Sau vụ Honda cho gần 40% lao động nghỉ việc: Làn sóng sẽ còn lan rộng

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ bảy, ngày 03/09/2016 06:00 AM (GMT+7)
Đây là khẳng định của ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khi trả lời Dân Việt về việc Công ty Honda cho lao động làm tốt nghỉ việc mà báo vừa phản ánh.
Bình luận 0

Gần đây, rải rác trong cả nước bắt đầu xuất hiện một số DN FDI tiến hành cho thôi việc công nhân một cách ồ ạt. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

- Tôi không thấy bất ngờ về vấn đề này, bởi từ 4 năm trước  tôi đã từng dự báo trong tương lai không xa, các doanh nghiệp (DN) sẽ tiến hành “chiến dịch” thải loại lao động, kể cả lao động trong độ tuổi “vàng” 38-40. Hiện nay, đa phần các DN FDI đầu tư vào Việt Nam ở những khâu đơn giản, như gia công, lắp ráp nên họ không đòi hỏi cao về chất lượng. Sau tuyển dụng, họ chỉ cần hai tuần để đào tạo là lao động đã làm được việc. Chính vì vậy quá trình tuyển – cho  thô việc này sẽ diễn ra liên tục và nhanh chóng “lây lan” hình thành từng mảng lớn tại các khu công nghiệp. Nó không chỉ dừng lại ở các DN FDI mà nó bắt đầu xuất hiện ở cả DN vốn trong nước. Nhiều khả năng thị trường lao động Việt Nam sẽ bị đổ vỡ nếu không có biện pháp ngăn chặn.

img

Vậy vị trí nào mà lao động thường bị  cho thôi việc nhiều nhất?

- Những vị trí lao động thường bị cho thôi việc nhiều nhất chính là vị trí lao động không giữ những vai trò then chốt. Bắt đầu ở một số mảng vị trí việc làm nhất định, chủ yếu là những công việc giản đơn, tức là vị trí mà lao động làm cũng được, không làm cũng được. DN có thể dễ dàng tuyển mới mà không mất quá nhiều công để đào tạo.

Rõ ràng, dù có sa thải công nhân thì họ vẫn phải tuyển mới, vậy bản chất của việc Honda cho thôi việc lao động hàng loạt là gì?

Hiện nay cả nước có khoảng 45 triệu công nhân lao động, nhưng số có hợp đồng lao động chỉ khoảng 25 triệu lao động. Trong đó có khoảng  2,5 đến 3 triệu lao động  đang làm trong  các DN FDI.

- DN cho thôi việc để tuyển mới vì lao động mới có nhiều lợi thế. Ví dụ như: Họ trẻ, khỏe, nghe lời… đặc biệt, DN sẽ tiết kiệm được một khoản lớn kinh phí để trả lương cho họ, bởi đa phần lương cho lao động mới chỉ bằng, hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút. Trong khi đó, nếu giữ lao động lâu năm mức lương (cộng các khoản phụ cấp thâm niên, phụ cấp bậc) và đóng BHXH cũng tăng cao. Điều này khiến các DN cân đo, đong, đếm  rồi quyết định bằng mọi cách để “hợp thức hóa” việc cho thôi việc lao động. Kết lại, bản chất của việc cho thôi việc công nhân một cách ồ ạt chính là sự bóc lột.

Liệu có phải đang xuất hiện “lỗ hổng” về mặt chính sách trong việc cấp phép hoạt động  cho DN FDI và quan hệ lao động?

- Chính xác! Hiện nay Việt Nam ta rải thảm đỏ hơi dầy, hơi nhiều để mời gọi các nhà đầu tư mà không có điều kiện đi kèm. Rải thảm đỏ, nhưng không nghĩ đến hậu quả của việc đó. Bản chất của DN là lợi nhuận, nơi đâu có lợi nhuận là họ đến. Khi đã có lợi nhuận, họ càng muốn tăng lợi nhuận đó lên gấp bội lần vì vậy mới có câu chuyện bóc lột lao động.

Luật pháp ở Việt Nam cũng chưa có những ràng buộc cụ thể với các DN FDI khi tiến hành đầu tư. Ví như: Thời gian đầu tư, hay yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ hiện đại, rồi trách nhiệm đào tạo công nhân bài bản, hay yêu cầu trách nhiệm chăm sóc lao động… để sau khi rời DN lao động có vốn tích lũy.

Theo ông cần có biện pháp gì để ngăn chặn sự “lây lan” của việc cho thôi việc lao động?

- Theo tôi, các cơ quan có tránh nhiệm cần phải xem đây là một vấn đề lớn, vấn đề có tính chiến lược để giải quyết. Trước mắt, các cơ quan truyền thông cần có sự cảnh tỉnh với người lao động ở các khu công nghiệp. Tiếp sau đó các cơ quan chức năng và các đoàn thể xã hội sẽ buộc phải vào cuộc trong đó có cả tổ chức công đoàn. Phải xem đây là “bệnh dịch” cần phải được ngăn chặn.

Về phía cơ quan chức năng cần phải sớm có những rà soát ban hành những chính sách điều chỉnh Bộ Luật lao động và Luật BHXH về việc quy định thời hạn ngắn nhất mà các DN FDI  đầu tư vào Việt Nam. Điều này, sẽ khiến DN này phải xem xét lại việc tiếp nhận, sử dụng lao động, đồng thời để họ có ý thức hơn trong việc chăm sóc người lao động.

“Vụ Lao động tiền lương cũng đã nắm được vấn đề này, chúng tôi đã có văn bản gửi Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị sở thanh kiểm tra, có báo cáo vấn đề này về Bộ LĐTBXH trước ngày 1.9”

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ lao động tiền lương (Bộ LĐTBXH)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem