Sau 2 năm, kinh tế số đã chiếm 10,41% GDP, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cũng tăng tốc

Khải Phạm Thứ ba, ngày 11/10/2022 07:24 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ sau 2 năm triển khai chuyển đổi số, kinh tế số đã chiếm 10,41% GDP và tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 97,3%.
Bình luận 0

Mới đây, đã diễn ra hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp" do Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ diễn ra ngày 9/10/2022.

Sau 2 năm, kinh tế số đã chiếm 10,41% GDP, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 97,3% - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia phát biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, cho biết tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số.

Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Trong khi đó, mục tiêu năm 2025 là 20% GDP.

Để về đích đúng hạn, còn rất nhiều thách thức và việc phải làm mà mỗi chúng ta phải quyết tâm, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dư địa phát triển hiện nay nằm ở phần kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực. Do đó, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành, lĩnh vực.

Cũng theo ông Tiến, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 đạt 97,3%, chiếm 54,51% tổng số thủ tục hành chính và tiệm cận mục tiêu đạt 100% vào năm 2025. Không chỉ vậy, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến lần lượt đạt 67,8% và 43,2%.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn ở mức thấp, chỉ đạt 3% (cuối tháng 6/2022), trong khi mục tiêu đặt ra tới năm 2025 là 100%.

Trong khi đó, tính đến tháng 6/2022, có khoảng 200 triệu lượt tải mới các ứng dụng di động. Con số trên giúp Việt Nam đã vươn lên xếp hạng thứ 7 toàn cầu về tổng số lượt tải mới. Đồng thời, số lượt người dùng hằng tháng trên các nền tảng số di động Việt Nam tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh hiện đã chiếm khoảng 71% (mục tiêu đặt ra tới năm 2025 là 85%).

Được biết, đến nay có 35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp, đánh giá và công bố 50 nền tảng số.

Về dữ liệu số, đã có khoảng 360 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ. Tính trung bình hàng ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch thực hiện qua nền tảng NDXP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem