Sau “hiệu lệnh” của NHNN, lãi suất của các ngân hàng biến động ra sao?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 17/03/2020 11:52 AM (GMT+7)
Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, cao nhất chỉ còn 4,75%/năm. Đáng chú ý, chênh lệch giữa lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng giữa nhóm ngân hàng quốc doanh và nhóm ngân hàng tư nhân được rút ngắn chỉ còn 0,05 điểm phần trăm.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định điều chỉnh trần lãi suất huy động cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Theo đó, từ ngày 17/3, lãi suất huy động tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.

Lãi suất huy động tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.

Với các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên, các tổ chức tín dụng quyết định dựa trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

img

Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm về mức tối đa 4,75%/năm

Tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng thương mại đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng về mức trần 4,75%/năm theo quy định của NHNN. Đồng thời, các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng được đưa về mức 0,5%/năm.

Cụ thể, tại nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được điều chỉnh xuống còn 4,7%/năm, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với đầu tháng 3.

Các kỳ hạn còn lại đều không thay đổi. Huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lãi suất 4,3%/năm. Kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 5,3%/năm.

Tương tự, tại VietinBank giảm 0,05 điểm phần trăm, niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng -3 tháng ở mức 4,3%/năm.

BIDV và Agribank chưa có sự thay đổi biểu lãi suất huy động tính tới trưa 17/3.

Đối với nhóm ngân hàng liên doanh, IndovinaBank (IVB) đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng đồng loạt ở mức 4,75%/năm nếu lĩnh lãi cuối kỳ, còn nếu lĩnh lãi hàng tháng với kỳ hạn 2 và 3 tháng thì lãi suất là 4,74%/năm.

Ở nhóm cổ phần tư nhân, ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank) giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 4,7%/năm, áp dụng đồng loạt đối với các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietpostbank) giảm tới 0,4 điểm phần trăm đối với lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng. Kỳ hạn 3 tháng đến dưới 5 tháng, lãi suất huy động chỉ còn 4,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước.

Tại Sacombank, lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động từ 4,3% đến 4,7% tùy thuộc vào kỳ hạn gửi, giảm mạnh so với mức 4,9 - 5%/năm áp dụng trước đó. Cụ thể, nếu gửi 1 tháng lãi là 4,3%/năm, 2 tháng là 4,4%, 3 tháng là 4,5%, 4 tháng là 4,6% và 5 tháng là 4,7%/năm.

Nhập cuộc, TPbank cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm dưới 6 về mức tối đa 4,7%/năm – bằng với mức lãi suất huy động phổ biến tính tới thời điểm hiện tại của các ngân hàng thương mại. So với bảng lãi suất huy động đầu tháng 3, nhà băng này đã giảm tới 0,25 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng.

Tại VIB, ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất đồng loạt cho kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,6%/năm, giảm 0,4 điểm phần trăm so với biểu lãi suất cũ.

Techcombank thông báo lãi suất dao động từ 4,15%/năm cho đến 4,75%/năm cho các khoản tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng. 

Seabank, lãi suất tiết kiệm từ 1 tới dưới 6 tháng là 4,75%/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn này. Trong khi kỳ hạn dưới 1 tháng hoặc không kỳ hạn, cũng điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,8% xuống cao nhất còn 0,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất phổ biến tại các ngân hàng tính tới thời điểm hiện tại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem