Sau 1 đêm có thêm hơn 1.500 con trâu bò chết rét, xót xa có xã chết hàng trăm con, thiệt hại tiền tỷ

Thiên Hương Thứ năm, ngày 24/02/2022 15:55 PM (GMT+7)
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính đến 06h00 ngày 24/2, rét đậm, rét hại đã làm 4.427 con gia súc bị chết, trong đó có 3.794 con trâu, bò; 633 con gia súc khác. Số trâu bò chết rét đã tăng tới 1.506 con chỉ sau 1 ngày, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Bình luận 0

Sau 1 đêm có thêm hơn 1.500 con trâu bò chết rét, thiệt hại tiền tỷ

Bị thiệt hại nhiều nhất trong đợt rét đậm, rét hại lần này là tỉnh Sơn La, với 1.355 con trâu bò chết rét. Tiếp đó là Nghệ An 1.073 con; Cao Bằng 515 con; Lào Cai 307 con; Hoà Bình 264 con; Điện Biên 259 con... 

Cá biệt, một số địa phương số lượng gia súc chết vì rét tăng rất nhanh chỉ sau 1-2 đêm. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), trong ngày 21/2 huyện có trên 50 con trâu bò bị chết do giá rét, thì ngày 23/2 đã tăng lên 261 con. Các xã bị thiệt hại nặng gồm Na Ngoi, Huồi Tụ, Chiêu Lưu, Tây Sơn, Phà Đánh…, với giá trị thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng. 

Nguyên nhân chính khiến trâu bò chết nhiều là do đói. Khi nhiệt độ xuống quá thấp kết hợp với trời mưa đã khiến cho trâu bò thả rông trong rừng bị đói rét. 

Sau 1 đêm có thêm hơn 1.500 con trâu bò chết rét, xót xa có xã chết hàng trăm con, thiệt hại tiền tỷ - Ảnh 1.

Ông Lỳ Nỏ Pó, thôn Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) cho biết đã có 6 con bê, nghé chết vì rét. Nguồn: Đài TT-TH Quế Phong

Theo phản ánh của Đài TT-TH Quế Phong (Nghệ An), khảo sát nhanh của PV cho thấy tại một số xã vùng cao của huyện Quế Phong có tới hàng chục con trâu, bò chết vì rét đậm rét hại. Ngoài số gia súc chết rét, rất nhiều con trâu, bò, bê, nghé đang bị cước chân, ốm yếu không đi lại được vì rét.

Ông Lỳ Nỏ Pó, thôn Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) cho biết, gia đình ông đang chăn thả gần 100 con trâu, bò. Những ngày qua, do thời tiết rét đậm kéo dài nên nhà ông bị chết mất 6 con bê và nghé.

Tương tự, gia đình chị Lương Thị Đào ở bản Na Hốc, xã có 12 con bò thì chết mất 3 con. Chị cho biết: Mặc dù biết thời tiết lạnh giá có thể làm chết trâu bò, nhưng do số lượng nhiều nên không đưa hết về nhà được. 

Ngay cả đưa hết về nhà thì cũng không đủ chỗ nuôi nhốt, cỏ không đủ ăn. Nhiệt độ về đêm ở vùng núi cao có lúc xuống tới 0 độ C nên trâu bò khó chống đỡ nổi.

Anh Vi Văn Điểm, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Nhóng, huyện Quế Phong cho biết: Nguyên nhân khiến nhiều trâu bò chết rét là do tập quán chăn nuôi của bà con, quen thả rông trong rừng. Người dân cũng chưa xây dựng hệ thống chuồng trại cạnh nhà cũng như tạo nguồn thức ăn cho trâu bò. Vì vậy những ngày mưa rét, việc đưa trâu bò về nhà gặp rất nhiều khó khăn.

Còn ông Xồng Bá Cha, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (Quế Phong) cũng xác nhận, đến thời điểm hiện tại tổng số trâu bò, bê, nghé bị chết vì rét đã lên tới 211 con.

Sau 1 đêm có thêm hơn 1.500 con trâu bò chết rét, xót xa có xã chết hàng trăm con, thiệt hại tiền tỷ - Ảnh 3.

Đợt rét này số lượng bê nghé ở Kỳ Sơn chết khá nhiều. (Trong ảnh: Bê chết tại xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn). Ảnh: CTV

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm này riêng huyện Quế Phong (Nghệ An) đã có hơn 600 con gia súc bị chết. 

Còn tại Sơn La, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn đã có tới 1.355 con gia súc bị chết rét, chủ yếu là các con bê, nghé và một số con gia súc già yếu.

Lý giải vì sao tỉnh Sơn La có số trâu bò chết rét la liệt, nhiều nhất cả nước, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, do Sơn La có số lượng đàn gia súc lớn nhất nhì cả nước, với tổng số hơn 1,3 triệu con. Tình trạng trâu, bò, ngựa chết xảy ra tập trung chủ yếu ở huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Vân Hồ, Sốp Cộp... Đây là những địa phương có nhiều xã vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, nhiệt độ giảm rất thấp kèm theo mưa phùn, gió lạnh...

Tình trạng trâu, bò, ngựa chết thường xảy ra nhiều trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Do thời điểm này bà con tập trung chuẩn bị Tết nên thường có tâm lý chủ quan, lơ là việc chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc. 

Sau 1 đêm có thêm hơn 1.500 con trâu bò chết rét, xót xa có xã chết hàng trăm con, thiệt hại tiền tỷ - Ảnh 4.

Nhiều con trâu, bò bị chết cóng giữa thời tiết giá lạnh do thói quen chăn thả rông của bà con. Ảnh: FB Bùi Mạnh

"Mặc dù năm nào các cán bộ ngành nông nghiệp, cán bộ khuyến nông các địa phương cũng khuyến cáo bà con phòng chống rét từ sớm, liên tục đôn đốc, kiểm tra, nhưng quan trọng là người dân phải chủ động áp dụng các giải pháp bảo vệ tài sản của mình. Tài sản lớn như thế, bà con phải tự có ý thức giữ gìn đầu tiên" - đại diện Cục Chăn nuôi nói.

Trước tình hình thiệt hại còn tiếp diễn, Tổng cục Phòng chống thiên tai khuyến cáo các tỉnh/thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại theo văn bản số 90/VPTT ngày 16/02/2022. 

Trong đó tập trung nội dung: Đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh nội trú, khách du lịch; tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Hướng dẫn các hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn cho gia súc; tổ chức kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh; rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn về gia súc. 

Vị đại diện Cục Chăn nuôi lưu ý thêm, để bảo vệ đàn gia súc, hàng năm người chăn nuôi phải chuẩn bị đủ lượng thức ăn thô xanh, thức ăn tinh cho suốt mùa đông. 

Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, bà con tuyệt đối không thả gia súc, gia cầm ra ngoài trời. Phải có các biện pháp che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi cho trâu bò. Công tác vệ sinh chuồng trại cần thực hiện thường xuyên, hàng ngày kiểm tra sức khoẻ đàn trâu, bò, lợn, gia cầm...

Bà con cần lưu ý, với con bò có thể nhốt liên tục hàng chục ngày trong chuồng không sao, nhưng với con trâu nếu nuôi nhốt lâu ngày có thể xảy ra hiện tượng cước chân. Do đó khi trời có nắng ấm, bà con có thể dắt trâu ra cho đi bộ vài vòng.


     
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem