Sản xuất lúa gạo: Yếu công nghệ, liên tục "khát" vốn

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 20/09/2019 14:30 PM (GMT+7)
Tại hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam với chủ đề: “Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo” tổ chức tại TP.Cần Thơ hôm qua (19/9), nhiều ý kiến tiếp tục chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành lúa gạo trong nước đang đối mặt.
Bình luận 0

Công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp lạc hậu

Theo báo cáo tại hội thảo (do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức), mặc dù ngành trồng trọt nói chung, ngành lúa gạo nói riêng phải sử dụng rất nhiều phân bón (khoảng 11 triệu tấn các loại), nhưng theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), công nghệ sản xuất phân bón hóa học ở nước ta phần lớn đều là cũ từ thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20.

img

  Nông dân huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

"8 tháng 2019, gạo Việt Nam xuất khẩu 5,4 triệu tấn nhưng trị giá chỉ đạt 1,96 tỷ USD (giảm 15%). Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 65% về lượng và 67% về trị giá do quốc gia này tăng quản lý về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, siết chặt quản lý biên giới. Ngoài ra, giá gạo của Việt Nam cũng xuống thấp khá nhiều so với các nước khác”.

Ông Trần Thanh Hải -
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Hiện chỉ có khoảng 10% các cơ sở/nhà máy sản xuất phân bón trong tổng số 735 cơ sở/nhà máy được đầu tư theo công nghệ tiên tiến. Rất ít các cơ sở, nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam làm chủ được công nghệ sản xuất thế hệ mới do hạn chế về năng lực và vốn đầu tư. Ngoài ra, giá thành của các loại phân bón thế hệ mới còn tương đối cao so với sản phẩm truyền thống nên bà con chưa sử dụng rộng rãi.

“Tương tự, trong ngành lúa gạo, chi phí cho thuốc BVTV chiếm tới 5-7% tổng chi phí sản xuất lúa ở Việt Nam. Nhưng theo báo cáo của Cục BVTV, trong số hơn 4.000 sản phẩm thuốc BVTV, chỉ có 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc hoá học” - ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam trình bày trong phần báo cáo của mình.

Theo ông Sơn, điều đáng nói là Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ sản xuất nguyên liệu thuốc BVTV mà phần lớn là nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi đó công nghệ gia công, tạo các dạng thuốc BVTV tiên tiến như SC, WG, WDG... còn chậm được ứng dụng, dạng thuốc được sản xuất phổ biến trong nước là EC nên dung môi lỏng, dễ gây ô nhiễm thứ cấp cho môi trường và sức khoẻ con người.

Ngành gạo gặp “cơn khát vốn”

Nhiều đại biểu cho rằng, sau 30 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam đạt nhiều thành tích đáng nể và hạt gạo Việt Nam hiện đã đến hơn 150 nước, mang về lượng ngoại tệ ước đạt ít nhất 50-60 tỷ USD cho nền kinh tế và kéo theo các ngành phụ trợ rất phát triển.

Ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam, xét về tổng thể có thể coi là ngang với Thái Lan và đứng trên các nước Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia... Bằng chứng là từ lâu, các hợp đồng đấu thầu Chính phủ của Indonesia, Malaysia, Philippines hầu như đều chỉ chọn gạo Việt Nam và Thái Lan vào danh sách tham dự, vì chỉ có 2 nước này mới đáp ứng được thời gian giao hàng nhanh, chất lượng ổn định khi họ có nhu cầu. Một số chương trình đấu thầu gạo cứu trợ khẩn cấp của WFP - Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme) cũng chỉ định rõ gạo Việt và Thái.

Tuy nhiên, hàng chục năm nay, điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn cứ lặp đi lặp lại, buộc các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc, “giải cứu” giá lúa gạo cho nông dân. Dù vậy, các biện pháp “giải cứu” luôn có độ trễ, thụ động và quan trọng là cũng khó giải quyết vì sản lượng lúa hàng hóa lúc chính vụ thường quá lớn và thu hoạch dồn dập trong một thời gian ngắn.

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) nhận định: Đặc thù của ngành gạo mang tính mùa vụ. Lúc cao điểm thu hoạch, lượng hàng hóa cần phải giải phóng trong thời gian ngắn tăng gấp 2-3 lần. Áp lực thu hoạch, sấy, vận chuyển và thu mua thường luôn bị quá tải và doanh nghiệp phải cần nguồn tiền lớn để thu mua nhanh một lượng lớn lúa, giúp giữ giá lúa không giảm sâu.

“Phía doanh nghiệp lúc này không thể nào có đủ vốn lớn vài trăm tỷ đồng để mua lúa (trước đó đã đầu tư vốn lớn xây nhà xưởng, thiết bị máy móc…), do đó luôn ở tình trạng “khát” tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng lại hầu như chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp, không chấp nhận nhiều hình thức tín chấp. Tài sản thế chấp của doanh nghiệp quy mô khá chỉ ở mức 100 - 200 tỷ đồng là tối đa, đủ mua vào từ 10.000 - 20.000 tấn gạo. Trong khi đó, lượng hàng hóa chính vụ thu hoạch thừa ra cho xuất khẩu lên đến hàng triệu tấn gạo cho toàn vùng ĐBSCL. Bài toán “cơn khát vốn” phải tính vì nó rất cần thiết cho ngành lương thực” - ông Anh phân tích.

Ngoài yếu tố thị trường theo quy luật cung cầu, theo ông Anh, vấn đề thiếu vốn trong ngành gạo là một trong các nguyên nhân chính không giúp ngăn được đà giảm giá lúa gạo cho nông dân vào vụ thu hoạch rộ, làm doanh nghiệp cũng lỡ mất cơ hội kinh doanh khi không đủ tiền để mua nhanh lượng lúa hàng hóa này. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực mong muốn các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp để giải được nút thắt trên, giúp mọi cá thể trong chuỗi cung ứng có thu nhập tốt hơn và phát triển bền vững, đưa ngành gạo tiến lên giai đoạn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem