Sản xuất cá tra: Không thể chăm chăm chú ý mỗi thị trường xuất khẩu

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 09/11/2020 11:14 AM (GMT+7)
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn sáng nay 9/11, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong thời gian tới, ngành hàng sản xuất, chế biến cá tra sẽ thúc đẩy tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Bình luận 0

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương (TP.Cần Thơ) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về chiến lược phát triển ngành sản xuất, chế biến cá tra của Việt Nam.

"Thực tế, ngành sản xuất, chế biến cá tra đã phát triển trong nhiều năm nay nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập như giá cá tra bấp bênh, người nuôi thua lỗ, trong khi đó, nhiều nước cũng đã tiến hành nuôi cá tra. Bộ NNPTNT có giải pháp gì để nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng cá tra" - đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu câu hỏi.

Sản xuất cá tra: Không thể chăm chăm mỗi thị trường xuất khẩu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn về việc sản xuất, chế biến sản phẩm cá tra.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm qua, ngành hàng cá tra đã nỗ lực thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường, đồng thời cơ cấu lại thị trường theo hướng thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

"Hiện, ngành hàng cá tra đã có trên 50 sản phẩm chế biến, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, nhiều doanh nghiệp đi tiên phong trong đa dạng hóa sản phẩm như Nam Việt, Hùng Cá..." - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới, ngành hàng cá tra sẽ phát triển theo hướng tinh, không chỉ chăm chắm chú ý vào các thị trường xuất khẩu mà hết sức chú ý thị trường trong nước.

"Chúng ta chỉ chăm chăm chú ý thị trường xuất khẩu, mà dung lượng của thế giới đối với sản phẩm này có hạn. Chúng ta cần hướng đi vào "tinh", không phải đẩy mạnh xuất khẩu đi vào số lượng; thứ hai là hướng đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân” - ông Cường nói.

"Đáng mừng là, 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp rất tích cực đổi mới chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, kết quả ban đầu rất khả quan" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh. 

Sản xuất cá tra: Không thể chăm chăm mỗi thị trường xuất khẩu - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam do Bộ NNPTNT tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2020.

Được biết, trong tháng 9/2020 xuất khẩu cá tra tới Mỹ, Anh, Brazil tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2019. 

Đáng chú ý nhất là xuất khẩu cá tra tới Trung Quốc đã tăng 5,4% về lượng so với cùng kỳ năm 2019. 

Đây là tín hiệu tốt cho kỳ vọng hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi trong thời gian tới, khi Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,3% tổng lượng cá tra xuất khẩu trong tháng 9/2020 của cả nước. 

Đối với các thị trường lớn có tính ổn định cao như Mỹ và EU trong những tháng cuối năm 2020, nhu cầu nhập khẩu cá tra sẽ tăng trở lại, các thị trường tiềm năng như Anh và Nga cũng sẽ tăng. 

Ngoài ra nhóm thị trường lớn như Trung Quốc, ASEAN và Nam Mỹ cũng sẽ có nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này vào giai đoạn cuối năm 2020 tăng.

Tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 10/2020 có sự phục hồi khá mạnh, dao động quanh mức 21.000-22.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con), tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với tháng trước. 

Thị trường cá tra sôi động hơn khi các nhà máy gia công thực hiện nhiều hợp đồng bắt cá ngoài, trong khi nguồn cung không còn nhiều. Nhu cầu nhập khẩu cá tra ở những thị trường lớn đang có dấu hiệu phục hồi trở lại sau một thời gian dài trầm lắng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem