Sau tái cơ cấu, Sacombank đã xử lý gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu

Quốc Hải Thứ năm, ngày 31/03/2022 11:52 AM (GMT+7)
Sau gần 5 năm tập trung tái cơ cấu, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án xử lý nợ xấu. Đặc biệt, Sacombank đã xử lý được gần 15.900 tỷ đồng lãi dự thu khoanh, tương đương giảm 73,7%.
Bình luận 0
Sacombank đã xử lý gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 1.

Sacombank quyết định kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đến ngày 30/6/2022. Ảnh: Sacombank

Năm 2021 Sacombank thu hồi gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng

Trong năm 2021, mặc dù đối mặt với bối cảnh vĩ mô nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận trước dự phòng Đề án xử lý nợ xấu của Sacombank vẫn đạt 12.660 tỷ đồng. 

Song do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao.

Quy mô hoạt động của Sacombank tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng tài sản hợp nhất đạt 521.117 tỷ đồng, tăng 6%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 8,9%. Tổng huy động đạt 464.521 tỷ đồng với gần 97% huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư. Dư nợ tín dụng đạt 388.216 tỷ đồng, tăng 14%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.

Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng (trong đó thuộc Đề án gần 11.800 tỷ đồng) được thu hồi, xử lý trong năm.

Nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công và đang thu theo tiến độ, thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, một con số ấn tượng và vượt xa so với con số kế hoạch 10.000 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm. 

Nhờ đó, tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm gần 20% so với năm trước và tỉ lệ nợ xấu hợp nhất được kéo giảm về 1,47%.

Hiệu quả kinh doanh cải thiện tích cực, trong đó thu thuần dịch vụ đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 16% với sự đóng góp khá lớn từ mảng bảo hiểm, thẻ và ngân hàng điện tử. 

Chi phí điều hành được kiểm soát chặt chẽ, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ lãi dự thu theo Đề án 8.260 tỷ đồng, tăng 46,6% và vượt 87,9% so với mục tiêu tại Đề án.

Các chỉ số an toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định và cải thiện tích cực, đặc biệt là hệ số CAR luôn duy trì trên mức 9%, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn.

Sau tái cơ cấu, Sacombank đã xử lý gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 3.

Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh từ 2021, đến nay Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng. Ảnh: Q.H

Đến 30/06/2022 Sacombank không cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản, có ngoại trừ

Mới đây, Sacombank cũng đã yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch triển khai và điều hành hoạt động cho vay tại đơn vị với nhiều nội dung.

Theo đó, Sacombank sẽ tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic…

Không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở).

Ngoài ra, Sacombank cũng yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Việc kiểm soát tín dụng bất động sản này sẽ được diễn ra đến ngày 30/6/2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem