“Săn” vốn cho dự án giao thông

Việt Hùng - Anh Thư Thứ tư, ngày 15/02/2017 06:15 AM (GMT+7)
Năm 2017, nguồn vốn cho giao thông vận tải (GTVT) sẽ gặp khó khăn, thách thức khi trần nợ công tăng cao khiến vốn ngân sách “rót” xuống hạn hẹp, đặc biệt, các ngân hàng sẽ siết chặt lại vốn vay thương mại, trong khi đó, nhiều dự án hạ tầng lại cần đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội...
Bình luận 0

Vì vậy mà trọng tâm năm 2017 của ngành GTVT là tập trung khơi thông dòng vốn, đặc biệt là theo hình thức xã hội hóa, chú trọng kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án giao thông theo hình thức PPP (đối tác công-tư).

Nguy cơ thiếu hụt vốn

img

Cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA.  Ảnh: Đ.S

Theo ông Cho Chung-hwa - Vụ trưởng phụ trách Đông Nam Á (Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF), để triển khai thành công các dự án PPP giao thông, Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư và đơn vị trợ vốn cho dự án như việc bảo lãnh khoản thanh toán, doanh thu và bảo lãnh chấm dứt sớm dự án.

Hồi tháng 1.2016, tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhìn nhận, khả năng cân đối vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ ngày càng khó khăn, nhất là vốn ngân sách nhà nước do áp lực trần nợ công. Vì thế, Bộ GTVT cần hoàn thiện thể chế cũng như cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó phải huy động từ xã hội hóa.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Ngoài nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã được giao đáp ứng nhu cầu, riêng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao thấp so với nhu cầu (chỉ đáp ứng khoảng 40%), trong khi nguồn vốn BOT của các chủ đầu tư bị ngân hàng siết lại do lo ngại về rủi ro tài chính. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tổng số vốn huy động ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông lên tới 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%). Còn trong năm 2016, phần huy động vốn ngoài ngân sách này cũng chỉ khoảng hơn 30.000 tỷ đồng. Nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn cho các dự án giao thông đang đặt cho ngành trước nhiều thách thức.

Đề cập về nguồn vốn “rót” vào ngành giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông, cho rằng, một số quốc gia vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam làm đường cao tốc hay những công trình cần thiết. Nhưng điều quan trọng là công tác quy hoạch phải thật hợp lý để nguồn vốn nhà đầu tư nước ngoài được triển khai nhanh, tránh tình trạng xảy ra như đối với một số dự án như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, nguồn đầu tư từ Trung Quốc, thi công kéo dài, xảy ra nhiều sự cố, gây bức xúc và giảm lòng tin của nhân dân. “Nguồn lực xã hội vẫn còn nhiều tiềm năng, nhiều nhà đầu tư vẫn đang tập trung vào các dự án bất động sản. Tại sao không kéo nguồn vốn này vào lĩnh vực giao thông? Vấn đề là thiếu chính sách” - ông Thủy  nói, và khẳng định “nếu có chính sách hợp lý thì sẽ thu hút được nhiều vốn của xã hội hóa vào các dự án giao thông”.

Vốn ngân sách là đòn bẩy

Năm 2017, Bộ GTVT giải ngân dự kiến chỉ là 51.616 tỷ đồng. Trong đó, vốn có nguồn gốc ngân sách khoảng 31.616 tỷ đồng cho các nguồn vốn nước ngoài, đối ứng cho các dự án ODA, các dự án giao thông trong nước, vốn góp các dự án BOT, PPP, vốn chuẩn bị đầu tư, trả nợ xây dựng cơ bản, vốn chương trình mục tiêu...; vốn ngoài ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng (giá trị giải ngân).

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, Chính phủ yêu cầu ngành giao thông phải xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn trong ngoài nước để đầu tư cho giao thông. Riêng Bộ GTVT không thể làm được mà phải huy động cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng làm. Đây là vấn đề hết sức khó khăn đối với ngành giao thông và đất nước.

Thời gian tới, Bộ GTVT chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, ngân hàng… đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển các hệ thống hạ tầng giao thông. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 30% vốn cho những dự án hạ tầng giao thông, nhà đầu tư góp 30% vốn nữa và còn 40% là vốn tín dụng. Đây cũng là một giải pháp để thực hiện PPP với nguồn vốn ngân sách nhà nước là đòn bẩy để thu hút nguồn lực.

Cần phải nói rằng, đến nay vẫn chưa có dự án nào “kết duyên” được với doanh nghiệp nước ngoài do nhà đầu tư lo sợ rủi ro liên quan đến chính sách và cơ chế bảo lãnh doanh thu của dự án. Đây cũng chính là “điểm nghẽn” của ngành giao thông trong việc khơi thông dòng vốn khổng lồ này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem