Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội

Đỗ Doãn Hoàng Thứ bảy, ngày 04/12/2021 10:05 AM (GMT+7)
Tôi, kẻ làm báo, chẳng hiểu sao lại mặn duyên, hay nói khác đi là "nặng nợ hồng trần" với các khối u của người khác, từ hàng chục năm nay.
Bình luận 0

Từ chuyện người đàn bà ở vùng chè cổ thụ Suối Giàng với khối u gần 30kg trong bụng, "chửa" mấy năm chả chịu đẻ, đi khám thì các bác sỹ ở BV Đa khoa tỉnh Yên Bái mới tá hỏa "vét mãi không hết dịch trong ổ bụng nàng". 

Rồi đi mổ cho mẹ con chị Hậu ở Phú Thọ, khối u trùm kín bưng cả mặt mày. Chuyện đưa bà Triệu Mùi Chài với khối u trên mặt, ăn vào tận não tủy, khiến bà "bị" tôi gọi trên báo là "Sơn nữ mặt quỷ" đi tìm lại gương mặt người.

Người đàn ông có khối u kỳ dị ở Lai Châu

"Tôi như được sinh ra lần nữa"

Rồi chúng tôi lặn lội đi xin đủ 450 triệu đồng đưa bà Chài từ Cao Bằng về Hà Nội mổ. Hành trình gần 10 tiếng đồng hồ gây mê và mổ khối u ăn vào tận não tủy, nó lớn và quái ác chưa từng được biết đến trong lịch sử y học Việt Nam.

Đến mức các giáo sư, bác sỹ quay lại cảm ơn tôi, khi tôi đang hàm ơn họ, rằng: nhờ nhà báo mà chúng tôi phải/được đối mặt với một ca cứu người chưa từng gặp, mở ra một con đường sáng trong y học để chúng tôi có thể cứu được nhiều hơn các bà con chẳng may bị "trời đày" tương tự như thế này.

Vâng! Chắc đời làm báo của tôi không thể nào quên giây phút được Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS Trịnh Đình Hải, khi đó là Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương đặc cách cho vào chờ giây phút bà Triệu Mùi Chài tỉnh dậy sau ca phẫu thuật kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ.

Tôi và nhà báo Tạ Hoài Phương cùng con trai chị thực hiện một bộ phim tài liệu khoa học về hành trình đưa phép màu đến cứu người đàn bà mắc bệnh hiểm sau nách núi - phim đã đoạt Huy chương Vàng, Liên hoan Truyền hình Toàn quốc năm 2017.

Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội - Ảnh 2.

Bà Triệu Mùi Chài và khối u đáng sợ trên mặt trước khi được các nhà báo kiến nghị cứu giúp. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Nhưng, tôi chẳng biết máy quay đặt ở đâu và chẳng nhìn được gì nữa, tất cả nhòe đi khi người đàn bà bản Dao, ngoài 60 tuổi, trải qua 4 đời chồng (khi tôi viết những dòng này, chồng thứ 4 của bà đã chết) và mang khuôn mặt biến dạng đến mức kinh hoàng ấy từ từ mở mắt… Bà nói tiếng Kinh (Việt) đã rất khó nhọc, vậy mà khi chập chờn hai cõi hôn mê và tỉnh thức đó, bà buột một câu mà tôi điếng người: "Cảm ơn nhà báo đã sinh ra tôi một lần nữa".

Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội - Ảnh 3.

Nhân vật đặc biệt Triệu Mùi Chài về Hà Nội chúc mừng Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong lễ ra mắt sách. Ảnh: Văn Hoàng

"Khối u này, làm gì có tiền mà đi cắt; hai nữa, đừng cắt nữa thì nó sẽ đừng mọc thôi"

Tôi gặp anh ta bên bờ hồ Thủy điện Bản Chát, thuộc xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; cách Hà Nội khoảng 400km. Chỗ đó là sơn cùng thủy tận rồi, sắp hết sạch đường ô tô xe máy rồi. Đi vài bước là rơi tõm xuống hồ.

Tôi đang đi điều tra bảo vệ quyền lợi cho một phụ nữ yêu thiên nhiên đến tận cùng mà lại rơi vào cái tròng oái oăm của sự thớ lợ "Lý Thông cướp công Thạch Sanh" của người đời. Chợt tầm mắt vấp phải A Tu. Lõng thóng bên má trái, trùm xuống gần đến bả vai A Tu là một cục thịt chẳng biết nạc hay mỡ. Tôi sững sờ, tê tái. Anh bị làm sao thế?

Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội - Ảnh 4.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, phóng viên Báo NTNN/Dân Việt cùng anh Thào A Tu trong cuộc gặp tình cờ tại bản Khuổi Bắc, xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Văn Hoàng

Mấy cô gái Mông trẻ măng (sau này biết đã mấy mụn con) đang ngồi câu cá bên bờ hồ thủy điện, nở một nụ cười sơn cước nao lòng: "Ông ấy nó nghiện đấy". Ta muốn giúp A Tu. Đừng giúp nó, nó nghiện đấy. Ơ hay, nghiện ma túy thì không đáng được cứu ư? Các cô cười khanh khách.

A Tu chẳng nói gì. Vẫn tiếp tục vác gỗ thả lên thuyền, rồi ẩy thuyền ra xa. Anh lội bì bõm trong lấp xấp nước trùm lên cỏ mượt ven bờ. "Đi đâu đấy?", tôi nhảy tọt lên chiếc thuyền sắt bé xíu. "Đi làm nhà". Anh làm nhà ngoài đảo, bên kia hồ à? Tôi khoát tay ra mênh mông hồ thủy điện. "Không, đi làm nhà cho bọn gà nó ở ấy mà".

Thào A Tu cùng cậu con rể lấy gỗ mục ở nhà sàn đem sang các hòn đảo nổi trên hồ để làm chuồng nuôi gà. Bất giác tôi thở dài. "Anh bị khối u trên mặt này to quá. Có muốn cắt bỏ nó đi không?". 

A Tu gãi đầu gãi tai: "Làm gì mà cắt được nó. Cắt xong nó lại mọc đấy. Năm trước, cục thịt bên trái dài đến ngực, đi cắt vài năm sau, nó lại mọc cục thịt này".

Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội - Ảnh 6.

Sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải bài viết "Lai Châu: Người đàn ông có khối u kỳ dị trên mặt" đã có nhiều cá nhân, đơn vị ủng hộ và đưa A Tu đến Hà Nội khám bệnh. Ảnh: Hờ A Lịa

Hai bố con A Tu kể chuyện vất vả, bằng thứ tiếng Việt bập bẹ, từ ngữ thay thế, đảo chiều cho nhau lung tung, có lẽ, nghe còn khó dịch hơn nghe Tây ba lô nói tiếng Việt Nam.

Tôi gọi các sơn nữ đang cười một cách không nghĩ ngợi gì bên những xâu cá đẹp tinh khôi còn ướt nhóng nhánh nước hồ kia lại. Dịch cho anh, kể thêm cho anh xem nào. Hóa ra, A Tu không tin là có thể cắt tiệt các khối u trên mặt dài loằng ngoằng kia đi.

Thứ nhất là vì không có tiền. Khối u trước dài, thõng, xù xì, quái dị hơn cả khối u hiện nay (dài từ mí dưới của mắt, từ vành trên của tai xuống tới gần chạm bả vai!). Gần chục năm trước, một số nhà từ thiện của nhà thờ đã đưa A Tu về viện K dưới Hà Nội cắt. Thời giá bấy giờ là 30 triệu đồng. 

Số tiền lớn ngoài sức tưởng tượng với A Tu và gia đình, giờ khối u mới mọc lên, không thấy ai đến từ thiện đi cắt nữa, A Tu hết hy vọng rồi. Vả lại cắt bên A nó mọc bên B, A Tu nghĩ, đừng cắt nữa có khi nó sẽ đừng mọc.

Tôi đã nhét 4 cái card-visit của mình vào túi áo hai bố con Thào A Tu; nhưng…

Tôi nài nỉ, anh nghiện ma túy, bị công an bắt bao giờ chưa? Bị rồi chứ, nhưng mình nghèo cũng được tha. Mình chỉ hút, hít thôi, chứ mình không buôn bán gì. Mà cũng vì mình bị khối u này nó quá đau, nó nhức không ngủ được, nên mình dùng ma túy cho nó giảm đau. Biết làm thế là sai, song chẳng có cách nào khác.

A Tu quyết đi. Đẩy thuyền như Kinh Kha qua sông Dịch. Chẳng chào. Anh ta cứ nghĩ tôi nói đùa. Tôi bảo, em xin số điện thoại. Mình không dùng điện thoại đâu. 

Tôi bảo cậu Vàng A Chờ, con rể A Tu, hắn rắn rỏi, lanh lẹ, thon nhẹ như con báo, "anh xin số của em". Em không dùng điện thoại. Trời tối hẳn rồi.

Tôi nhảy lên bờ, không quên thả vào túi áo ngực cậu con rể A Tu, thả vào túi áo bộ đội cũ rách của A Tu, mỗi người hẳn hai cái cardvisit. Ở đó có tên, số điện thoại, email, địa chỉ, đủ thứ hầm bà lằng về tôi. "Về liên lạc với em ngay, em sẽ giúp anh". "Làm gì giúp được mình, đi mổ bây giờ đắt lắm". 

Tiếng A Tu khẽ mà mê lú đến mức tôi không làm sao để anh ta tin vào sự thật là tôi từng viết báo, làm phim, kết nối các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ hàng đầu Việt Nam ở BV Việt Đức và BV Răng Hàm mặt Trung ương để mổ cho bà Triệu Mùi Chài, kinh phí cả gần 450 triệu đồng do nhà hảo tâm đóng góp. Chứ đâu phải chỉ là cái cục "cắt xoẹt cái xong" với giá 30 triệu đồng bên má trái A Tu thôi đâu…

Về Hà Nội, xem lại ảnh, tôi cứ bị ám ảnh nỗi đau của A Tu, cái thứ ma túy anh đang nghiện với mong muốn giảm đau nó quá nguy hiểm, nó có thể tạo ảo giác và anh với cộng đồng có thể còn lĩnh hiểm họa lớn hơn nhiều. Tôi để ý điện thoại cả tuần, không thấy hồi âm của 4 tấm cardvisit thả vào túi ngực bố con A Tu. Tôi quyết định cho người liên lạc với lãnh đạo xã Pha Mu, huyện Than Uyên, nơi Tu sinh sống.

Đầu bên kia, là hổn hển như là có tiếng trèo rừng, tiếng gió thổi ù ù và anh Phó Chủ tịch UBND xã Pha Mu còn mô tả cả mùi khói anh ta đang thích thú. Làm gì đấy, mà hổn hển thế, bác Vàng A Sử ơi? Đang đi đốt ong, khói, nhiều nhộng lắm. Gớm, mùa se lạnh, nhộng ong rừng mà xào với lá chanh thì ngon phải biết. Lần đầu gọi cho nhau, mà thân thiện như quen từ tiền kiếp.

Hỏi về Thào A Tu, A Sử bảo, anh ấy nghèo lắm, làm gì có tiền mà đi chữa bệnh. Tôi bảo, tôi sẽ xin một chuyến xe riêng, sẽ nhờ các chuyên gia giỏi nhất Việt Nam giúp A Tu. Vàng A Sử im lặng rất lâu. Sau này biết, anh ấy quá xúc động. 

Tin nhắn của A Sử và Chủ tịch xã Pha Mu làm chúng tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều. Họ thương dân của mình thật sự, dẫu người lầm lạc đổ đời vào ma túy và từng bị người trong bản ít nhiều xa lánh đi nữa.

Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội - Ảnh 9.

Thào A Tu được Ban lãnh đạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương khám khi đến Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương

Nói thật là tôi chưa có ý định viết về A Tu, cái quan trọng là cứu anh ta khỏi các cơn đau dày vò của khối u to, kì dị và quái ác kia trước. Tin từ thiện đầu tiên trên Báo Dân Việt, đã được Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương đọc. 

Chị gọi cho tôi: "Hoàng ơi, chị đang họp mà nhìn tấm ảnh thương quá!". Rồi chúng tôi bàn bạc, chị giao cho một Phó vụ trưởng làm đầu mối liên lạc. Xin Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu hỗ trợ. Một phụ nữ tử tế xin đài thọ 6 triệu đồng một chuyến xe "VIP" chở một mình A Tu về thủ đô, giữa lúc dịch COVID-19 đang còn nhiều hoang mang lo lắng lắm.

Ủy ban xã họp lại: A Tu và con rể con gái đều không tự tin để về Hà Nội, phải cắt cử một trưởng bản đi cùng. Trưởng bản Huổi Lắc, tên là Hờ A Lịa. Anh này sắc sảo hơn, song lại có đàn con dại với 4 con trâu thả lã đi hoang trong rừng già, phải cho nó về ăn muối, trông nó, chứ không khéo mất 4 cái đầu cơ nghiệp đó thì có mà sạt nghiệp mấy thế hệ. 

Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội - Ảnh 10.

Thào A Tu đã tỉnh lại sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ tại Bệnh viên Răng Hàm Mặt trung ương. Ảnh: Văn Hoàng

Mỗi lần có "đại biểu" từ bản xuống Hà Nội, hầu hét họ không dùng điện thoại di động, không tự tin với tiếng Kinh để giao tiếp dọc đường, nhóm chúng tôi lại loạn cả lên… cắt cử người coi sóc các "binh nhì" cần "giải cứu". Chỉ lo họ bị lạc.

Khi đến Bệnh viên Thào A Tu được các y bác sỹ đón tiếp nhiệt tình. Đặc biệt chu đáo là PGS.TS Trần Cao Bính. Bệnh viện bao ăn ở, hội chẩn kĩ càng, trước lúc mổ, còn tổ chức một cuộc họp báo quy mô khá lớn. Thuê cả các cỗ máy tinh vi của Bệnh viện khác về phục vụ ca bệnh đặc biệt (giá thuê đã hàng chục triệu đồng) với nhiều tình huống đã trớ trêu rồi, song vẫn phải dự trù các phát sinh còn trớ trêu hơn nữa khi… "khai dao".

Các tình nguyện viên sẵn sàng trực chiến hiến máu, khi A Tu mất quá nhiều máu do thời gian mổ có thể kéo dài đến 8 tiếng và khối u có thể ăn vào dây thần kinh quan trọng điều khiển hoạt động của mắt, miệng và não tủy (dễ gây méo miệng, mắt không nhắm được hoặc nặng hơn…). Các cỗ xe cấp cứu và hỗ trợ vật tư đặc chủng đỗ gần bệnh viện, để khi cần, khỏi lo vượt qua các đám tắc đường kinh điển của Hà Nội để cứu A Tu và chấm dứt nỗi đau mang tên khối u.

Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội - Ảnh 12.

Thào A Tu trước và sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u kỳ dị trên mặt thành công vào ngày 1/12/2021. Ảnh: Văn Hoàng

Phép màu của lòng nhân ái: từ lãnh đạo Trung ương đến sinh viên nghèo cùng vào cuộc

Sau hội chẩn, thông tin được đưa ra, khiến ai nấy trong chúng tôi đắng lòng lo lắng. A Tu bị khối u làm cho gầy tọp, vì nó "ăn" hết dưỡng chất của cơ thể, lại thêm nhà nghèo toàn ăn khoai sắn (chỉ sau ít ngày nằm viện và được chăm sóc y tế, A Tu tăng tới 4kg). 

U xơ thần kinh má – mang tai – cổ phải. Kinh phí mổ có thể lên tới 200 triệu đồng, sau này, bệnh viện tìm mọi cách hỗ trợ, đài thọ, giảm chi phí trên mọi nhẽ… Số tiền đó lớn hơn rất nhiều dự trù 30 triệu đồng tiền cắt cục thịt thừa kì dị của A Tu kia.

Một mặt, BV huy động các bác sỹ giỏi nhất, máy móc hiện đại nhất để "đối mặt" với ca phẫu thuật vào hàng khó nhất từ trước tới nay, do khối u quá lớn ở vùng mặt tác động đến dây thần kinh số 7 ("điều khiển" mắt và miệng); nếu không khéo và không làm nhanh, khối u quái ác có thể làm xẹp đốt sống cổ của A Tu.

Tôi lại thêm một lần dùng uy tín cả nhân nhỏ bé của mình để lên tiếng kêu gọi. Giữa nhiều thị phi của vận động từ thiện, tôi đề nghị tiền gửi về tòa soạn hay gửi cho A Tu tại bệnh viện, chứ đưa cho tôi, nhầm một cái thì "đi tù". Có lớp học tôi đang dạy, qua một bạn tên Giang, học viên đóng góp 11,5 triệu đồng. 

Có chị hàng xóm nhà chị Thứ trưởng Hạnh, đóng góp 2 triệu đồng; bạn tôi ở báo Nhân dân, rồi báo Đại Đoàn Kết, nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu rồi cả cán bộ được giao lập nhóm chat chia nhau túc trực chăm sóc A Tu, ai cũng xắn tay áo lên. Thôi, vận động khó quá thì chúng ta tự đóng góp với nhau.

Xúc động nhất là chuyện ở Ủy ban Dân tộc. Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhờ người mang quà đến tận giường bệnh của A Tu, PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương cảm động đón nhận. Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh thì xắm nắm lo cho A Tu hơn cả việc… nhà mình. 

Chị họp, tôi cập nhật ca mổ trong chạng vạng ngày 1/12/2021 mà chị bật khóc. Chị nín thở: Hoàng ạ, A Tu có mệnh hệ gì em là "nặng tội" nhất, vì đã dụ Tu và khối u cùng về Hà Nội; chị "nặng nhì" vì lo từ xe cộ đến kết nối bác sỹ, xin tài trợ.

Bệnh viện yêu cầu A Tu cam kết không sử dụng ma túy trong thời gian ở bệnh viện điều trị, tôi thì và chị Hoàng Hạnh thì yêu cầu: Nếu A Tu về lại bản mà dùng ma túy nữa, phụ lòng tốt của chúng tôi. Tôi sẽ tóm cổ đưa "y" xuống Hà Nội, mời các bác sỹ cấy trả đúng khối u ấy vào đúng vị trí cũ trên mặt. Để cho mất thói phụ công người tốt đi. A Tu nghe xong, hứa lên hứa xuống, khiến chúng tôi mỉm cười đầy xúc cảm. Nụ cười hiếm hoi trong cả hành trình nín thở và đầy nước mắt.

Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội - Ảnh 13.

Đại diện Ủy ban Dân tộc đến thăm, động viên và tặng quà cho Thào A Tu tại Bệnh viện. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Chị Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh chủ trò, liên lạc mọi nhẽ, cả gọi điện cho Giám đốc BV, cả nhờ vả bên Ban Dân tộc tỉnh, cả xin hàng xóm cho tiền xe cộ. Tôi cũng ra sức vận động. Số tiền cứ tăng dần. Ca mổ thành công, A Tu tỉnh dậy. Anh và chúng tôi lại nghe nhiều nghệ sỹ, nhà báo tiếp tục ủng hộ.

Đặc biệt xúc động là việc đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có lời động viên chí tình, có kinh phí quý báu giúp A Tu vượt qua cõi tử, "trở về gương mặt thật" và vui sướng chờ ngày hồi hương xứ Pha Mu sau hành trình vất vả mà có gì đó thật màu nhiệm…

Khi A Tu tỉnh dậy, tôi đã viết trên facebook của mình: CUỘC SỐNG CÓ PHÉP MÀU ĐẤY CHỨ? – TẠI SAO KHÔNG? HÃY TIN Ở NƯỚC MẮT / TIN Ở HOA HỒNG – TẠI SAO KHÔNG? Có thể A Tu vẫn để các tấm card-visit của tôi trong ngực áo, có thể rũ áo ngoài hồ thủy điện Bản Chát nó rơi mất rồi. 

Có thể mãi mãi A Tu không nghĩ rằng cần phải gọi cho tôi để trả nợ cái talk mà tôi vẫn hằng chờ đợi với khát vọng cứu người kia. Có thể, mãi mãi A Tu không biết rằng, có những học viên báo chí đã vận động trong lớp mình đủ 11,5 triệu để tặng anh. Rồi các VIP ở Chính phủ vào cuộc.

Rủ A Tu “cõng” khối u về Hà Nội - Ảnh 14.

Phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay thay mặt cho các mạnh thường quân đã trao tiền ủng hộ đến tay Thào A Tu. Ảnh: Văn Hoàng

Và tôi, cũng không nghĩ cuộc gặp tình cờ và cuộc săn tìm người bệnh của mình hôm ấy lại lay động được tới từ nhiều VIP ở trung ương đến các sinh viên nghèo, với các sự chung tay thắm nghĩa đồng bào như thế…

Chúng ta bình đẳng trước nỗi đau, bình đẳng trước tình yêu và sự tử tế. Không ai đánh thuế niềm tin cả, hãy tin là A Tu và những người chẳng may rơi vào đau khổ khác sẽ không bị bỏ lại phía sau. 

Ngọn lửa nhân ái từ câu chuyện xã hội giúp A Tu, giúp bà Triệu Mùi Chài…, ước gì nó lan tỏa và sưởi ấm nhiều hơn những phận người chẳng may rơi vào hiu buồn hờn tủi khác. 

Suốt hành trình cứu bà Mùi Chài, rồi A Tu, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: hệ thống y tế cơ sở, cán bộ địa phương, họ ở đâu và họ đang thiếu cái gì, để rồi không ai cứu những người tận khổ cận kề cái chết ấy - trước khi tôi và nhiều nhà hảo tâm có mặt? Nếu không có tiền, không có xe, không có các mối quan hệ rộng rãi để kết nối, thì họ cũng biến kiến nghị, biết kêu cầu, biết gửi thông điệp cho cấp trên hay cho những người có tâm, có tiềm lực hoặc có kiến thức khác chứ nhỉ?

25 năm bà Chài bị khối u, nhiều lần ra tỉnh huyện khám, họ bảo không chữa được đâu, họ bảo, không có tiền không cắt nó đi được đâu. Thế là về và nằm chờ chết. Nếu không có sự dắt mũi nào đó của số phận, chắc gì chúng tôi đã gặp A Tu trong cái chiều hấp hối đó? Chắc gì ngôi nhà trong góc núi hoang vắng của bà Triệu Mùi Chài đã tình cờ được chúng tôi nghe kể. 

Chúng tôi không nói mình quan trọng hay mình có công. Chỉ muốn nói rằng, chúng tôi trăn trở và có gì đó rất trách móc. Chúng ta cần phải vận hành lòng nhân ái trong xã hội thế nào đó. Để làm sao, chúng ta phải luôn để mắt, luôn rung cảm và luôn cắn rứt lương tâm, luôn cúi xuống lắng nghe, để thấy rằng: không có ai là tẻ nhạt trên đời cả. Không một ai bị bỏ lại phía sau.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem