Sau cú "sập" hơn 1 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đang nhích tăng trở lại

P.V Thứ năm, ngày 26/05/2022 11:08 AM (GMT+7)
Sau khi "sập" hơn 1 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước hiện đang tăng trở lại 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, lên tới hơn 17 triệu đồng/lượng...
Bình luận 0

Giá vàng trong nước hôm nay 26/5 đang tăng trở lại

Giá vàng SJC trong nước cập nhật lúc 10 giờ 30 sáng nay (26/5) đứng ở mức 67,95-68,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) tại cả Hà Nội và TP.HCM, đều tăng thêm từ 50.000-150.000 đồng/lượng mỗi chiều. Giá vàng SJC của Hà Nội và TP.HCM niêm yết ở loại 1 lượng, 10 lượng, 2 chỉ, 1 chỉ, 5 phân có giá thấp hơn, từ 68-69,3 triệu đồng mua vào - bán ra.

Sau cú "sập" hơn 1 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đang tăng trở lại - Ảnh 1.

Giá vàng được cập nhật lúc: 10h30 ngày 26/5/2022

Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng hơn 17 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 25/5.

Hôm qua, giá vàng trong nước đã đảo chiều giảm mạnh xuống mức thấp nhất 2 tháng, còn 68,8 triệu đồng mỗi lượng bán ra. Từ mức chốt cứng 69,9 triệu đồng/lượng buổi sáng hôm qua (25/5), cuối ngày hôm qua giá vàng miếng SJC giảm hơn 1 triệu đồng/lượng.

Vào tuần trước, giá vàng trong nước có nhiều phiên đứng yên. 4 phiên lại đây, giá vàng tăng liên tục. Tuy nhiên, đến hôm qua, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh.

Giá vàng giảm hôm qua được cho là bị "sập mạnh" sau thông tin đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ, có giải pháp ổn định thị trường vàng.

Cụ thể tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội hôm qua, đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận (Hưng Yên), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên đã đặt vấn đề giá vàng miếng SJC chênh giá vàng thế giới có thời điểm đến gần 20 triệu đồng/lượng thì ai là người hưởng lợi? Cơ chế quản lý thế nào, có hay không việc doanh nghiệp thao túng đẩy giá vàng, trong bối cảnh người dân vì dịch bệnh muốn tích trữ.

Đồng thời đại biểu Vận nói rằng cần phải đặt vấn đề có sự liên kết đẩy giá vàng hay không và đề nghị Chính phủ có giải pháp kiểm soát để ổn định thị trường.

Với giá vàng quốc tế, đầu giờ sáng nay, giá vàng thế giới biến động tăng lên, tuy nhiên thời điểm hiện tại giá đã quay đầu giảm trở lại. Giá vàng quốc tế hiện đứng ở mức 1.850,8 USD/ounce so với giá lúc 6h47 (giờ Việt Nam) là 1.853,7 USD/ounce. 

Kim loại quý đã đi xuống sau khi Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - cơ quan của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 5 cho thấy tất cả các thành viên đều đồng ý việc tăng lãi suất 0,5 điểm % là phù hợp tại cuộc họp sắp tới. 

Hiện tại, thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất chính sách lên khoảng 2,5 - 2,75% vào cuối năm nay, phạm vi này được nhiều quan chức ngân hàng trung ương coi là “trung lập”. Tuy nhiên, các tuyên bố trong biên bản cuộc họp cho thấy FOMC sẵn sàng mạnh tay hơn.

Sau cú "sập" hơn 1 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đang tăng trở lại - Ảnh 2.

Giá vàng thế giới lúc 10h30 sáng nay (26/5)

Sau cú "sập" hơn 1 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đang tăng trở lại - Ảnh 3.

Giá vàng thế giới lúc 10h30 sáng nay (26/5)

Dù vậy, giá vàng thế giới vẫn xoay quanh mức hỗ trợ 1.850 USD/ounce...

Chuyện giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới vốn đã không còn xa lạ ở Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, dù theo quy luật, giá vàng trong nước sẽ phải tăng, giảm theo sự biến động của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước liên tục chênh cao, có những thời điểm cao hơn từ 10 đến 15% so với thế giới, mức chưa từng có trong nhiều năm trước. Câu hỏi được đặt ra là vì đâu giá vàng trong nước và thế giới lại có khoảng cách lớn như vậy?

Lý giải về việc này, theo các chuyên gia, vàng là hàng hóa doanh nghiệp trong nước không tự sản xuất được nên phải nhập khẩu. Bởi vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm...

Từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước quản lý, khi nào cần thiết mới cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng để chế tác nữ trang. Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, do vàng miếng SJC là thương hiệu uy tín, chiếm tới 95% thị trường vàng miếng đồng thời để tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh xáo trộn trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, điều này khiến cho vàng miếng SJC có giá trị cao hơn các loại vàng khác. Trong các giao dịch vàng, người dân cũng có tâm lý ưa chuộng vàng miếng SJC hơn các loại vàng khác, khiến giá cũng một phần được đẩy lên cao hơn.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng thế giới đi sát với giá vàng trong nước cũng như để khoảng cách giá mua và bán gần nhau hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng cần quan sát, theo dõi xem có hiện tượng đầu cơ, làm giá hay có nhập lậu vàng hay không để có thể can thiệp kịp thời.

Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất; Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Nghị định số 24 cũng quy định chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều 14 Nghị định nêu rõ, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem