Sẽ dừng các dự án đường sắt không hiệu quả

Thứ năm, ngày 10/10/2013 06:29 AM (GMT+7)
Bộ Giao thông - Vận tải đang tổ chức thanh kiểm tra 32 dự án đường sắt đã và đang triển khai, để làm rõ nguyên nhân sự chậm trễ cũng như kém hiệu quả trong đầu tư.
Bình luận 0
Chậm do “đói” vốn

Theo Bộ GTVT, việc rà soát, thanh kiểm tra 32 dự án đường sắt đã và sắp được triển khai để “hiểu” rõ hơn những tồn tại và khúc mắc đang gặp phải.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Đại diện Bộ GTVT cho biết sẽ rà soát 6 dự án, trong đó có 4 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư là công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, đường sắt và cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Hồ Tây - Ba Vì, do Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tiếp đến là các dự án, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), tuyến Yên Viên - Cái Lân.

Đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam rà soát lại hợp đồng tổng thầu phía Trung Quốc, xác định rõ nội dung, phạm vi công việc của các nhà thầu phụ để đảm bảo hiệu quả dự án.

Qua kiểm tra, hầu hết 32 dự án đều đang đối mặt với các khó khăn, trong đó, “đói” vốn là yếu tố tiên quyết. Đơn cử như dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân dài 129km qua các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh được chia làm 4 dự án.

Báo cáo từ thực tế cho thấy, cả 4 dự án này đang thiếu vốn trầm trọng. Hay dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13km, có tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý II/2015. Đến nay, sau 44/65 tháng thi công, khối lượng công việc mới chỉ đạt chưa tới 50%. Sự thâm hụt tài chính không thể bổ sung là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ thi công.

Tương tự, tại 12 dự án đang được thực hiện và 14 dự án đang được chuẩn bị đầu tư của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án đường sắt hiện lên đến hơn 590 tỷ đồng. Nhiều dự án do không có vốn, nên các hạng mục phải tiến hành theo kiểu “làm từng khúc”. Tổng thể dự án vì thế đang có nguy cơ “vỡ” tiến độ, và không chỉ dừng ở mức báo động.

Khó xác định chi phí phát sinh


Ông Nguyễn Quang Mạnh - Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, kinh phí đầu tư cho mỗi km đường sắt lên đến hàng chục triệu USD.

Đối với dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam tập trung hoàn thành tiểu dự án 1 đoạn Hạ Long - Cái Lân trên cơ sở điều hòa nguồn vốn từ các tiểu dự án sang, để đảm bảo kế hoạch đưa vào khai thác và dừng 3 tiểu dự án 2, 3, 4 là đoạn Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long, Yên Viên - Lim.

Chỉ một khâu tài chính thiếu hụt, tổng thể sẽ phải tạm dừng. Đó là chưa kể, trong quá trình thực hiện dự án, “đụng đâu vướng mắc đó”. Số tiền phát sinh đã nằm ngoài khả năng “dự báo” trước đó.

Chuyên gia cầu đường, TS Hồ Tuấn Sỹ cho rằng, sự “lý giải” do thiếu vốn của không chỉ các dự án giao thông đường sắt hiện nay là kém thuyết phục. Nguyên nhân chủ yếu là do “hậu” dự án còn nhiều uẩn khúc.

Ở nước ngoài, một km được thể hiện bằng các thông số cụ thể, với mức kinh phí cụ thể. Ở Việt Nam, cũng cụ thể, nhưng để đạt được “cụ thể”, thì số tiền phát sinh chưa bao giờ được đong đếm.

Đó chính là nguồn cơn của đội vốn, dẫn đến các công trình giao thông, trong đó có các dự án đường sắt luôn trong tình trạng thiếu vốn, dẫn đến hoạt động cầm chừng, hoặc “đắp chiếu”.

Tuấn Trọng (Tuấn Trọng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem