Sau dịch tả lợn châu Phi: Người kiếm tiền tỷ, kẻ chạy ăn từng bữa

Trần Quang Chủ nhật, ngày 19/01/2020 18:50 PM (GMT+7)
Sau những ngày căng mình chiến đấu mệt mỏi với đại dịch tả lợn châu Phi, đến giờ người dân ở nhiều làng quê các tỉnh miền Bắc đã quen dần với việc “sống chung với dịch”. Hộ còn lợn thì tiếp tục duy trì chăn nuôi, những hộ bị thiệt hại nặng nề, kiệt quệ thì đã tìm hướng đi mới để có công ăn việc làm, trả bớt nợ nần…
Bình luận 0

Chạy ăn từng ngày

Những ngày cuối năm này, bà Phạm Thị Phương ở Đông Hưng (Thái Bình) đang ngược xuôi chạy chợ để kiếm mớ rau, con cá phục vụ sinh hoạt gia đình. Bà Phương cho biết, tháng 4/2019, đàn lợn hơn 50 con của gia đình bị dịch tả lợn châu Phi chết hết, các khoản nợ ập đến với vợ chồng bà.

Mất nguồn thu nhập chính, vợ chồng bà Phương loay hoay kiếm kế sinh nhai. Do đã ngoài 60 tuổi, vợ chồng bà không còn cơ hội xin vào làm tại các công ty, xí nghiệp nên đành làm quen với công việc buôn bán hoa quả, nông sản nhỏ lẻ ở chợ xã. Thường ngày, bà Phương bán các loại củ quả như dừa xiêm, ngô, khoai…

So với mấy tháng trước, giờ tâm trạng của bà Phương đã tốt hơn, vừa bán hàng vừa niềm nở trò chuyện với khách. Nhiều người cùng xã thương cảm với hoàn cảnh vợ chồng già nên hay ghé qua mua hàng ủng hộ bà Phương. Khi nhắc về chuyện nuôi lợn, người phụ nữ này lại rơm rớm nước mắt: "Tất cả chi tiêu trong gia đình, vợ chồng tôi trông cả vào đàn lợn, tuy nhiên dịch tả lợn châu Phi đã cướp đi mọi thứ. Dù đã được Nhà nước hỗ trợ tiền tiêu hủy lợn bệnh nhưng chúng tôi vẫn không đủ trả nợ, phải chạy ăn từng ngày".

img

  Một trại lợn hiếm hoi còn lại ở Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) sau đại dịch tả lợn châu Phi. 
(ảnh: Trần Quang)

Bà Phương cho hay: "Bán nông sản nhỏ lẻ cũng ăn may thôi, có ngày nhiều khách bán được nhiều hàng, còn ngày mưa gió thì ế. Nhưng từ khi đi bán hàng, tôi cũng thấy thoải mái hơn vì có thêm đồng ra, đồng vào để lo chi tiêu cho gia đình".

Cùng tình cảnh với bà Phương, gia đình anh Hoàng Trọng Minh ở Thanh Oai (Hà Nội) cũng đang nợ nần chồng chất sau "bão" dịch tả lợn châu Phi. Sau khi đàn lợn gần 100 con của gia đình nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, chủ đại lý cám đã đến bắt nợ "sổ đỏ" của gia đình anh Minh và giao kèo đến khi nào anh trả hết nợ và lãi thì mới có cơ hội lấy lại giấy tờ.

Các sự cố sau đó lần lượt ập đến khiến vợ chồng anh Minh liên tục xảy ra mâu thuẫn, to tiếng, cuối cùng hai người sống ly thân. Về sau, nhờ sự hòa giải, động viên của hai bên gia đình, anh chị đã về chung sống một nhà và cùng nhau nỗ lực làm ăn nuôi con, trả nợ. Để có tiền, vợ chồng anh Minh đã phải xoay đủ việc từ làm phụ xây, cò đất nhưng cuối cùng anh chọn nghề buôn bán cá ở chợ huyện.

"Thời gian đầu đi bán hàng cũng khó khăn lắm. Có hôm bị người ta đổ cả chậu nước và cá lên người vì họ cho rằng mình tranh chỗ bán, nhưng tôi vẫn phải chịu đựng và giờ mọi thứ cũng đã dần ổn định hơn" - anh Minh chia sẻ.

Sau hơn 1 tháng buôn bán, tích lũy được chút vốn, anh Minh đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi hơn 1.000 gà ri lai, đến giờ đàn gà của anh chị chuẩn bị được xuất chuồng, lại đúng thời điểm giá gà đang tăng cao. Anh Minh vui vẻ nói: "Trong cái rủi cũng có cái may. Sắp tới sau khi bán đàn gà này, tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào đàn nuôi nhiều hơn nữa để trả hết nợ".

Kiếm tiền tỷ nhờ chăn nuôi bài bản

May mắn hơn mọi người, hộ gia đình anh Phạm Trung Tuyến ở Bình Lục (Hà Nam) không những không bị dịch bệnh mà trong thời điểm này, anh Tuyến còn tiếp tục giữ và tăng đàn lợn lên nhiều hơn trước. Chính sự may mắn và quyết đoán đã mang về cho vị chủ trang trại này khoản thu nhập khủng hàng chục tỷ đồng. 

Để giữ được đàn lợn, không còn cách nào khác chúng ta phải đầu tư chăn nuôi bài bản theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh với các công nghệ hiện đại, nguồn nước, thức ăn đầu vào đều phải được xử lý cẩn thận, đảm bảo”.
Anh Phạm Trung Tuyến 

Theo tiết lộ của anh Tuyến, trong đợt giá lợn hơi tăng cao kỷ lục vừa qua, gia đình anh liên tiếp xuất chuồng hàng trăm con lợn thương phẩm, trung bình mỗi con trọng lượng trên 140kg. Hiện trong chuồng trại của anh Tuyến còn trên 500 con lợn thương phẩm và 50 con lợn nái. Dự kiến, sắp tới gia đình anh sẽ đưa ra thị trường hàng trăm con lợn siêu, với giá lợn hơi 80.000 - 85.000 đồng/kg như hiện nay, anh thu lãi cao.

Trong khi đó, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) từng được coi là "thủ phủ" chăn nuôi lợn của miền Bắc nhưng từ tháng 5 đến giờ, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn hoành hành. Hiện, hàng ngày, hàng giờ ở Ngọc Lũ, chính quyền và người dân ở đây vẫn phải chống chọi trước sự tàn phá nặng nề của đại dịch.

Theo ông Trần Đình Thiện - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, đến giờ đàn lợn của địa phương còn khoảng trên dưới 10.000 con, số lợn bị dịch phải tiêu hủy chiếm khoảng 4% nhưng số hộ bị mất sinh kế lên đến gần 100 hộ.

Dù vậy theo vị lãnh đạo này, bên cạnh số hộ mất lợn, thua lỗ nặng thì ở Ngọc Lũ vẫn có 3-4 hộ còn cầm cự được đàn lợn, không những thế, các hộ này còn tái đàn thành công, thu lãi cao.

Tại "thủ phủ" lợn Văn Giang (Hưng Yên) cũng có một số chủ trang trại thắng lớn nhờ mạo hiểm tái đàn, nuôi lợn nhỡ. Như gia đình anh Nguyễn Văn Thương, sau khi một ô trong chuồng lợn bị dịch tả lợn châu Phi vào tháng 5/2019, vợ chồng anh kịp cách ly đàn lợn còn lại. Một tháng sau khi dịch bệnh giảm, thay vì vào lợn giống nhỏ, anh Thương đã bàn với vợ vay tiền rồi đưa xe vào miền Nam săn tìm mua lợn nhỡ trên 70kg về để nuôi gột chờ bán dịp tết.

Đúng như dự đoán, các tháng cuối năm 2019 giá lợn hơi tăng liên tục và đã đạt kỷ lục, cũng là lúc vợ chồng anh bung hàng lợn siêu trọng hàng trăm con cho thương lái, thu về khoản tiền khủng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem