Sẽ hỗ trợ kinh phí bảo vệ nguồn giống lợn
Tổng số lợn bị tiêu hủy là hơn 2,5 triệu con với trọng lượng 148.298 tấn.
Chiều 13-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị bàn giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 55 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là hơn 2,5 triệu con với trọng lượng 148.298 tấn. Hiện, 202 xã thuộc 94 huyện của 25 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trong điều kiện bệnh xảy ra phạm vi rộng, số lợn buộc phải tiêu hủy tiếp tục tăng mạnh, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Trong đó, trọng tâm là hỗ trợ các cơ sở đang chăn nuôi lợn giống mức 500.000 đồng/con. Hiện, cả nước có khoảng 120.000 con lợn giống nguồn được nuôi ở 240 cơ sở sản xuất lợn giống. Đây là đàn lợn giống chất lượng cao, giá trị lớn, đa số được nhập khẩu từ nước ngoài…
Trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn thực tế, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ đối với lợn giống, lợn thịt các loại mức 25.000 đồng/kg; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác là 30.000 đồng/kg.
Việc hỗ trợ trên giá thành sản xuất sẽ ổn định và sát với chi phí thực tế, bảo đảm công bằng giữa các địa phương trong bối cảnh bệnh dịch xảy ra phạm vi rộng, số lượng lợn phải tiêu hủy lớn; hạn chế tình trạng khai báo và xác định không chính xác giữa các loại lợn, phù hợp với khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Các doanh nghiệp dự hội nghị đều cho rằng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là các địa phương phải quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn sinh học. Theo đó, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chính quyền và người dân cùng tham gia nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ đàn lợn. Các bộ, ngành cần quản lý chặt chẽ việc giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư; kiểm soát môi trường để tránh lây lan bệnh; xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển lợn bị bệnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để bảo đảm nguồn cung - cầu thị trường thực phẩm cuối năm, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chuyển hướng sang nuôi các loại vật nuôi khác như: Gia cầm, thủy cầm và gia súc lớn; tuyên truyền để người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng thực phẩm khác như: Gà, thủy sản, trứng, sữa… thay thế thịt lợn.
Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn lâu dài nhằm cân bằng các loại vật nuôi trong ngành chăn nuôi. Hiện, Bộ NN&PTNT phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học sản xuất vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi để chủ động khống chế bệnh, nâng cao thể trạng cho đàn vật nuôi.
“Hiện nay, việc thử nghiệm vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang được thực hiện ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy kết quả khả quan trên đàn lợn thử nghiệm. Tuy nhiên, trước khi sản xuất, các nhà khoa học còn phải thử nghiệm, sàng lọc, lấy mẫu... để có kết quả chính thức, tiến tới công bố rộng rãi”, bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin.