Sau vụ Hưng “kính” chợ Long Biên: 62 ki ốt ký sai quy định thu về bao tiền mỗi năm?

Nhóm pv Thứ ba, ngày 16/06/2020 13:53 PM (GMT+7)
62 ki ốt cho thuê trái phép trong chợ Long Biên có diện tích từ 4m2 đến hơn 20m2, có giá thuê từ 400 nghìn đến hơn 7 triệu đồng/tháng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, sau khi xảy ra vụ việc Hưng "kính" bảo kê, thu tiền của các tiểu thương tại chợ Long Biên, UBND quận Ba Đình (TP.Hà Nội) đã thành lập đoàn thanh tra toàn diện về các hoạt động tại chợ Long Biên.

Ngày 31/12/2019, thanh tra quận Ba Đình đã có kết luận thanh tra số 138 về các hoạt động của Ban quản lý chợ Long Biên. Kết luận nêu rõ, từ năm 2015 đến 2018, chợ Long Biên phát sinh 62 ki ốt không được bố trí vị trí kinh doanh ngành hàng.

Trong đó, có một ki ốt đứng tên Nguyễn Kim Hưng tức Hưng "kính" nằm ngay khu vực trụ bơm phòng cháy chữa cháy.

62 ki ốt thu về 87 triệu đồng mỗi tháng

Theo tài liệu của Dân Việt, đại diện Ban quản lý chợ Long Biên đã ký hợp đồng với các tiểu thương cho thuê ki ốt từ thời điểm năm 2015 đến 2018. Các ki ốt cho thuê có diện tích từ 4m2 đến hơn 20m2, có giá thuê từ 400 nghìn đồng đến hơn 7 triệu đồng/tháng.

Nếu tính 62 ki ốt trái phép cho thuê với giá trên hợp đồng, mỗi tháng Ban quản lý chợ Long Biên thu về hơn 87 triệu đồng; mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng.

Sau vụ Hưng “kính” chợ Long Biên: 62 ki ốt ký sai quy định thu về bao tiền mỗi năm? - Ảnh 1.

Một số ki ốt trong chợ Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Trong khi đó trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng BQL chợ Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay, khi ký hợp đồng mới, các chủ ki ốt có nộp thuế đầy đủ cho cơ quan thuế của quận Ba Đình. Ban Quản lý chợ Long Biên không làm việc này.

Theo kết luận thanh tra, trong năm 2015, nguồn thu phí tại chợ Long Biên đạt hơn 15 tỷ đồng. Trong đó, khoản thu phí ô tô vào chợ là hơn 2,5 tỷ đồng; phí sử dụng diện tích bán hàng là 8,3 tỷ đồng; phí trông giữ xe đạp, xe máy là 852 triệu đồng; phí vệ sinh là 3,2 tỷ đồng. Nguồn thu dịch vụ đạt gần 4,9 tỷ đồng.

Nộp ngân sách nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng, số tiền còn lại chi cho các khoản chi lương và các khoản theo lương; chi nghiệp vụ chuyên môn; khoản trích quỹ; nộp thuế giá trị gia tăng; thuế môn bài…

Năm 2016, nguồn thu phí không thay đổi, đạt hơn 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, phí sử dụng diện tích bán hàng lại tăng lên hơn 10 tỷ đồng; phí trông giữ xe đạp, xe máy giảm xuống còn 562 triệu đồng; phí vào chợ là 1,3 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước hơn 761 triệu đồng.

Đến năm 2017, nguồn thu dịch vụ giảm xuống còn hơn 12 tỷ đồng, các khoản thu khác cũng giảm theo. Nộp ngân sách nhà nước hơn 477 triệu đồng.

Năm 2018, nguồn thu dịch vụ là hơn 15,4 tỷ đồng, trong đó phí sử dụng diện tích bán hàng là gần 11,7 tỷ đồng; dịch vụ ô tô vào chợ 2,2 tỷ đồng; dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy là 373 triệu đồng; thu khác 15 triệu đồng; bốc dỡ hàng hoá hơn 2 tỷ đồng. Nộp thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài… 2,2 tỷ đồng.

PV Dân Việt đặt câu hỏi về nguồn thu từ 62 ki ốt trái phép được hạch toán vào đâu, chi dùng vào việc gì nhưng chưa nhận được câu trả lời từ Ban quản lý chợ Long Biên cũng như UBND quận Ba Đình. 

Cần phải làm rõ cán bộ có "tiếp tay" cho vi phạm hay không

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp) cho biết, đối với các sai phạm liên quan đến tài sản công, giá thu phí, bốc dỡ, công tác phòng cháy chữa cháy và việc ký sai 62 ki ốt trong chợ Long Biên mà báo Dân Việt phản ánh thì các cơ quan chức năng cần phải xác minh, làm rõ những sai phạm này xuất phát từ nguyên nhân, động cơ, mục đích gì, cá nhân nào sai phạm.

Những sai phạm này có liên quan đến công tác quản lý của Ban quản lý chợ Long Biên hay UBND quận Ba Đình không, có hay không việc cán bộ có thẩm quyền buông lỏng quản lý hoặc "tiếp tay" cho hành vi vi phạm?

Nếu hành vi vi phạm có liên quan đến việc buông lỏng quản lý hoặc có sai phạm trong quá trình thực hiện thủ tục, cấp phép hoạt động,… sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Sau vụ Hưng “kính” chợ Long Biên: 62 ki ốt ký sai quy định thu về bao tiền mỗi năm? - Ảnh 2.

Ban quản lý chợ Long Biên đã ký hợp đồng với tiểu thương cho thuê 62 ki ốt sai quy định.

Theo luật sư Cường, thực tế việc để xảy ra hàng loạt các sai phạm với thời gian kéo dài như vậy trách nhiệm một phần thuộc về công tác quản lý chưa triệt để của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quận Ba Đình.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần phải rà soát lại công tác quản lý, thanh tra kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh của các tiểu thương trên địa phận chợ Long Biên, có hay không công tác quản lý còn lỏng lẻo, chưa đúng quy trình, thủ tục nên để xảy ra sai phạm.

Pháp luật nghiêm cấm các hành vi sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do nhà nước giao.

Vì vậy luật sư Cường cho rằng, nếu Ban quản lý chợ Long Biên đã sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; hoặc sử dụng tài sản công sai mục đích, vi phạm trong quản lý và sử dụng tài sản công thì có thể bị xử lý theo quy định, xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau vụ Hưng “kính” chợ Long Biên: 62 ki ốt ký sai quy định thu về bao tiền mỗi năm? - Ảnh 3.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp).

Đối với số tiền thu của 62 ki ốt ký sai quy định cần đối chiếu vào các quy định cụ thể nhằm làm rõ số tiền đó được thu vào mục đích gì và thực tế hiện tại số tiền thu sai đang do cá nhân, tổ chức, cơ quan nào quản lý, sử dụng vào mục đích gì; theo quy định mức thu đúng là bao nhiêu, được quy định tại đâu, ai có thẩm quyền thu, thủ tục thu ra sao, số tiền thu được lẽ ra phải được xử lý ra sao…

Nếu số tiền này là thu sai quy định, không nằm trong danh mục phải thu, được phép thu thì phải hoàn trả lại cho hộ kinh doanh. 

Nếu khoản thu này thuộc danh mục phải thu nhưng số tiền thu thực tế không đúng, chênh lệch cao hơn mức thu theo quy định phải cân đối xem mức chênh lệch ra sao để xử lý số tiền chênh lệch trả lại cho các hộ dân.

Đối với những khoản không hoàn trả được cho hộ dân thì được sung vào công quỹ Nhà nước để sử dụng cho các mục đích công, tái đầu tư khác theo quy định.

"Còn đối với các ki ốt ký sai quy định, nếu chủ ki ốt có nguyện vọng và khu vực kinh doanh nằm trong quy hoạch, không lấn chiếm, đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy… cơ quan chức năng có thể nghiên cứu yêu cầu họ bổ sung hồ sơ và tiếp tục cho kinh doanh.

Còn đối với các khu vực hộ kinh doanh đang kinh doanh không giấy phép mà không nằm trong phương án ngành hàng của chợ, không phù hợp quy hoạch, lấn chiếm, cơi nới trái phép, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng giao thông trật tự, phòng cháy chữa cháy….nên đình chỉ hoạt động", luật sư Cường chia sẻ.

Liên quan đến vụ việc này, PV Dân Việt đã đến UBND quận Ba Đình liên hệ làm việc, gọi điện, nhắn tin đến lãnh đạo UBND quận Ba Đình nhiều lần đề nghị cung cấp thông tin. Tuy nhiên, đến nay Báo Điện tử Dân Việt chưa nhận được trả lời chính thức từ UBND quận Ba Đình.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem