Ra tối hậu thư cho đối tác, cổ phiếu MWG của ông Nguyễn Đức Tài vẫn đỏ sàn

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 10/04/2020 13:30 PM (GMT+7)
Dù đã ra tối hậu thư rằng, “trong trường hợp đối tác quá cứng nhắc, không chia sẻ cùng công ty trong việc giảm chi phí mặt bằng, Thế giới Di động sẽ cân nhắc khả năng chuyển sang địa điểm gần đó với chi phí hợp lý hơn”, song cổ phiếu MWG nhà ông Nguyễn Đức Tài vẫn liên tục đỏ sàn.
Bình luận 0

Mới đây, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) đã gửi công văn đến các đối tác mặt bằng mà công ty này đang thuê để đề nghị điều chỉnh, miễn giảm chi phí thuê mặt bằng trước tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, phía Thế giới Di động mong nhận được sự hỗ trợ của đối tác bằng cách điều chỉnh giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 12 tháng và miễn chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng trong thời gian phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.

img

Khách mua hàng tại Thế giới Đi động trước mùa dịch Covid-19 (Ảnh: IT)

Thế giới Di động cũng cho biết, công ty sẽ trao đổi trực tiếp kế hoạch chi tiết và cụ thể đối với từng đối tác. Trong trường hợp đối tác quá cứng nhắc, không chia sẻ cùng công ty trong việc giảm chi phí mặt bằng, Thế giới Di động sẽ cân nhắc khả năng chuyển sang địa điểm gần đó với chi phí hợp lý hơn…

Sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu MWG đã có 4 phiên tăng giá liên tiếp (trong đó có 2 phiên tăng kịch trần), từ mức giá 58.900 đồng/CP lên 74.600 đồng/CP. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu MWG lại quay đầu giảm về mức giá 72.800 đồng/CP như thời điểm hiện tại.

Tính ra, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, giá trị cổ phiếu MWG đã “bốc hơi” gần 40% giá trị, từ mức giá 120.000 đồng/CP về vùng giá hơn 70.000 đồng/CP. Tương ứng với giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này cũng bay mất hơn 21,7 nghìn tỷ đồng.

img

Văn bản đề nghị giảm giá thuê mặt bằng của TGDĐ 

Có thể nói, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ với hệ thống cửa hàng phủ khắp cả nước, Thế giới Di động đang chịu rất nhiều sức ép từ chi phí thuê mặt bằng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, khiến hoạt động kinh doanh bị trì trệ, nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa.

Theo thống kê, MWG hiện có đến 3.084 cửa hàng đang hoạt động. Trong đó, chuỗi cửa hàng rộng lớn nhất là Điện Máy Xanh có đến 1.028 cửa hàng; chuỗi Thegioididong.com có 1.015 cửa hàng; và chuỗi Bách Hóa Xanh dù ra đời sau cùng cũng đã có 1.041 cửa hàng.

Tuy nhiên, do sức ép của Covid-19, tính đến hết tháng 3/2020, có khoảng 10% cửa hàng Thế giới di động và Điện Máy Xanh đã tạm đóng cửa, tương đương 10% doanh thu trong điều kiện bình thường. Phần lớn các cửa hàng đã đóng cửa ở Hà Nội và TP.HCM song hệ thống này vẫn phục vụ giao các đơn hàng online.

Mới nhất, theo kết quả kinh doanh được công bố cho thấy MWG vẫn tăng trưởng tốt, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong 2 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 20.541 tỷ đồng, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế đạt 845 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tháng 3 là thời điểm ảnh hưởng rõ rệt nhất từ dịch Covid-19, MWG cũng cho biết doanh thu tháng 3 của công ty đạt khoảng 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng so với mức 7.621 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tính chung, trong 3 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

img

Khách hàng mua vàng tại PNJ trước mùa dịch Covid-19 (Ảnh: Quốc Hải)

Không chỉ có MWG của ông Nguyễn Đức Tài, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung cũng cho biết mới đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp này đã đàm phán với nhiều chủ mặt bằng về vấn đề giảm tiền thuê mặt bằng. Đến nay, PNJ đã và đang nhận được sự đồng ý giảm tiền thuê mặt bằng từ các chủ nhà lên đến 40%.

Tính tới hết tháng 2/2020, PNJ có 348 cửa hàng, trong đó 290 cửa hàng PNJ, 54 cửa hàng PNJ SILVER, 27 cửa hàng PNJ WATCH và 4 cửa hàng CAO FINE JEWELLERY. Theo BCTC được công bố, PNJ có chi phí đặt cọc thuê cửa hàng 70,7 tỷ đồng, tổng chi phí trả trước ngắn hạn và dài hạn 229,9 tỷ đồng, chủ yếu công cụ, dụng cụ, cải tạo văn phòng, thuê cửa hàng, bảo dưỡng… Có thể thấy, chi phí cố định của PNJ với 348 cửa hàng đang vận hành là tương đối lớn.

Trước đó, PNJ đã chính thức đóng cửa tạm thời một số cửa hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Tùy theo tình hình dịch bệnh và yêu cầu của chính quyền địa phương, công ty PNJ sẽ tiếp tục tạm đóng thêm hay mở cửa trở lại các cửa hàng trong hệ thống.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNJ hiện giao dịch ở mức giá 58.000 đồng/CP, so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, giá cổ phiếu PNJ đã “bốc hơi” khoảng 37%, từ vùng giá 92.000 đồng/CP về vùng giá 58.000 - 59.000 đồng/CP ở hiện tại.

Hiện tại, ngoài MWG và PNJ, hàng loạt các “ông lớn” ngành bán lẻ khác cũng đang tiến hành đàm phán xin giảm chi phí mặt bằng vì dịch Covid-19, có thể kể đến như chuỗi cà phê Trung Nguyên, Vua Nệm, Starbucks, The Coffee House…

Khảo sát mới đây của CBRE - đơn vị môi giới và tư vấn đầu tư bất động sản hàng đầu trên thế giới - cho thấy lượng khách đến các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM đã sụt giảm khoảng 80% từ tháng 2 đến cuối tháng 3. Chính vì vậy, gần như toàn bộ trung tâm thương mại tại thành phố đều đã áp dụng mức giảm giá thuê trung bình 10-30% cho các ngành hàng khác nhau từ giữa cuối tháng 3, một số ít từ tháng 2 và cao nhất là miễn phí giá thuê cho ngành hàng buộc phải đóng cửa.

Đến cuối quý 1/2020, giá thuê tầng trệt và tầng một khu vực trung tâm giảm 11,4% và tại khu ngoài trung tâm giảm 15,9% so với quý trước.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem