Sau bêu tên, làm gì với các doanh nghiệp nợ thuế “khủng”?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 23/09/2019 07:00 AM (GMT+7)
Nợ thuế của TP.HCM tăng cao trong 8 tháng đầu năm 2019, tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng và bất động sản (hơn 2.400 tỷ đồng), chiếm 51,72% tổng nợ khả năng thu tăng thêm.
Bình luận 0

Theo Cục Thuế TP.HCM, tổng số nợ có khả năng thu (số tiền thuế nợ đến 90 ngày và số tiền thuế nợ trên 90 ngày) đến ngày 31.8.2019 là 14.101 tỷ đồng, tăng 58,33% so với thời điểm 31/12/2018.

img

Nhiều DN bất động sản tiếp tục bị "bêu tên" vì nợ thuế (Ảnh: Zing.vn)

Nhiều doanh nghiệp nợ thuế “khủng”

Thống kê của Cục thuế TP, so với thời điểm 31/12/2018, các khoản nợ liên quan đến đất là 3.644 tỷ đồng, tăng 173,36%; nợ từ các khoản thuế, phí là 6.106 tỷ đồng, tăng 54,33%; tiền phạt, tiền chậm nộp là 3.923 tỷ đồng, tăng 9,1%. Trong đó, chỉ riêng nợ thuế kỳ 7/2019, có tới 1.144 doanh nghiệp nợ thuế bị bêu tên, với số nợ thuế hơn 2.171 tỷ đồng. Đáng chú ý, so với kì công bố thông tin vào tháng trước, số doanh nghiệp bị “bêu tên” vì nợ thuế đã tăng thêm 175 doanh nghiệp.

Đứng đầu danh sách nợ thuế được công khai lần này là Công ty cổ phần May - Diêm Sài Gòn với số thuế nợ hơn 156 tỷ đồng. Đứng thứ hai danh sách là Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân nợ 153 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội đứng thứ 3 với khoản nợ 105 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 30 doanh nghiệp nợ thuế từ 10 tỷ đến dưới 100 tỷ đồng, có thể kế đến như: Công ty Cổ phần Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt (99 tỷ), Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà Hoàng Phúc (51 tỷ), Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 8 (40 tỷ), Công ty Cổ phần Tân Hoàng Thắng (40 tỷ); Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương (38 tỷ)…

Đáng chú ý, trong danh sách các DN nợ thuế lần này, có những DN trước đó đã bị “bêu tên” nhiều lần, chẳng hạn như Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân; Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội; Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương…

Để xử lý số nợ thuế nêu trên, theo Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Lê Duy Minh, đối với khoản nợ dưới 90 ngày, Cục Thuế TP.HCM sẽ thực hiện đôn đốc thu nợ bằng nhiều biện pháp như gọi điện thoại; gửi tin qua SMS; ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền chậm nộp… Riêng với những khoản nợ trên 90 ngày, Cục Thuế sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định.

Nên xử lý sao với các DN “chây ì” nợ thuế?

Trước tình hình nhiều DN sau nhiều lần bị “bêu tên” vẫn chây ì nợ thuế, LS.TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, cho rằng: Pháp luật đã có các biện pháp xử lý hành chính trong việc chây ì nộp thuế, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có pháp luật về hình sự, không chỉ xử lý về mặt cá nhân mà còn xử lý về mặt pháp nhân theo Bộ luật Hình sự mới 2015. Khi đó, nếu không xử lý hành chính được thì phải xử lý hình sự.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải có bộ phận thanh tra, giám sát… không chỉ về thuế mà còn thanh tra, giám sát chuyên ngành. Chẳng hạn như với lĩnh vực bất động sản thì có thanh tra của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng cùng phối hợp với thanh tra thuế để cùng làm chứ nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra thuế thôi thì cũng khó xử lý lắm.

“Nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra thuế thôi thì có thể gặp khó khăn về nhân sự, thiếu về chuyên môn, nghiệp vụ… thậm chí còn thiếu các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ nữa, nên rất cần sự phối hợp thường xuyên giữa thanh tra thuế và thanh tra chuyên ngành để kiểm tra những DN thường xuyên chây ì thuế”, ông Tín chia sẻ.

Riêng với các biện pháp được cơ quan thuế sử dụng lâu nay, chẳng hạn như biện pháp thông báo hóa đơn; biện pháp đề nghị rút giấy phép kinh doanh; trích tiền từ tài khoản của DN… ông Tín cho rằng cũng khó phù hợp với nhiều DN.

Chẳng hạn như với biện pháp trích tiền từ tài khoản của DN, ông Tín nói vui: “DN đã nợ thuế rồi thì chắc gì tài khoản đã còn tiền, nếu còn thì đã tìm cách xử lý ngay. Trong các trường hợp chây ì thuế trên, có thể DN đó đã mất khả năng thanh toán rồi, hoặc có khả năng thanh toán nhưng lại cố tình dùng nguồn tiền để giải quyết các vấn đề khác. Vừa rồi có nhiều DN thậm chí còn chây ì nợ bảo hiểm xã hội như Mai Linh, Nguyễn Kim… nhưng cơ quan thanh tra chuyên ngành làm chưa quyết liệt nên xảy ra tình trạng DN lách qua lách lại để chây ì”.

“Để làm giảm nợ đọng, xử lý được các DN chây ì nộp thuế thì cơ quan quản lý phải có sự phối hợp đồng bộ với nhau. Hơn nữa, có thể xem xét nâng lãi suất phạt chậm nộp để mang tính răn đe, tránh trường hợp có các DN khác cố tình bắt chước, kéo dài thời gian nộp thuế”, ông Tín đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem