham gia.

Tổ chức 26 lớp tập huấn ToT nâng cao kiến thức về phát triển hợp tác xã trong vùng nguyên liệu, kiến thức về marketing phát triển thị trường và kiến thức về kỹ thuật ứng dụng trong các vùng nguyên liệu, với gần 400 học viên tham gia. 

Tổ chức 4 hội thảo vùng triển khai đề án với hơn 1.000 đại biểu tham dự. Xây dựng được 13 clip giới thiệu về quá trình thành lập và hoạt động của các tổ KNCĐ tại 13 tỉnh tham gia đề án.

Đẩy mạnh cơ giới hóa, hợp tác quốc tế

Quyết tạo dựng “hệ sinh thái” khuyến nông - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác thăm mô hình sản xuất cây gai tại vùng nguyên liệu ở tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đ.T

Sau khi tham dự các sự kiện, các tổ KNCĐ bước đầu đã có thể kết nối khuyến nông cơ sở, gồm khuyến nông huyện, xã, thôn và chính quyền xã để tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến nông tại xã; tham gia vận động được thành lập HTX nông nghiệp; tổ chức chuyển giao công nghệ đến nông dân thông qua HTX. 

Các tổ này đã bước đầu cùng với khuyến nông doanh nghiệp thực hiện các thoả thuận hợp tác với Doveco (tại Sơn La, Hòa Bình), với Công ty Vĩnh Hiệp tại vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp vật tư, đầu vào và xuất khẩu gạo...

Thêm vào đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng được 5 bộ tài liệu tập huấn cho cán bộ tổ KNCĐ, gồm phương pháp khuyến nông cộng đồng; hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh trong HTX nông nghiệp; kinh tế thị trường và marketing; tư vấn dịch vụ khuyến nông; quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản.

Điều đáng mừng là tổ KNCĐ được hình thành linh hoạt, không rập khuôn, cứng nhắc theo "công thức" mà phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tổ KNCĐ có thể phụ trách 2-3 xã, hoặc một xã có 1 tổ KNCĐ (như Kiên Giang 1 tổ KNCĐ có thể phụ trách 2-3 xã, các tổ khuyến nông các tỉnh Quảng trị 1 xã có 1 tổ KNCĐ).

Một số tỉnh sau khi thành lập đã sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để tăng cường năng lực cho KNCĐ, thậm chí đã có tổ KNCĐ bước đầu có thu nhập từ các dịch vụ (tham gia thu mua cà phê, tham gia giám sát, đánh giá chứng nhận sản xuất cà phê theo chuẩn xuất khẩu...).

Sang năm 2023, công tác đào tạo huấn luyện đang được hệ thống khuyến nông đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang phối hợp với kênh VTV2 xây dựng chương trình truyền hình có tiêu đề Nhà nông chuyên nghiệp. Qua đó thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhằm tri thức hóa nông dân, hình thành những người nông dân chuyên nghiệp, hướng tới một ngành nông nghiệp đa giá trị, đa mục tiêu. 

Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, cũng trong năm 2022 khuyến nông đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức sự kiện Agritechnica Live Asia - sự kiện cơ giới hóa mang tầm quốc tế nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, hướng tới chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Việc này cũng nhằm thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL, mà muốn thực hiện đề án này bắt buộc phải đưa cơ giới hóa mạnh mẽ vào đồng ruộng.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem