Sầu riêng, khoai lang sẽ đường đường... “xuất ngoại” vào Trung Quốc

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 28/10/2020 14:14 PM (GMT+7)
Bộ NNPTNT đang thúc đẩy tiến trình mở cửa theo thứ tự ưu tiên đối với một số loại trái cây, nông sản vào thị trường Trung Quốc như: Bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả, sầu riêng…
Bình luận 0

Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Tại hội thảo quốc tế "Trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam - Trung Quốc" diễn ra ngày 27/10 tại TP.HCM, ông Tạ Quang Kiên - đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay Việt Nam đang có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm: Xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long và măng cụt.

Theo ông Kiên, hiện Bộ NNPTNT đang thúc đẩy nhanh tiến trình ký kết nghị định thư về mở cửa thị trường sản phẩm thạch đen, sầu riêng và khoai lang. 

"Bộ cũng tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa theo thứ tự ưu tiên đối với một số loại trái cây, nông sản khác vào thị trường Trung Quốc như: Bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa" - ông Kiên nói.

Sầu riêng, khoai lang sẽ đường đường...“xuất ngoại”  - Ảnh 1.

Thu hoạch sầu riêng tại Tiền Giang. Ảnh: Tư liệu

"Hải quan Trung Quốc đang từng bước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu, đưa ra các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về xuất xứ, vùng trồng, bao bì, nhãn mác của hoa quả nhập khẩu".

Ông Lý Kiến Lương

Với những khó khăn về xuất khẩu thời gian qua gặp phải ở một số loại nông sản, Bộ NNPTNT cũng làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhanh chóng khắc phục việc tạm dừng xuất khẩu xoài, ớt của Việt Nam sang Trung Quốc. 

Đồng thời, thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan đầu mối kỹ thuật hai nước để thường xuyên trao đổi, tháo gỡ khó khăn trong vướng mắc, thương mại biên giới hai bên.

"Bộ NNPTNT sẽ phối hợp các địa phương, hiệp hội tập trung phổ biến thông tin về xuất khẩu chính ngạch, quy định thị trường, hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc đối với hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường này" - ông Tạ Quang Kiên nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thêm, đối với các loại hoa quả đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hiện Bộ NNPTNT cũng đang ký kết lại Nghị định thư về kiểm dịch.

Việc xuất khẩu các loại nông sản này sang thị trường Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, bên cạnh đẩy nhanh tiến trình mở cửa với các loại nông sản khác.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 10,9 tỷ USD, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 9 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc giảm 8,6% so với cùng kỳ, đạt hơn 9,8 tỷ USD, đáng chú ý, mặt hàng rau quả giảm đến 25,9%, còn 1,4 tỷ USD.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho hay tiềm năng của thị trường Trung Quốc rất lớn, mỗi ngày Trung Quốc tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn thực phẩm, các nước xuất khẩu vào thị trường này sẽ có nhiều triển vọng. 

Trong đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam.

"Tiềm năng thương mại nông sản giữa hai nước còn rất lớn, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 16 trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (số liệu năm 2019). Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới trong đó có sản phẩm trái cây nhiệt đới… và Trung Quốc là thị trường đích đứng thứ 1, trên 70% rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc"- ông Toản nói.

Tuy nhiên, theo ông Toản, Trung Quốc hiện này không còn là một thị trường dễ tính, họ ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, do đó, các doanh nghiệp Việt phải chú ý. "Chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm, định hướng phát triển thương mại chính ngạch" - ông Nguyễn Quốc Toản lưu ý.

Riêng đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, Trung Quốc đang áp dụng một số biện pháp quản lý về chất lượng, nguồn gốc, thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Tương tự, ông Lý Kiến Lương - Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, cho biết thêm theo phản hồi từ phía Hải quan Trung Quốc, hiện vẫn còn những vướng mắc về đăng ký vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc đối với nông sản Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem