Sai phạm về phân bón: Sẽ tăng tiền phạt gấp 7 lần, đóng cửa nhà máy

Hoàng Thắng Thứ hai, ngày 23/10/2017 18:30 PM (GMT+7)
Nghị định 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ không phải là “vũ khí thần tiên” để có thể dẹp ngay được nạn phân bón giả. Vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn sẽ nhức nhối nếu quản lý, tổ chức không tốt, vẫn được nhóm lợi ích bao che và các cơ sở sản xuất phân bón không tuân thủ luật pháp nghiêm chỉnh...
Bình luận 0

Nghị định 108 không phải “vũ khí thần tiên”

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), năm 2015 cả nước có trên 4.000 vụ vi phạm về phân bón giả và kém chất lượng, đến năm 2016 là trên 5.000 vụ vi phạm; trong đó, nhiều vụ chưa được giải quyết bởi pháp luật còn nhiều kẽ hở.

img

Phân bón lá của Công ty Thuận Phong tại Văn phòng đại diện ở Đăk Lăk  bị cơ quan chức năng kiểm tra và niêm phong. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Phải xây dựng đủ hành lang pháp lý, đủ sức răn đe, để cơ sở vi phạm chỉ cần 1 lần sẽ không bao giờ dám tái phạm. Còn về lâu dài, cần một chiến lược phát triển phân bón hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ”. 

Ông Hoàng Trung

Để khắc phục những kẽ hở, dẫn đến thị trường phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng, ngày 20.9.2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108 về quản lý phân bón, thay thế Nghị định số 202/2013.  

Nghị định 108 được đánh giá là văn bản chặt chẽ, toàn diện với các quy định quản lý Nhà nước về phân bón, bao gồm: Công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Tăng cường quản lý thị trường phân bón” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết: “Điểm mới của Nghị định này là đã thống nhất phương thức quản lý về một bộ là Bộ NNPTNT. Cũng theo nghị định này, để lưu hành thì các sản phẩm phân bón phải được khảo nghiệm thực chất. Bộ NNPTNT sẽ làm rất chặt việc này để hạn chế phát triển các loại phân bón kém chất lượng trong bối cảnh dư thừa. Việc khảo nghiệm phân bón sẽ được thực hiện tại tổ chức được công nhận đủ điều kiện chuyên môn, trang thiết bị thực hiện khảo nghiệm, phải qua các lớp tập huấn thường niên”.

Ngoài ra, ông Hoàng Trung cho biết, cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu là Cục Bảo vệ thực vật. Phân bón nhập khẩu chỉ được hoàn thành thủ tục hải quan khi có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước của Cục Bảo vệ thực vật. Đồng thời sẽ có quá trình phân cấp quản lý 6/8 nội dung về các địa phương như chứng nhận đủ điều kiện đóng gói, sản xuất, buôn bán, thanh tra kiểm tra và chịu trách nhiệm. Nếu địa phương để xảy ra tình trạng phân bón giả, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, Nghị định 108 không phải là “vũ khí thần tiên” để có thể dẹp ngay được nạn phân bón giả.

“Nghị định 108 ra đời là nghị định có mạnh đến đâu mà tổ chức không tốt, còn tồn tại lợi ích nhóm, các cơ quan sản xuất vẫn gian lận thì không nghị định nào làm được và sự hỗn loạn của thị trường phân bón vẫn sẽ tiếp diễn. Ví dụ vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, phát hiện 2 năm rồi nhưng đến nay vẫn nằm yên thì hẳn là có lợi ích nhóm” - ông Thúy nói.

Tăng chế tài xử phạt, loại bỏ nhóm lợi ích

Để giải quyết vấn nạn phân bón giả, theo các đại biểu, bên cạnh việc siết chặt thị trường từ khâu sản xuất, nhập khẩu phân bón thì việc kiểm tra các cơ sở đang sản xuất trong nước là rất cần thiết. Ông Thúy cho biết, Hiệp hội đã kiến nghị kiểm tra làm điểm 1 quận tại TP.HCM thì có tới 20/56 cơ sở sản xuất không có giấy phép. Theo nhận định của ông Thúy, thị trường phân bón Việt Nam chủ yếu là tự phát, công nghệ thấp và nhiều thành phần tham gia sản xuất.

img

Phân bón giả, phân bón không đạt chất lượng là mối nguy hại to lớn với bà con nông dân. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hải quan

Từ thực trạng trên, ông Thúy đề xuất: “Hệ thống trung tâm khảo nghiệm, kiểm định có vai trò rất quan trọng. Nó là hàng rào kỹ thuật về pháp lý quyết định sự công bằng và minh bạch đối với nhà sản xuất, người dân. Trước đó, có tới 11 trung tâm đã cấp khống cho 400 công ty hơn 2.000 sản phẩm không có giá trị. Dù vụ việc đã được khởi tố nhưng trách nhiệm không được quy cho một cá nhân cụ thể. Do đó, để giải quyết được vấn nạn này, cần phải xử lý triệt để lợi ích nhóm và xử lý nghiêm các vụ sai phạm, tăng chế tài xử phạt và công tác quản lý của các cơ quan nhà nước”.

Đồng tình với ý kiến của ông Thúy, ông Hoàng Trung cho rằng, muốn ngăn được nạn phân bón giả, kém chất lượng, những vụ kéo dài như vụ Thuận Phong phải được giải quyết dứt điểm, vừa làm gương cho những cơ sở có hành vi sản xuất và kinh doanh phân bón giả vừa giữ gìn được kỷ cương phép nước.

Cùng với đó, theo ông Trung, thực hiện Nghị định 108, Bộ NNPTNT sẽ tiến hành tổng kiểm tra lại 41 trung tâm khảo nghiệm chất lượng phân bón, qua đó để khẳng định năng lực đánh giá chất lượng phân bón, đồng thời nâng cao năng lực của các trung tâm này trong tình hình mới. Đối với 11 tổ chức chứng nhận chất lượng có nhiều sai sót trong thời gian qua, tới đây sẽ không được tham gia vào việc kiểm nghiệm.

Trong khi đó, theo các chuyên gia và nhà quản lý, cần xây dựng gấp rút nghị định về xử phạt, chế tài xử phạt hành vi sản xuất và tiêu thụ phân bón theo hướng phải đủ sức răn đe.

Về chế tài xử phạt với các sai phạm trong sản xuất phân bón, ngoài xử phạt bằng tiền áp dụng tăng thêm 7 lần, cần bổ sung các biện pháp khác như thu hồi giấy chứng nhận 12 - 24 tháng. Nếu doanh nghiệp vẫn không chấp hành thì sẽ rút vĩnh viễn và áp dụng các hình thức bổ sung khác như lập tức đóng cửa nhà máy sản xuất. Với phân bón nhập khẩu, nếu sai phạm thì lập tức tái xuất, còn với sản xuất trong nước thì sẽ tiêu hủy, không cho sản xuất nữa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem