Sau đồng thuận TPP 11, Việt Nam phải cải cách triệt để thể chế

Minh Huệ Thứ hai, ngày 13/11/2017 06:45 AM (GMT+7)
TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, sự đồng thuận của TPP 11 là một dấu ấn của APEC mà Việt Nam là nước chủ nhà. Tuy nhiên, sau khi thực thi, Việt Nam phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội.
Bình luận 0

Dù không phải là chương trình chính của diễn đàn APEC lần này nhưng Thỏa thuận TPP đã được thông qua mà không có sự góp mặt của Mỹ. Sự kiện này được đánh giá là bước đột phá cho thương mại tự do trong khu vực. Theo ông đây có phải là dấu ấn của APEC 2017?

img

Sự đồng thuận của TPP11 là một dấu ấn của APEC mà Việt Nam là nước chủ nhà. Ảnh: I.T

img

"Diễn biến đàm phán TPP trong bối cảnh APEC lần này giống như diễn biến đầy kịch tích của một trận đá bóng ở đẳng cấp cao nhất. Kết cục là phần thắng dành cho những người tham gia cuộc đấu đến phút chót”.

TS. Trần Đình Thiên

- Diễn biến đàm phán TPP trong bối cảnh APEC lần này giống như diễn biến đầy kịch tích của một trận đá bóng ở đẳng cấp cao nhất. Kết cục là phần thắng dành cho những người tham gia cuộc đấu đến phút chót. Có thể tạm so sánh như vậy để thấy giá trị, ý nghĩa của sự kiện 11 quốc gia đã đi đến thỏa thuận TPP không có Mỹ với một tên gọi mới: “Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.

Việc Mỹ rút khỏi TPP đã làm cho lòng tin vào triển vọng của hiệp định bị suy giảm ghê gớm. Nhiều người còn tin chắc sẽ không thể có TPP khi không có Mỹ. Cho nên, việc đạt thoả thuận TPP 11 là một cú đột phá chiến lược nhưng không chỉ cho thương mại tự do trong khu vực.

Cũng như TPP trước đây, CPTPP hôm nay không đơn thuần là một Hiệp định Thương mại Tự do mà là một Hiệp định Toàn diện và Phát triển trong môi trường hội nhập. Bản thân tên mới của Hiệp định (Tiến bộ và Toàn diện) đã nói lên điều đó.

Việc duy trì gắn kết 11 nền kinh tế vào một hiệp định phát triển ở trình độ cao nhất trong điều kiện Mỹ (một trụ cột đặc biệt quan trọng đã rút khỏi hiệp định) có giá trị của một tuyên ngôn, một thông điệp mang tầm cỡ thời đại rằng xu thế liên kết phát triển ở trình độ cao nhất sẽ mang lại những lợi ích phát triển to lớn không thể thay thế, ngay cả khi không có Mỹ.

Với ý nghĩa như vậy, đặt trong khuôn khổ APEC 2017 ở Đà Nẵng, hoàn toàn có thể coi CPTPP vừa được ký kết là một sự kiện mang tính lịch sử, là một điểm nhấn quan trọng bậc nhất của APEC lần này.

Vai trò của nước chủ nhà Việt Nam được thể hiện ra sao khi thông qua được thỏa thuận TPP11?                                        

- Chắc chắn là để đạt thành công như vậy, có vai trò to lớn của nước chủ nhà Việt Nam. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao độ để “giữ” bằng được TPP. Có lẽ nỗ lực như vậy của một nước có trình độ phát triển thấp nhất trong số 11 nước, lại chịu “thiệt thòi” lớn (có thể là lớn nhất) khi Mỹ rút ra khỏi TPP cũng có tác động tích cực mạnh mẽ đến quyết định của các nước còn lại.

TPP 11 là thành công nhưng cũng là thách thức cho các nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để phù hợp với bối cảnh mới này?

- Tôi cho rằng trong bối cảnh đã đạt được thỏa thuận CPTPP, vẫn còn nhiều việc mà Việt Nam phải làm.

Thứ nhất, phải nỗ lực để đàm phán cho xong, cho trọn vẹn các điều khoản để đi đến ký kết thực thi. Điều này cũng phải tích cực, phải đẩy nhanh. Mọi thứ đều có thể xẩy ra, như việc Mỹ đột ngột rút khỏi TPP là một ví dụ.

Thứ hai, phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi, năng lực cạnh tranh sản phẩm – dịch vụ, năng lực thể chế (tuân thủ và vận hành) để đáp ứng các điều kiện khắt khe, các đòi hỏi rất cao của một hiệp định phát triển đẳng cấp cao nhất.

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác, trong đó, trọng tâm là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Đây là những mối quan hệ mang tính trụ cột, bảo đảm sự cân bằng, thế vững chắc chiến lược cũng như những lợi ích phát triển hàng đầu.

APEC Đà Nẵng nói chung, CPTPP nói riêng thành công tạo nên một cảm hứng tuyệt vời, một động lực mạnh cho những bước tiếp theo. Việt Nam cũng như các thành viên CPTPP đã xác lập được đà chạy. Cần tận dụng tốt bước chạy đà này để tiến vượt lên.

Xin cảm ơn ông! 

TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Đảm bảo thực thi, nghiên cứu một cách nghiêm túc

Hiệp định TPP 11 có 3 ý nghĩa với Việt Nam và các nước thành viên. Thứ nhất, tác động và đóng góp tích cực lên thương mại, đầu tư, kinh tế của các nước thành viên. 
Thứ hai, TPP gắn chặt với cải cách thể chế trong các quốc gia, và đây cũng là một trong những động lực để thúc đẩy, đảm bảo phát triển, tăng trưởng bền vững. TPP là hiệp định chất lượng cao, nên sau khi thực thi đòi hỏi Việt  Nam phải nỗ lực rất lớn để thực hiện. 
Thứ ba, TPP không chỉ là câu chuyện tác động liên quan đến các nước thành viên mà còn có ý nghĩa cả thúc đẩy quá trình liên kết hội nhập khu vực. Cho nên thách thức đầu tiên với Việt Nam là cần phải đảm bảo thực thi, nghiên cứu một cách nghiêm túc. Vì TPP không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn gắn với cải cách và một hình ảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, là thành viên tích cực của khu vực, APEC trong quá trình thúc đẩy hội nhập. 

Trần Giang (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem