Sau hai vụ “bốc hơi” tiền tỷ, Eximbank báo lỗ gần 310 tỷ đồng

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 01/02/2019 11:29 AM (GMT+7)
Sau khi xảy ra 2 vụ “bốc hơi” tiền gửi của khách hàng, trong đó có vụ 245 tỷ đồng của đại gia Chu Thị Bình, vợ “vua tôm” Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú,, Eximbank vừa ngậm ngùi báo lỗ gần 310 tỷ đồng trước thuế trong quí 4.2018.
Bình luận 0

img

Lũy kế cả năm 2018, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế chỉ 827 tỷ đồng, giảm hơn 18,7% so với năm trước (Ảnh: IT)

Lỗ nặng trong quý 4.2018

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4.2018. Theo số liệu được công bố, trong quý 4.2018, Eximbank có thu nhập lãi thuần đạt 899,6 tỷ đồng, tăng 29,7% so với quý 4.2017, trong đó lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng tới 391%, từ 24,5 tỷ đồng của năm 2017 lên tới 120,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác lại giảm 64,3% so với năm trước, chỉ còn 109 tỷ đồng (năm 2017 là 305,3 tỷ đồng) và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm 86,4% so với năm trước, chỉ đạt 92,2 tỷ đồng (năm 2017 là 678,8 tỷ đồng). Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm, ngân hàng dành tới 1.047 tỷ đồng cho chi phí hoạt động, tăng 75,1% so với cùng kỳ và chi 401,6 tỷ đồng cho khoản chi phí dự phòng rủi ro, tăng 239,8%; khiến lợi nhuận sau thuế quý này bị âm tới gần 247 tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế cả năm 2018, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 827 tỷ đồng, chỉ đạt được hơn 1/2 kế hoạch cả năm (kế hoạch 1.600 tỷ đồng). Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 661 tỷ đồng, giảm 19,7% so với năm trước (năm 2017 đạt 822,8 tỷ đồng).

Hai mảng có kết quả tăng trưởng cao nhất của ngân hàng là thu nhập lãi thuần tăng 20,2% đạt 3.207 tỷ đồng; thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng gần 5 lần đạt 519 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thoái vốn khỏi Sacombank. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán bị lỗ tới 116 tỷ; lãi từ hoạt động khác giảm 48% chỉ còn đạt 226 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ chỉ tăng nhẹ 4,7% đạt 347 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 18,1% đạt 269 tỷ.

Ngoài ra, chi phí hoạt động cả năm của Eximbank là 2.901 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng 19,7%, từ 604,6 tỷ đồng của năm 2017 lên 723,5 tỷ đồng.

Trích dự phòng cho 2 khoản “bốc hơi” là 390 tỷ đồng

Cũng theo báo cáo tài chính của Eximbank, tính đến hết tháng 12.2018, tổng tài sản của Eximbank đạt 152.709 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm trước. Trong đó cho vay khách hàng cũng tăng trưởng chỉ 2,9% với 104.243 tỷ đồng (năm 2017 là 101.324 tỷ đồng), thấp nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo tài chính. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đến hết tháng 12.2018 là 1.071,4 tỷ đồng.

Số dư tiền gửi khách hàng của Eximbank cũng tăng trưởng rất khiêm tốn, chỉ đạt 118.804 tỷ đồng, tăng 1,1% (năm 2017 là 117.539 tỷ đồng).

Trong năm 2018, nợ xấu của ngân hàng cũng giảm 16,4% còn 1.921 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 2,27% xuống 1,84%. Đến cuối năm 2018, Eximbank còn 5.487 tỷ đồng nợ xấu ở VAMC, giảm 8,4%, trong đó đã trích lập dự phòng 2.136 tỷ đồng.

Theo đại diện Eximbank, thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để đẩy nhanh thu hồi và xử lý nợ xấu, Eximbank đã quyết định dùng phần lớn chênh lệch thu chi trước thuế để trích lập thêm dự phòng, tổng cộng 904 tỷ đồng. Trong đó, khoản trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo Thông tư 08/2016 của NHNN số tiền 514 tỷ nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tất toán các khoản nợ đã bán cho VAMC và  khoản trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi bị mất trong năm là 390 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem