Quyết theo kiện đến cùng

Chủ nhật, ngày 19/09/2010 12:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ về tăng thuế chống bán phá giá đối với cá tra của Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã có buổi trao đổi với báo chí.
Bình luận 0
img
Theo xếp hạng của Hiệp hội Thủy sản Mỹ (7-9 -2010), cá tra lọt vào top 10 loại thuỷ sản mà người Mỹ ưa thích nhất.

Đã trao đổi ở cấp Bộ trưởng

Ngày 15-9, VASEP đã có thư ngỏ gửi Chính phủ, đề nghị Chính phủ Việt Nam chuyển cho phía Mỹ nội dung vụ việc. Trong thư ngỏ, VASEP cho rằng, các mức thuế dự kiến áp đặt cho các doanh nghiệp Việt Nam đều cao hơn 100%, vượt xa so với các kết quả trước đó trong vụ kiện chống bán phá giá phi lý đã kéo dài 8 năm nay. Đồng thời, VASEP cũng khẳng định, quyết định này ra đời do những nỗ lực vận động của Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) nhằm cạnh tranh với con cá tra của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch VASEP cho biết: "Trong chiều 16-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mời ngài Michael W. Michalak - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đến và trao lại bức thư này. Đại sứ Michalak đã nói sẽ chuyển thông điệp này về Mỹ".

Sáng 17-9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có buổi làm việc với Đại sứ Michalak về vụ việc tăng thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam mà DOC dự kiến áp dụng. Trước đó, ngày 14-9, tại Thủ đô Washington (Mỹ), nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã có buổi gặp gỡ trao đổi với một số quan chức Mỹ và bày tỏ sự lo ngại trước động thái này của DOC.

Lo ngại hiệu ứng domino

Kể từ khi DOC chính thức công bố kết quả đánh giá sơ bộ vụ việc này, đến ngày 5-10 là thời hạn chót để các doanh nghiệp Việt Nam nộp các số liệu thay thế của từng công ty. Đến 20-10, sẽ phải nộp các bản bình luận, phản biện ý kiến của các bên. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 3-2011.

Chiều 17-9, trao đổi với NTNN, ông Vũ Văn Tám- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết: "Sau buổi làm việc của Bộ trưởng Cao Đức Phát với ngài Đại sứ Michalak sáng 17-9, Bộ đã giao cho Vụ Hợp tác quốc tế nghiên cứu, tập hợp đầy đủ các thông tin từ các doanh nghiệp, sau đó Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ mới xem xét để đưa ra các giải pháp tổng thể. Cho đến nay, chúng tôi cũng đã chuẩn bị các giải pháp để đối phó, nhưng cụ thể như thế nào thì chưa thể nói được, đến tháng 2-2011, sẽ đưa ra các biện pháp này".

Ông Nguyễn Hữu Dũng khẳng định: "Từ nay cho đến thời điểm đó, chúng ta vẫn còn thời gian để đấu tranh". Cũng theo ông Dũng: "Trong 5 lần xem xét hành chính trước đây, DOC đều lấy Bangladesh để đánh giá, không hiểu sao lần này họ lại lấy Philippines ra để thay thế. Thậm chí, 2 tháng trước đây chính DOC cũng nói số liệu của Philippines là không đáng tin cậy".

Mức giá mà DOC đưa ra để áp mức thuế chống bán phá giá phải là 2,48 USD/kg cá sống nguyên con, trong khi giá bán cá tra filê vào Mỹ phải là 8 USD/kg. Song trên thực tế, theo số liệu của VASEP, giá bán trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam là 2,146 USD/kg, thậm chí có doanh nghiệp như NAVICO chỉ bán cho 1,702 USD/kg.

Do đó, DOC dự kiến sẽ áp mức thuế chống bán phá giá cá tra đối với các doanh nghiệp Việt Nam từ 100% trở lên, thậm chí doanh nghiệp Vĩnh Hoàn còn bị dự kiến áp dụng mức thuế tới 4,22 USD/kg (tức trên 120%).

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết: "Chúng tôi đã nỗ lực cả về mặt thương mại và kỹ thuật để bảo vệ quan điểm của mình. Điều lo ngại lớn nhất của Việt Nam là sau vụ việc này ở Mỹ, các nước khác cũng áp dụng theo kiểu hiệu ứng domino".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng- Chủ tịch VASEP cũng thừa nhận: "Chúng ta cũng rất muốn bán con cá tra với giá cao hơn, nhưng muốn bán với giá cao hơn thì phải điều tiết bằng quy luật cung- cầu, chứ không thể bằng ý niệm, có nghĩa là muốn có giá cao chỉ còn cách phải giảm số lượng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem