Ra mắt “Siêu ủy ban”: Sẽ chấm dứt tình trạng "sân trước, sân sau"?

Hoàng Nhật Thứ hai, ngày 01/10/2018 19:38 PM (GMT+7)
Với sự xuất hiện của “Siêu ủy ban”, Thứ trưởng Bộ KHĐT Lê Quang Mạnh kỳ vọng công tác giám sát các DNNN sẽ được thực hiện thường xuyên, trông coi kỹ càng, nếu có nguy cơ thất thoát, sân trước sân sau thì phải giải quyết.
Bình luận 0

img

Thứ trưởng Bộ KHĐT Lê Quang Mạnh (Ảnh: I.T)

Hôm qua (30.9), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thường được gọi là “Siêu ủy ban” đã chính thức ra mắt. Với việc tiếp nhận chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty với tổng tài sản lên đến 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm 2/3 tài sản của khối doanh nghiệp Nhà nước, câu chuyện Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thực hiện quản lý, giám sát hoạt động như thế nào là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm trong thời gian qua.

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.2018 diễn ra chiều nay (1.10), Thứ trưởng Bộ KHĐT Lê Quang Mạnh cho biết, khi xây dựng đề án thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), mục tiêu của Chính phủ là xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Phải tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 29.9 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 131/2018/NĐ-CP đã được ban hành nhằm đưa ra hành lang pháp lý cho hoạt động của Ủy ban.

Chia sẻ về việc “Siêu ủy ban” thực hiện hoạt động quản lý vốn và tài sản nhà nước như thế nào, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết: “Ủy ban sẽ giám sát vốn các doanh nghiệp đang sử dụng thế nào, chứ không phải nơi sử dụng vốn, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ủy ban quản lý vốn phải xây dựng chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, DNNN”.

Khuôn khổ pháp lý theo đó được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho hoạt động  của Ủy ban.

Về công tác giám sát, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho rằng, hoạt động này trước nay chưa được thực hiện thường xuyên, cũng không có cơ quan chuyên trách thực hiện.

Song từ nay về sau, với sự xuất hiện của “Siêu ủy ban”, chúng ta sẽ hướng tới theo dõi thường xuyên, trông coi kỹ càng, nếu có nguy cơ thất thoát, sân trước sân sau thì phải giải quyết.

Bên cạnh đó, “Siêu ủy ban” còn có mục tiêu nâng cao trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm của cá nhân đối với việc sử dụng vốn. Theo đó, nhằm bảo tồn vốn, tài sản nhà nước, đảm bảo được nguồn lực.

Mặt khác, với hiện trạng thông tin DNNN còn khó, nhiều lĩnh vực thiếu tường minh, việc Ủy ban ra đời cũng có thể giải quyết được. Hiện phía Ủy ban cho biết đang và sẽ áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng dữ liệu lớn để giám sát DNNN nhưng không cản trở các hoạt động kinh doanh hàng ngày.

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu lễ ra mắt Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều 30.9 (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Trước đó, phát biểu tại lễ ra mắt Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều 30.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Các đổng chí được Đảng, Nhà nước giao quản lý số vốn gần 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước. Những đơn vị thuộc về đây đều là đơn vị trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam. Điện nước quan trọng không? Xăng dầu quan trọng không? Rồi những ngân hàng thương mại lớn nữa. Vị trí lớn không phải số vốn lớn, tài sản lớn mà là vị trí lớn trong nền kinh tế”.

Việc đưa 19 Tập đoàn, Tổng công ty về “Siêu ủy ban”, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không những không làm giảm vai trò của các Bộ, mà còn khiến vai trò này tăng lên.

"Anh là tư lệnh lĩnh vực, quy hoạch, kế hoạch, đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Có rất nhiều việc anh phải làm, không phải vai trò giảm đâu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn dặn dò, trong lúc chuẩn bị bàn giao Tập đoàn, Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không để khoảng trống, không để tiêu cực xảy ra. Cần học hỏi trên thế giới, họ sử dụng những cơ chế gì hay khuyến khích cơ quan quản lý vốn Nhà nước của họ để từ đó ứng dụng khéo léo trong hoàn cảnh đất nước.

“Kỳ vọng của người dân, xã hội, cả hệ thống chính trị đặt lên vai các đồng chí rất lớn. Là cơ quan mới thành lập, Ủy ban sẽ có rất nhiều công việc phải làm và cũng sẽ có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban”, Thủ tướng bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem