Sắp hết thời mở tài khoản ngân hàng buộc phải đến quầy

10/09/2020 17:11 GMT+7
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Thông tư về eKYC – định danh khách hàng trực tuyến có thể kịp ban hành trong tháng này.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Thông tư về eKYC – định danh khách hàng trực tuyến có thể kịp ban hành trong tháng này.

Thông tin trên được ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ tại Hội nghị về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia sáng 10/9. Theo quy định của Thông tư mới, dự kiến người dân chỉ cần dùng điện thoại di động là có thể mở được tài khoản ngân hàng. Khách hàng mở tài khoản tại quầy sẽ được hưởng đầy đủ tính năng, không có giới hạn. Còn khách mở qua hình thức eKYC, giới hạn giao dịch dự kiến là 200 triệu một tháng, nếu mở tài khoản qua gọi video thì hạn mức do ngân hàng xác định.

"Tài khoản thanh toán hiện nay không còn như ngày xưa, sẽ có cấp độ rất rõ ràng về eKYC", ông nói. Khi mở tài khoản bằng hình thức eKYC, ngân hàng cũng phải kiểm tra số điện thoại giao dịch eKYC phải chính xác với chứng minh thư người dùng.

Theo ông Dũng, thách thức lớn nhất để phổ cập dịch vụ tài chính là cho phép người dân mở tài khoản trực tuyến. Ông cho rằng không thể tăng người dùng tài khoản ngân hàng nhanh chóng nếu vẫn bắt khách hàng đến quầy giao dịch, vẫn phải có chữ ký tươi.

"Tôi chỉ có một mơ ước duy nhất là mọi dịch vụ ngân hàng được thực hiện trên chiếc điện thoại di động. Chừng nào chúng ta chưa làm được điều đó thì chưa thể phổ cập tài chính toàn diện", ông nói.

Dẫn lời từ một quyển sách nổi tiếng về ngân hàng số, ông nói một người dân ở vùng sâu vùng xa thu không thể chi một nửa thu thập cho việc di chuyển và chi phí khác để tới ngân hàng mở tài khoản. Khi ngân hàng cách xa nhà dân cả trăm cây số. "Một người lương 500.000 một tháng làm sao có chi phí để ra ngân hàng", ông hỏi.

Sắp hết thời mở tài khoản ngân hàng buộc phải đến quầy  - Ảnh 1.

Ông Phạm Tiến Dũng phát biểu tại một sự kiện. Ảnh: Giang Huy.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện nay mới chỉ khoảng 61% người trưởng thành trên 15 tuổi tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Trong khi ở Trung Quốc, 80% người dân đã có tài khoản ngân hàng và mỗi người bình quân có 4 tài khoản.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

Từ mức 61% để lên được 80% người trưởng thành có tài khoản, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng không hề dễ. "Ai đã dùng Mobile Banking thì tôi tin chắc không quay trở lại dùng tiền mặt. Nhưng, để ai đó chưa dùng và chuyển sang dùng thì phải có đòn bẩy rất lớn từ chính sách và sự tiện lợi", ông nói.

Từ phía Viện chiến lược (Ngân hàng Nhà nước), Viện trưởng Nguyễn Thị Hoà nhận định, việc mở ngân hàng đại lý và ban hành tài khoản ngân hàng theo cấp độ là giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa việc phổ cập dịch vụ ngân hàng tới người dân.

Theo đó, ngân hàng không nhất thiết phải xác thực khách tại quầy và bằng chữ ký tươi như hiện nay để mở tài khoản, có thể nới lỏng điều kiện mở tài khoản theo nhiều cấp độ.

Ví dụ, với tài khoản ngân hàng cơ bản – loại tài khoản yêu cầu nhận biết khách hàng và thủ tục mở đơn giản nhất, khách hàng có thể không cần trực tiếp ký vào đơn.

Tuy nhiên, ngân hàng sẽ đưa ra các điều kiện giới hạn loại hình dịch vụ và hạn mức giao dịch đối với loại tài khoản này. Chủ tài khoản cơ bản chỉ thực hiện được các dịch vụ rất cơ bản như nhận tiền lương, chuyển tiền...

Bà Hoà cho biết, chiến lược phổ cập tài chính toàn diện sẽ được chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, Viện chiến lược khuyến khích các ngân hàng cho phép mở tài khoản với chi phí hợp lý cho túi tiền người dân, không yêu cầu số dư, tập trung vào các đối tượng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Giai đoạn hai, sau khi ban hành khuôn khổ pháp về tài khoản theo cấp độ, các ngân hàng sẽ tuân thủ theo các quy định mới.

Tại hội nghị, ông Dũng cũng cho biết, một loạt quy định mới sắp được ra đời liên quan tới đại lý ngân hàng, tiền điện tử và cho phép ví điện tử được đưa vào trong hoạt động thanh toán quốc tế sẽ được ban hành. Trong đó, việc thí điểm Mobile Money (tiền điện tử) do doanh nghiệp viễn thông phát triển sẽ là một bước tiến lớn.

Vụ trưởng nhận định, Mobile Money không khác biệt về mặt kỹ thuật so với tài khoản ngân hàng. Dự kiến, đó sẽ là tài khoản thanh toán giới hạn giao dịch 10 triệu một tháng, phục vụ cho khách hàng tiêu dùng nhỏ lẻ.

Công ty viễn thông không phải là định chế tài chính nên không được phép sử dụng tiền nộp vào từ dân để cho vay mà phải được đảm bảo trong hệ thống ngân hàng. Ông đánh giá, có thể xem tiền điện tử cũng như ví điện tử hay đại lý ngân hàng là cánh tay nối dài giúp người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.


Quỳnh Trang/Vnexpress
Cùng chuyên mục