Sản xuất 3 tại chỗ, doanh nghiệp 'bạc mặt' vì tiền điện tăng vọt (Bài 1)

N.Minh - Quang Dân Thứ ba, ngày 10/08/2021 07:21 AM (GMT+7)
Phản ánh của nhiều doanh nghiệp, giãn cách xã hội và thực hiện phương án “3 tại chỗ”, khiến chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tăng vọt, đặc biệt là chi phí tiền điện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại không nằm trong số những đối tượng được hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện lần 4.
Bình luận 0

LTS: Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp trong cả nước, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nền kinh tế đang phải cố gắng duy trì sản xuất. Việc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" và đảm bảo an toàn cho mục tiêu chống dịch đã khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất cao, đặc biệt là tiền điện khiến doanh nghiệp càng khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Tuy nhiên, trong 4 lần giảm giá điện năm 2021, những doanh nghiệp này không thuộc đối tượng được giảm giá điện. Vậy có nên giảm tiền điện hỗ trợ những doanh nghiệp này hay không, là vấn đề Dân Việt muốn đặt ra, mong muốn nhận được ý kiến của nhiều doanh nghiệp, EVN, chuyên gia, Bộ Công Thương về vấn đề này.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ mail: kinhtedanviet@danviet.vn.

Xin trân trọng cám ơn!

Tiền điện tăng vọt do sản xuất "3 tại chỗ", doanh nghiệp mong được giảm giá điện

Là một trong những doanh nghiệp vừa nuôi trồng, vừa thu mua và chế biến thủy sản lớn nhất cả nước, chi phí tiền điện hàng tháng của Công ty cổ phần thủy sản sạch Việt Nam (Cleanfood) vào khoảng 4 - 6 tỷ đồng. Tính cả năm, khoản chi phí này lên tới ngót nghét 70 tỷ đồng.

Trao  đổi với PV Dân Việt, ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Cleanfood cho biết: Chi phí tiền điện nói riêng và các loại chi phí khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các địa phương trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 và thực hiện phương án "3 tại chỗ".

"Trước đây, chi phí logistics đối với doanh nghiệp đã khủng, nay ngoài khoản chi phí này, các chi phí khác của doanh nghiệp cũng tăng vọt do thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện phương án "3 tại chỗ", từ chi phí từ chi phí ăn ở, sinh hoạt, hỗ trợ thêm người lao động, phí xét nghiệm Covid-19,...Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, các khoản mục chi phí trở thành gánh nặng với doanh nghiệp", ông Phục cho hay.

Áp lực bủa vây, doanh nghiệp "3 tại chỗ" mong muốn được giảm giá điện, tiền điện - Ảnh 1.

Ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. (Ảnh:VASEP)

Trước thực trạng kể trên, Tổng giám đốc Cleanfood cho biết, thiết thực nhất đối với doanh nghiệp đó là giảm giá điện, tiền điện. Như năm 2020, việc giảm tiền điện đã giúp doanh nghiệp tiết giảm bớt chi phí đầu vào, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường.

Nếu ước tính, với mức giảm vào khoảng 10% như năm ngoái, mỗi tháng Cleanfood có thể tiết kiệm tới 600 triệu đồng/tháng, và 3,6 tỷ trong nửa cuối năm - đây là con số không nhỏ, bù đắp phần nào cho những khoản chi phí phát sinh cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân - bà Phạm Thị Huân (bà Ba Huân) cho biết, việc áp dụng "3 tại chỗ" đã đẩy chi phí tiền điện lên rất nhiều đối với doanh nghiệp. Công nhân ở lại phải dùng máy lạnh, tắm rửa, sinh hoạt, nấu ăn .. tất thảy đều dùng đến điện.

Trong khi đó, với 50% công nhân tham gia hoạt động sản xuất để đảm bảo phòng, chống Covid-19 khiến các phân xưởng phải tăng ca liên tục để đáp ứng năng suất, điện vì thế sẽ hao hơn, tốn hơn.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, chi phí tiền điện là một trong những chi phí đè nặng lên quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong việc áp dụng "3 tại chỗ" – theo Tổng Giám đốc doanh nghiệp này.

"Tôi thấy những doanh nghiệp trong chương trình bình ổn, những doanh nghiệp không tăng giá lúc này đã nghĩ cái chung cho người dân, cho đất nước thì nên cho giảm giá điện. Bởi doanh nghiệp nào trong hoàn cảnh này cũng có khó khăn, cần được chia sẻ. Tuy nhiên, về phía Chính phủ tính sao thì bản thân doanh nghiệp phải chấp nhận vậy, chứ đâu biết kêu hơn, nhưng vẫn mong muốn lắm", bà Ba Huân cho hay.

Áp lực bủa vây, doanh nghiệp "3 tại chỗ" mong muốn được giảm giá điện, tiền điện - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" mong muốn được giảm giá điện, tiền điện đợt 4. (Ảnh: VGP)

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty CP Biotech Group Việt Nam Lê Thị Mỹ Dung, phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 có ý nghĩa cho các đối tượng sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành áp dụng các biện pháp để giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới cuộc sống, thu nhập, sinh hoạt hàng ngày của người dân; đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn tới đối tượng là người lao động nghèo, những công nhân không thể đi làm việc…

Ngoài ra, dịch bệnh bùng phát đợt 4, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do nguy cơ vỡ hợp đồng kinh tế, phải đền bù và vào danh sách điểm đen đầu tư của các dự án nước ngoài. Trong khi mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, tê liệt, một số doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo, lương, một phần lương hỗ trợ các công nhân người lao động, chi xét nghiệm, "3 tại chỗ", lãi suất ngân hàng,... Do đó, vào thời điểm này chính sách hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện nên xem xét áp dụng cho cả phía doanh nghiệp.

Doanh nghiệp làm gì để được giảm giá điện, tiền điện?

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cấp cao Học viện Tài chính nhận định, việc giảm giá điện rất quan trọng, cần thiết đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh trong thời điểm dịch Covid-19, đặc biệt là những doanh nghiệp chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu.

"Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cơ quan chức năng phải có giải pháp đồng bộ nhiều giải pháp để doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch như miễn tiền thuê đất, miễn một số loại phí, thuế, tiền điện. Trong đó, giảm giá tiền điện cũng là một trong những giải pháp đồng bộ đó. 

Việc giảm giá điện, tiền điện phần nào giúp các doanh nghiệp bớt đi những gánh nặng trong việc thực hiện 3 tại chỗ, duy trì sản xuất. Nền kinh tế quốc gia có khỏe phụ thuộc một phần vào nền kinh tế doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là cách hỗ trợ nền kinh tế nói chung", ông Thịnh nói.

Áp lực bủa vây, doanh nghiệp "3 tại chỗ" mong muốn được giảm giá điện, tiền điện - Ảnh 4.

Nguồn lực có hạn, việc giảm giá điện, tiền điện chỉ tập trung trong một số đối tượng. (Ảnh: EVN)

Theo tính toán, tổng số tiền điện mà EVN sẽ giảm cho khách hàng trong đợt thứ 4 này là khoảng 2.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền cả 4 đợt EVN giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong năm 2020 và 2021 là khoảng 16.300 tỷ đồng.

Nhìn nhận vấn đề, PGS TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, việc giảm chi phí là mong muốn của tất cả các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế tác động bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nguồn lực có hạn vì vậy, việc giảm giá điện, tiền điện không thể thực hiện tràn lan mà chỉ tập trung trong một số đối tượng như những lần trước đó.

"Không phải lần trước tôi được giảm thì lần này cũng được giảm, tùy theo nguồn lực. Ví dụ lúc đầu, nguồn lực của ngành điện có 100 tỷ, có thể thực hiện hỗ trợ cho nhiều đối tượng nhưng hiện nay chỉ có 20 tỷ hay 30 tỷ, cách hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ cũng phải khác", ông Long nhìn nhận.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn nhưng có những khó khăn có thể ngành điện chưa nhìn ra, vậy thì bản thân doanh nghiệp nếu muốn được "ưu ái" về giá điện, họ phải giải trình khó khăn thực sự của doanh nghiệp và tính cần thiết phải hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ". Từ đó, mới có cơ sở để ngành điện xem xét và hỗ trợ nếu thấy hợp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem