Rau rừng-món nhà nghèo nông thôn hóa ra lại là đặc sản thành phố

Thứ sáu, ngày 04/02/2022 13:05 PM (GMT+7)
"Những món rau quê không những ngon, bổ, rẻ mà nó còn làm mình nhớ về mẹ cha và quê nhà..." - đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Loan, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái khi nói về loại rau rừng"đặc sản" này.
Bình luận 0

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các loại rau giống mới, có nguồn gốc nước ngoài đã được nghiên cứu gieo trồng và được sử dụng phổ biến ở nước ta.

Rau rừng-món nhà nghèo nông thôn hóa ra lại là đặc sản thành phố - Ảnh 1.

Một hàng rau rừng trong chợ ở thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái).

Bởi thế, khi xuất hiện những loại rau rừng (rau dại, rau bản địa) ở các chợ thành phố thì loại rau này đã trở thành đặc sản thu hút thực khách sành ăn.

Và người ta coi nó như một loại thực phẩm sạch để rồi chọn lựa nó làm món ăn khoái khẩu, thậm chí chọn làm quà quý dành tặng cho những người thân yêu.

Bốn mùa, rau rừng vẫn cứ đủ

Đến Yên Bái vào bất kỳ mùa nào, thực khách cũng dễ dàng lựa chọn cho mình một món rau rừng ưng ý. Khi tiết trời vào xuân, nắng xuân hây hẩy đong đẩy những bụi mưa, ấy là lúc vào mùa rau khúc. 

Rau khúc ở Yên Bái xanh non, mỡ màng bởi nó được hưởng khí trời trong lành và độ phì nhiêu của những bãi phù sa bên đôi bờ sông Hồng. Rau khúc được các bà, các mẹ khéo léo xay nhuyễn nhào với bột làm nên món bánh khúc đậm đà hương vị quê hương.

Ấy cũng là mùa măng ngọt, măng đắng (măng vầu khi chưa mưa thì ngọt, tai màu tím; sau mỗi cơn mưa rào đầu tiên kèm theo sấm sét thì măng đắng mọc, tai màu xanh). 

Ai đã đến Yên Bái vào mùa măng hẳn chẳng thể nào bỏ qua được các món ngon từ măng như măng nhồi thịt om, măng xào tỏi với thì là, măng luộc chấm mẻ. Rồi rau ngải, rau tầm bóp cứ ngút ngát xanh non ....

Sang hè, ấy là lúc trời bừng nắng to, cái nắng và nóng của thời tiết làm con người chỉ muốn ẩn mình trong bóng râm, khi ấy người ta thường tìm chọn mua rau má, rau rấp tanh bởi hai loại rau này dễ ăn, dễ chế biến, giàu dinh dưỡng và giải nhiệt tốt...

Bà Hoàng Thị Lan – tiểu thương chuyên bán các loại rau rừng ở chợ Yên Ninh (chợ bến đò) cho biết: “Ở quê các loại rau rừng này dễ kiếm, chẳng mấy ai mua nhưng ở thành phố thì rất dễ bán và bán rất được giá. 

Mỗi chuyến về quê là có thể chở được vài chục kg măng, mộc nhĩ tươi, hàng chục kg quả tai chua, vài chục mớ rau dớn, cả tải rau tầm bóp, rau má, ... mùa nào  thức ấy nhưng lúc nào cũng bán hết, không bao giờ thiếu người đặt hàng. Nhờ các loại rau rừng này mà tôi nuôi được 3 con ăn học trưởng thành”.

Theo chân những người có kinh nghiệm và kinh doanh nhà hàng ăn uống, chúng tôi được biết, các loại rau rừng được bán quanh năm, mùa nào cũng có những loại rau đặc biệt. 

Song vào mùa mưa thì số lượng rau khá nhiều. Nhiều loại rau được coi là đặc sản trong các nhà hàng nên được sử dụng với khối lượng rất lớn như rau tầm bóp nộm hoặc xào với tỏi; mướp đắng trộn với ruốc ăn gỏi và xào cùng trứng. Đặc biệt, lá và quả cây sung được tiểu thương tận thu với số lượng khá cao.

Anh Hà Văn Cương – phường Đồng Tâm, chuyên thu gom các loại rau rừng này cho biết: “Vào mùa hè, lá sung và quả được các cửa hàng bán bia đặt mua rất nhiều, thậm chí nhiều người ở Hà Nội cũng đặt mua”.

“Tôi rất thích đi chợ về những miền quê trong tỉnh, ở đấy tôi có thể mua được rất nhiều loại rau đặc sản mà giá cả thì rẻ vô cùng như: rau cải nương, rau dớn giá khoảng  5.000-10.000 đồng/bó, mắc mật, xương xông, mùng khoai, quả trám, quả sấu, măng sặt, hạt dổi, hạt xẻn, lá lộc vừng, lá đinh năng, lá vón vén, hoa đu đủ đực, ... giá cao nhất cũng chỉ chừng 25.000 đồng/kg. Do vậy gặp gì mua nấy, mua bao nhiêu về đến thành phố đều bán hết giá cả cao hơn gấp 2-3 lần mà chẳng có ai nợ tiền, nhiều thượng khách biết tôi hay đi còn gửi tiền trước cho yên tâm” - chị Quỳnh, tiểu thương chợ Yên Thịnh tâm sự.

Rau rừng về thành phố… rau hóa “đặc sản”, vào trong nỗi nhớ của người đi xa

Là người sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái), mặc dù đi công tác ở ngoài thành phố gần 20 năm nhưng chị Loan, phường Minh Tân vẫn thích những món ăn dân dã quê nhà. 

Chị cho biết: “Những món rau quê không những ngon, bổ, rẻ mà nó còn làm mình nhớ về mẹ cha và quê nhà. Ngày xưa, nghèo đói đi học về được bát canh rau tập tàng nóng đã thấy sướng lắm rồi. Mùa nước theo bố suốt đêm đi bắt cá chạy vào ruộng về nấu với rau sắn muối chua mà thấy cứ như được ăn sơn hào hải vị ấy. Bây giờ đầy đủ gia vị và các loại đặc sản khác mà vẫn thấy không đủ vị bằng những món ăn dân dã xưa”.

Còn chị Nguyễn Thị Hà, công tác ở Hà Nội cho biết, mỗi lần lên Yên Bái công tác, chị lại háo hức được đi chợ, mua các loại rau rừng về cho gia đình và bạn bè. Rau chị thích nhất là rau tầm bóp, trám đen, khoai tím Lục Yên và măng sặt.

Không riêng gì chị Loan, chị Hà, bất kỳ ai có điều kiện, đi vòng quanh các nhà hàng ăn uống trong thành phố Yên Bái, thực khách dễ dàng tìm gọi cho mình một hoặc nhiều món rau rừng như ý. 

Lòng vòng quanh bờ hồ km 5, thực khách lại có dịp nhấm nháp vị chua, chát, ngọt bùi của trái sung để rồi khi đưa cốc bia lên miệng lại gọi thêm một chút tương ớt quê nhà, đĩa rau sống với lá mơ, đinh lăng, lá ổi, lá sung, lá sấu...

Có thể nói, rau rừng ở Yên Bái đã có chỗ đứng trong lòng thực khách trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên việc sử dụng nó mới chỉ dừng lại ở việc khai thác nhỏ lẻ.

Nếu như có sự phối hợp giữa người dân địa phương và các nhà hàng trong việc chăm sóc, bảo tồn và cung ứng, tin chắc rằng những loại rau này sẽ giúp người dân ở quê có thêm nguồn thu nhập và ngành du lịch Yên Bái sẽ thêm níu chân du khách.

Nguyễn Thanh (Báo Yên Bái)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem