Sản phẩm đường mía Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp 47,64%

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 16/06/2021 07:00 AM (GMT+7)
Bộ Công Thương vừa ra Quyết định chính thức về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan là 47,64%.
Bình luận 0

Chính thức áp thuế chống bán phá giá sản phẩm đường Thái Lan

Theo đó, Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 của Bộ Công Thương thông báo về mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp chính thức:

(i)  Mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99%

(ii)  Mức thuế chống trợ cấp chính thức: 4,65%

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức là 5 năm.  Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/6/2021.

img
img

Quyết định chính thức của Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo Quyết định của Bộ Công Thương, hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức được phân loại theo mã HS gồm: 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Quyết định này được đưa ra sau khi có kết luận điều tra cuối cùng của Cơ quan điều tra. Theo đó, kết luận điều tra cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định rằng có tồn tại:

(i) hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra;

(ii) ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể;

(iii) có mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Lực lượng chức năng kiểm tra đường nhập lậu vào trong nước. Ảnh Thế Nhân

Lực lượng chức năng kiểm tra đường nhập lậu vào trong nước. Ảnh Thế Nhân

Căn cứ Kết luận điều tra cuối cùng và dữ liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, Bộ Công Thương xác định: Không có sự gia tăng đột biến về khối lượng, số lượng hàng hóa bị bán phá giá, được trợ cấp vào Việt Nam trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời.

Do đó, không đủ cơ sở để áp dụng biện pháp CBPG, CTC có hiệu lực về trước đối với các sản phẩm đường Thái Lan.

Còn về mức chênh lệch thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, Quyết định của Bộ Công Thương nêu rõ, trong trường hợp mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức thấp hơn mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời, khoản chênh lệch về thuế sẽ được hoàn lại theo quy định tại khoản 5 Điều 68 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14.

Trước đó, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) cho biết, đường xuất xứ Thái Lan nhập vào Việt Nam giai đoạn sau khi điều tra từ tháng 10/2020 đến khi áp thuế tạm thời tháng 2/2021 có sự gia tăng đáng kể.

Lượng đường nhập khẩu xuất xứ từ Thái Lan này đã được quyết định số 477/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 09/02/2021 xác định là đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%.

VSSA nhận định đường nhập lậu khiến cho một loạt các nhà máy đường trong nước đã phải đóng cửa, tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Ảnh Nguyên Vỹ

VSSA nhận định đường nhập lậu khiến cho một loạt các nhà máy đường trong nước đã phải đóng cửa, tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Ảnh Nguyên Vỹ

VSSA nhận định, lượng đường nhập khẩu này khiến cho một loạt các nhà máy đường trong nước đã phải đóng cửa. Đồng thời tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Khoảng 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân trồng mía bị ảnh hưởng.

Lượng đường nhập khẩu với ưu thế giá rẻ đã hoàn toàn bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía trong nước. Vì giá thành đã tăng lên do nâng giá mía và sản lượng thấp.

Đường sản xuất buộc phải tồn kho hoặc giảm giá dưới giá thành sản xuất khiến nhà máy không có tiền trả tiền mía cho nông dân. Hệ lụy là  chuỗi liên kết nông dân – nhà máy bị hủy hoại, và thiệt hại gây ra cho ngành mía đường Việt Nam khó có khả năng khắc phục.

Ngày 12/5 vừa qua, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức buổi tham vấn công khai theo hình thức trực tuyến dành cho các bên liên quan trong vụ việc điều tra CBPG, CTC đối với sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Buổi tham vấn có sự tham dự của hơn 80 đại biểu đại diện cho các nhóm bên liên quan đến vụ việc. Bao gồm: đại diện Chính phủ và các doanh nghiệp đường Thái Lan, đại diện doanh nghiệp mía đường Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu và các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng điều tra, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…

Sau buổi tham vấn, Cục Phòng vệ Thương mại ghi nhận tất cả các ý kiến liên quan và sẽ đưa ra kết quả điều tra cuối cùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem