Shopee, Lazada, Tiki… tiếp tục "đốt tiền" cho cuộc chiến thương mại điện tử mới

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 11/03/2021 15:51 PM (GMT+7)
Cuộc chiến "đốt tiền" của các sàn thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ trong năm 2021. Shopee, Lazada, Tiki đặt nhiều tham vọng, có nơi đặt mục tiêu tăng trưởng ba con số khi nhu cầu mua sắm online tăng cao.
Bình luận 0


Shopee, Lazada, Tiki… tiếp tục "đốt tiền" cho cuộc chiến mới - Ảnh 1.

Shopee, Lazada, Tiki… tiếp tục cuộc chiến đốt tiền trong thương mại điện tử. Ảnh: Hồng Phúc.

 ShopeeLazada, Tiki… tiếp tục "đốt tiền" trong cuộc chiến thương mại điện tử mới

Vừa xong chương trình giảm giá "khủng" các ngày đôi 10/10, 11/11, 12/12 cuối năm 2020, rồi "sale sốc" dịp Tết Nguyên đán, đầu tháng 3, các sàn thương mại điện tử lại tiếp tục bước vào một cuộc đua khuyến mãi mới.

Không hẹn mà gặp, hai sàn thương mại điện tử lớn là Lazada và Tiki đều có sinh nhật rơi vào tháng 3. Để chuẩn bị cho sự kiện, hai sàn đang ồ ạt khuyến mãi, giảm giá sốc ngay từ đầu tháng với các mức giá 1.000 đồng, 11.000 đồng mỗi sản phẩm. Chương trình kéo dài đến hết tháng 3 và đều hứa hẹn sẽ bùng nổ vào những ngày cuối cùng của tháng. Cuộc đua giữa Tiki và Lazada đang khốc liệt, mục đích lớn nhất là kéo khách.

Không cần ngày đặc biệt hay sinh nhật, Shopee và Sen Đỏ cũng vẫn khuyến mãi đều đều, mở bán giá sốc vài nghìn đồng, săn sản phẩm một nửa giá theo khung giờ.

Tận dụng xu thế ngồi nhà mua sắm, các sàn thương mại điện tử đang dồn hết tốc lực cho "năm Covid-19 thứ hai 2021". Ghi nhận cũng cho thấy, ngoài "đốt tiền" cho khuyến mãi, các sàn cũng đang có nhiều "chiêu" hơn để hút khách. Trong đó, livestream là "chiêu" phổ biến nhất mà cả Shopee, Lazada, Tiki đều áp dụng.

Cứ mỗi buổi tối, chị Thanh Thủy (Q.Bình Tân) sau khi hết việc đều truy cập vào ứng dụng Shopee, xem livetream, tương tác để lấy mã khuyến mãi, hôm thì quần áo, hôm thì đồ gia dụng. "Phải nói là cách làm này hay, từ lúc coi livestream, hầu như tối nào tôi cũng lướt mua sắm, có hôm đến cơ quan mà nhận mà nhận 4-5 đơn hàng trong cùng một ngày", chị Thủy, nói.

Đại diện Tiki cho rằng các buổi livetream bán hàng, trò chơi trên ứng dụng là cách mang lại niềm vui cho khách để ứng dụng không chỉ là nơi mua sắm. Đây là mục tiêu của Tiki, khi khách vào sàn, họ không chỉ thực hiện mục tiêu mua sắm mà còn giải trí, gắn kết, khiến khách quay lại ứng dụng nhiều hơn.

Ông Trần Tuấn Anh, CEO Shopee Việt Nam cho biết thông thường, mua sắm online chỉ nhộn nhịp nhất vào dịp cuối năm nhưng năm 2020, đơn hàng của ứng dụng này tăng vọt từ đầu năm đến cuối năm.

CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn nhận định: "Trải qua năm 2020 cho thấy, càng ngày xu hướng online là bắt buộc cho dù kinh doanh cái gì. Năm nay, Tiki đặt mục tiêu tăng trưởng ba con số, trong đó, số lượng bán và sản phẩm mục tiêu gấp 4 lần so với năm qua. Nhà bán hàng chỉ cần tập trung vào hàng hóa tốt còn chuyện vốn, giao hàng đã có Tiki và đơn vị đối tác lo".

Xu hướng năm nay ra sao?

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng ấn tượng với mức tăng lên đến 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đáng chú ý, tại khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử Việt Nam vẫn là điểm sáng bởi là nước duy nhất ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số.

Shopee, Lazada, Tiki… tiếp tục "đốt tiền" cho cuộc chiến mới - Ảnh 3.

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ Covid-19 khi xu hướng mua sắm tại nhà tăng cao. Covid-19 khiến những người chưa từng mua sắm online bắt đầu làm quen dịch vụ, những người từng mua thì tần suất mua cao hơn, nâng thành thói quen.

Đại diện các sàn thương mại điện tử cũng nhận định trước bối cảnh mới, trước mắt là năm 2021, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đi theo một số xu hướng nhất định. Với CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn, sàn này sẽ tập trung tối đa vào công nghệ, dữ liệu và dịch vụ hậu cần để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Còn với Shopee, sàn thương mại điện tử đang có lượt truy cập lớn nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay thì cho rằng ngành thương mại điện tử sẽ đi theo 3 xu hướng chính.

Thứ nhất là tăng cường áp dụng thanh toán kỹ thuật số, bởi việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với thương mại điện tử thì điều này trở thành động lực cho các sàn. Tổng số đơn hàng Shopee được thanh toán qua ví điện tử AirPay trên toàn khu vực đã tăng trưởng gấp 4 lần. Trong đó, nhóm tăng trưởng mạnh nhất ở hầu hết các thị trường là nhóm người dùng trên 50 tuổi.

Thứ hai, dịch vụ hậu cần sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, khi nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng đã mở rộng hơn, nhất là các sản phẩm thiết yếu hàng ngày và các thiết bị gia dụng. Theo các sàn, bất kỳ khách hàng nào cũng muốn được sớm cầm trên tay sản phẩm thay vì mất cả tuần vận chuyển. 

Thứ ba, là sự đổi mới trong chiến lược của các nhà bán lẻ khi nhu cầu của khách hàng lẫn nhà cung cấp đều tăng cao trong tình hình mới. Việc livestream, mini game tương tác cũng là một trong những cách làm đổi mới để giữ chân khách và cơ hội giới thiệu sản phẩm của nhà cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem