Rủi ro từ Bitcoin

Thiên Lương Thứ hai, ngày 26/04/2021 07:45 AM (GMT+7)
Ở Việt Nam, "vàng kỹ thuật số" Bitcoin chưa đặt ra thách thức với hệ thống tài chính và năng lượng quốc gia. Nhưng nhiều người dân đã và đang mất hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng vào tiền ảo.
Bình luận 0

Nếu có gì khó dự đoán nhất trên thị trường tài chính toàn cầu hiện nay thì gần như chắc chắn đó là Bitcoin.

Ra đời ngày 31/10/2008, chưa đầy 13 năm sau, Bitcoin - tiền ảo đầu tiên của thế giới đang giữ vị trí dẫn đầu về cả giá giao dịch và tầm ảnh hưởng trong thị trường tiền ảo, dưới con mắt tham lam và ngờ vực của các nhà đầu tư, đồng thời cũng bắt đầu bị các chính phủ để ý đến như một mối nguy hiểm tiềm năng với hệ thống tài chính quốc tế.

Được tạo ra trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu bởi Satoshi Nakamoto, một nhân vật bí ẩn, Bitcoin không chỉ là một thành tựu công nghệ, mà còn mang một tầm nhìn chính trị. Trong bản giới thiệu về về đồng tiền ảo này, Satoshi Nakamoto viết rằng, Bitcoin "hoàn toàn là một phiên bản ngang hàng (P2P) của tiền điện tử, cho phép gửi trực tiếp từ bên nọ qua bên kia trong thanh toán trực tuyến mà không cần thông qua bất cứ tổ chức tài chính nào". 

Bitcoin được tạo ra rất thông minh, dựa trên 2 ý tưởng chính: Một là không bị các chính phủ kiểm soát, và hai là mô phỏng các tài nguyên khoáng sản – chỉ có một số lượng hạn chế và càng ngày càng khó khai thác, với nghĩa là chi phí khai thác càng ngày càng gia tăng.

Hai điểm trên đây gợi nhớ đến vàng, một kim loại quý không bị ô xy hóa, không chịu ảnh hưởng của thời gian, khó bị các chính phủ kiểm soát và dường như cũng có số lượng hạn chế với chi phí khai thác ngày một gia tăng.

Có lẽ vì thế mà Bitcoin còn được coi là vàng kỹ thuật số.

Dẫu chưa ai biết người nào hay tổ chức nào đứng sau Bitcoin, nhưng ý tưởng khởi thủy của đồng tiền này quả thật cực kỳ thông minh. Hai ý tưởng chính trên đây được triển khai với một công nghệ phức tạp và dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của bất cứ chính phủ nào.

Chính câu chuyện đằng sau Bitcoin đã tạo giá trị cho nó, và đến giờ này nó đã thành một thương hiệu trị giá hàng trăm tỷ USD. Dù trải qua nhiều đợt thăng trầm, nhiều lần bị các chuyên gia tài chính dự đoán rằng nó sẽ sụp đổ, thậm chí về con số không, nhưng Bitcoin vẫn không ngừng vươn lên mãnh liệt với sức sống đáng sợ của một quái vật bất tử, và tăng giá lên hàng triệu lần so với lúc mới ra đời.

Về nguyên tắc, nếu cách đây 12 năm, bạn bỏ ra khoảng một giờ đồng hồ để đào Bitcoin trên máy tính của mình, hoặc dùng tiền công của mình để mua lại vài chục đồng Bitcoin, thì hiện nay bạn đã thành một triệu phú đô la, nếu bạn chưa quên mật khẩu của mình.

Thực sự, lịch sử ngành tài chính thế giới chưa bao giờ chứng kiến một sự gia tăng giá trị khủng khiếp như vậy với bất cứ một tài sản nào. Nó đặt dấu hỏi cho mọi nỗ lực lao động và phấn đấu của con người, cũng như các giá trị và công thức đầu tư mà chúng ta vẫn được dạy.

Trong 15 năm gần đây, giá vàng chỉ dao động từ 600 USD lên đến 2000 USD, mà đã tạo nên không ít cơn sốt đầu tư trong dân chúng. So với Bitcoin thì quả thật vàng chỉ là một món đồ chơi trẻ con.

Tuy nhiên, những thế mạnh của Bitcoin cũng sẽ là những điểm yếu của nó. 

Thứ nhất là về quá trình khai thác: Do ngày càng khó khai thác và tốn nhiều năng lượng, đến nay Bitcoin đã thành một sản phẩm phá hoại môi trường khủng khiếp. Theo Chỉ số tiêu thụ điện năng Bitcoin Cambridge (CBECI) do các chuyên gia của Đại học Cambridge (Anh) đưa ra, tổng mức tiêu hao năng lượng của quá trình đào Bitcoin năm nay có thể đạt đến mức 128 tỉ kWh. Con số này chiếm 0,51% tổng lượng điện sản xuất và 0.59% tổng lượng điện tiêu thụ của thế giới. Nếu chỉ tính theo mức tiêu thụ năng lượng, quá trình khai thác Bitcoin dùng năng lượng chỉ sau 28 nền kinh tế mạnh nhất thế giới.

Con số này sẽ càng ngày càng tăng theo thời gian, do cơ chế của Bitcoin bắt buộc như thế, và đó chính là điểm bí ẩn tạo nên sức mạnh và sự lãng mạn cho đồng tiền ảo này. Nhưng sự tàn phá môi trường gián tiếp của nó sẽ đến lúc trở thành một vấn đề quốc tế. Đồng tiền này chưa thể tự tạo ra năng lượng cho chính nó, và vẫn phụ thuộc vào chính sách của các quốc gia.

Thứ nhì là việc Bitcoin nằm ngoài, hoặc tự cho rằng có khả năng nằm ngoài tầm kiểm soát của các chính phủ. Yếu tố này quả là hấp dẫn và tạo cho nó hình ảnh lãnh đạo với những kẻ vô chính phủ và vô số người vẫn tin rằng sự lãnh đạo của nhà nước chỉ nhằm bóc lột và kiểm soát dân chúng.

Cho đến nay, với mức giá khó tin là trên 50 ngàn USD (sau khi đã suy giảm mạnh từ đỉnh 64 ngàn USD, và tổng giá trị thị trường khoảng 1000 tỷ USD, đồng Bitcoin vẫn chưa phải là một thế lực đủ sức thách thức hệ thống tài chính các cường quốc. Chính vì vậy các chính phủ mới chỉ để mắt đến nó, canh chừng việc nó có thể thành công cụ rửa tiền cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, và có thể làm những người dân của họ bị phá sản, gây bất ổn xã hội.

Nhưng nếu đồng tiền ảo này gia tăng lên một giá trị nhất định, và trở thành công cụ yêu thích để tích trữ tài sản và giao dịch ngầm, thì chắc chắn các Ngân hàng Nhà nước toàn cầu sẽ đặt nó vào tầm ngắm. Và các chính phủ hiện nay vẫn có đầy đủ những quyền lực chính thức và không chính thức để ngăn cản thậm chí hủy diệt sự phát triển của Bitcoin cũng như mọi đồng tiền ảo khác.

Nên nhớ rằng một trong các quyền lực quan trọng nhất của nhà nước là quyền phát hành và quản lý tiền.

Trước mắt, với Việt Nam chúng ta, Bitcoin chưa đặt ra các thách thức với đồng tiền cũng như hệ thống tài chính và năng lượng quốc gia; nhưng những rủi ro từ các sản phẩm phái sinh từ tiền ảo cũng như chính các đồng tiền ảo đang ngày một gia tăng, và bắt đầu manh nha những sự sụp đổ khủng khiếp của các hệ thống bán hàng đa cấp và cờ bạc dựa trên tính bất ổn và biên độ gia tăng quá cao cũng như câu chuyện lãng mạn của Bitcoin. Nhiều người dân đã và đang mất hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng vào tiền ảo.

Hiểm nguy này còn gia tăng nếu như Bitcoin sụp đổ lần nữa như vài năm trước, không giữ được những ngưỡng tâm lý hỗ trợ như 50 ngàn, 40 ngàn, 20 ngàn USD. Lúc đó các tác hại của đồng tiền ảo này mới bùng lên.

Một nhà đầu tư nổi tiếng có câu: Khi triều xuống mới biết ai không mặc quần. Lúc thị trường đi lên thì ai cũng đẹp đẽ vui vẻ, nhưng lúc thị trường đi xuống thì ảnh hưởng từ Bitcoin có thể lan rộng ra đến những mức độ không ngờ và đến những khu vực không ngờ.

Thực ra lịch sử luôn lặp lại, con người thì mau quên. Những bài học từ sự sụp đổ giá Bitcoin mới vài năm trước, từ những đại gia vào tù vì giá bất động sản, giá vàng sụp đổ vài năm trước, dường như đã thành các câu chuyện rất xa xôi, của những người đã lạc hậu với thời cuộc.

Cũng nhà đầu tư nổi tiếng trên đây có câu rất hay nữa là: Hãy tham lam khi người ta sợ hãi, và hãy sợ hãi khi người ta tham lam. Nhưng thực ra rất khó mà biết người ta đang tham hay mình đang sợ, và ngược lại!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem