Rót 12.000 tỷ đồng vào 6 công ty dược Việt và tính toán của nhà đầu tư ngoại

Quang Dân - Thanh Giang Thứ sáu, ngày 20/11/2020 16:19 PM (GMT+7)
Từ năm 2016 đến, chỉ tính riêng 6 nhà đầu tư bao gồm Tập đoàn Dược đến từ EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã chi ra hơn 12.000 tỷ đồng để nắm quyền chi phối và có ảnh hưởng lớn đến các công ty Dược nổi tiếng của Việt Nam.
Bình luận 0

Hơn 12.000 tỷ đồng rót vào 6 công ty dược

Công ty Cổ phần Pymepharco (PME) vừa thông báo về việc chốt danh sách cổ đông tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường 2020 dự kiến diễn ra ngày 7/12 để bàn một số nội dung quan trọng.

Trong đó, đáng chú ý là việc Pymepharco cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn điều lệ của Công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai.

Được biết, quỹ đầu tư Stada Service Holding của Hà Lan đã rót vốn vào Pymepharco từ năm 2008 và vừa nhận chuyển nhượng thêm gần 6 triệu cổ phiếu PME từ Công ty TNHH Đầu tư Well Light. Hiện Stada Service Holding là cổ đông lớn nhất nắm trực tiếp gần 52,5 triệu cổ phiếu PME, xấp xĩ 70% vốn điều lệ của Pymepharco.

Ngoài phần nắm giữ trực tiếp, báo cáo tỷ lệ sở hữu của Stada Service Holding còn cho biết quỹ đầu tư này là pháp nhân có liên quan với Công ty TNHH Đầu tư Well Light – hiện đang nắm khoảng 2% vốn tại Pymepharco.

Với thị giá 73.600 đồng/cổ phiếu ước tính Stada Service Holding có thể chi ra đến 2.100 tỷ đồng để nâng sở hữu từ mức gần 62% lên 100% bao gồm khoảng 441 tỷ đồng chi ra để nhận chuyển nhượng gần 6 triệu cổ phiếu PME từ Đầu tư Well Light.

Toan tính của nhà đầu tư ngoại khi liên tiếp thâu tóm các doanh nghiệp dược? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư ngoại muốn thâu tóm 100% hãng dược phẩm Việt

Tháng 9 vừa qua, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT, Hataphar) cũng đã thông qua việc phát hành riêng lẻ gần 5,3 triệu cổ phiếu DHT với giá phát hành 70.000 đồng/CP cho đối tác Nhật Bản, ASKA Pharmaceutical Co., Ltd. Ước tính, ASKA Pharmaceutical Co., Ltd sẽ chi ra gần 370 tỷ đồng để sở hữu khoảng 20% vốn của Dược phẩm Hà Tây.  

Thực tế cho thấy, làn sóng thâu tóm ngành dược đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, nó chỉ được chú ý kể từ khi Taisho Pharmaceutial Holdings (thuộc Tập đoàn Taisho Holdings của Nhật Bản) mua lại 24,5% cổ phần của công ty dược lớn nhất trên sàn chứng khoán là Dược Hậu Giang (DHG) hồi giữa năm 2016. Đến nay, đối tác này đã nâng sở hữu lên mức chi phối là 51% cổ phần. Ước tính Taisho Pharmaceutial Holdings đã chi ra gần 6.000 tỷ đồng để sở hữu 51%DHG.

Tương tự, vào năm 2017 'ông trùm' Abbott của Mỹ chi hơn 2.273 tỷ đồng thâu tóm 51,69% vốn tại Domesco và khoản đầu tư không được tiết lộ để mua Dược phẩm Glomed. Ngoài ra, Adamed Group (Ba Lan) đã chi 50 triệu USD (khoảng 1.150 tỷ đồng) để thâu tóm 70% cổ phần của Đạt Vi Phú (Davipharm)...

Trong thời gian tới, Imexpharm (IMP) và Traphaco (TRA), Pharmedic (PMC) được cho là những cái tên tiềm năng tiếp theo trong làn sóng M&A. Hiện tỷ sở hữu nước ngoài tại IMPlà 47,8%, TRA là 47,1%. PMC đang có Quỹ America LLC và CTCK SHS nắm giữ gần 15% vốn điều lệ.

Từ năm 2016 đến, chỉ tính riêng 6 nhà đầu tư bao gồm Tập đoàn Dược đến từ EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ nói trên đã chi ra hơn 12.000 tỷ đồng để nắm quyền chi phối và có ảnh hưởng lớn đến các công ty Dược nổi tiếng của Việt Nam.

Toan tính của nhà đầu tư ngoại?

Sau khi các đối tác ngoại hiện diện, doanh nghiệp Việt kỳ vọng sẽ được đối tác nước ngoài hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất để nâng cấp chất lượng thuốc.

Đơn cử như trường hợp Dược phẩm Hà Tây khi lựa chọn ASKA làm đối tác chiến lược, ASKA cam kết hỗ trợ Dược Hà Tây trong việc thiết kế, tập huấn, đào tạo, hướng dẫn vận hành, kết nối thẩm định nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar. Trả lời cổ đông về những thuận lợi khi liên kết với đối tác Nhật, ông Lê Xuân Thắng - Tổng giám đốc DHT cho biết đối tác là ASKA là công ty dược phẩm sản xuất thuốc hormone lâu đời, có 4 phân xưởng tại thành phố Iwaki tỉnh Fusukima và một trong 4 phân xưởng này đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP Nhật Bản.

Về phía doanh nghiệp Nhật Bản, ASKA cho biết mục đích mua cổ phần tại DHT nhằm thiết lập địa điểm kinh doanh ở Đông Nam Á và xây dựng chỗ đứng để mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, nhìn tổng quan các thương vụ đầu tư của 6 đối tác ngoại đến từ các quốc gia trong khu vực EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ cho thấy viễn cảnh thâu tóm và lộ trình tăng sở hữu nhằm nắm quyền chi phối và có tác động lớn đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các công ty Dược Việt Nam.

Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đứng thứ hai tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất khu vực. Nhưng tình hình sản xuất dược phẩm trong nước đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại phải thông qua nhập khẩu.

Ước tính doanh số bán dược phẩm trong nước năm 2019 đạt 6,6 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm được dự báo sẽ đạt 10,2% trong giai đoạn 2018 – 2023. Cùng với sự già đi của dân số (theo BMI, dân số trẻ của Việt Nam đến năm 2025 chỉ còn 22,17%), sự gia tăng của gánh nặng bệnh hiểm nghèo và chi phí khám chữa bệnh tại Việt Nam vẫn còn đang rất thấp, sự tăng trưởng của nền kinh tế dẫn đến việc chi tiêu cho các vấn đề về sức khoẻ của người dân ngày càng gia tăng. Do vậy, nhiều tổ chức uy tín vẫn dự báo tốc độ tăng trưởng ngành dược trong vòng 10 năm tới ở mức 2 con số.

Kênh ETC năm 2019 ước tính đạt 4,93 tỷ USD (năm 2018 là 4,4 tỷ USD) doanh số, kỳ vọng sẽ tăng trưởng bình quân 11,1%/năm theo VNĐ và tăng 10% theo USD trong khoảng 10 năm tới. Dự kiến doanh số kênh ETC sẽ đạt 11,4 tỷ USD vào năm 2028. Tỷ trọng doanh số kênh ETC kỳ vọng lên mức 77,3% vào năm 2028 thay vì 70% như hiện nay do việc triển khai mở rộng bảo hiểm y tế quốc gia.  

Bên cạnh tiềm năng của thị trường đến từ phía cầu, thay đổi chính sách cũng làm cho các công ty Dược nội địa trở nên hấp dẫn hơn và có nhiều lợi thế hơn đối với các Tập đoàn dược phẩm ngoại.  Vì vậy, các Tập đoàn Dược phẩm nước ngoài phải tìm kiếm cơ hội hợp tác, sở hữu các doanh nghiệp dược Việt Nam để tiếp tục khai thác thị trường.

Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ đầu tháng 7/2017) quy định, doanh nghiệp nước ngoài được quyền nhập khẩu nhưng không được trực tiếp phân phối thuốc. Điều này cũng lý giải vì sao các nhà thuốc bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn vắng bóng trên thị trường.

Do vậy, để tiếp cận thị trường tiềm năng này, cũng như cạnh tranh với dòng thuốc giá rẻ của Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư ngoại đã nhượng quyền sản xuất hoặc mua cổ phần các công ty dược.

Toan tính của nhà đầu tư ngoại khi liên tiếp thâu tóm các doanh nghiệp dược? - Ảnh 3.

Công ty dược khác của Nhật Bản là ASKA đã mua thành công hơn 6,5 triệu cổ phiếu Công ty CP Dược phẩm Hà Tây

Hơn nữa, các văn bản pháp luật được duy trì thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp dược nội địa phát triển: Luật Dược số 105/2016/QH13, Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014, Luật Đấu thầu, nghị định 63/2014/NĐ-CP … Chính sách khuyến khích và ưu tiên đặc biệt cho thị phần thuốc nội tại các bệnh viện, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 146 thuốc sản xuất trong nước có thể thay thế thuốc nhập khẩu nếu đáp ứng nhu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp dược phát triển vì đó là những mặt hàng thuốc thiết yếu, thuộc danh mục thuốc đấu thầu, có mặt ở các nhóm điều trị.

Năm 2019, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện đề án "Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt", chương trình "Con đường thuốc Việt" và giải thưởng "Ngôi sao thuốc Việt lần 2" đã tạo nhiều động lực cho các doanh nghiệp Dược trong nước phát triển.

Cũng trong năm 2019, ngành Dược cũng đánh dấu sự hoàn thiện thêm các quy định và hướng dẫn quản lý ngành, trong đó có việc sửa đổi 2 thông tư trong lĩnh vực đấu thầu thuốc. 

Thông từ 15/2019/ TT- BYT quy định việc đấu thầu thuộc tại các cơ sở y tết công lập; trong đó, các doanh nghiệp có nhà máy đạt chuẩn EU – GMP hay PIC/S được thẩm định bởi các nước khối ICH được ưu tiên trong đấu thầu thuốc Generic ở phân khúc nhóm 1 và nhóm 2. 

Thông tư 03/2019/TT-BYT ban hành danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng – bổ sung thêm 483 thuốc sản xuất trong nước.

Từ thay đổi chính sách, các công ty Dược có xu thế mở rộng các nhà máy lên tiêu chuẩn EU – GMP để cạnh tranh hơn vào kênh ETC (chiếm 70% thị trường thuốc) cũng như đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất thuốc Generic. Điều này, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nội địa như: Taisho đầu tư vào Dược Hậu Giang, Abbot đầu tư vào Domesco, Stada đầu tư vào Pymepharco,….






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem