Siết cho vay tiêu dùng: Công ty tài chính bị ảnh hưởng như thế nào?

28/11/2019 08:11 GMT+7
So với dự thảo trước đây, Thông tư 18/2019/TT-NHNN sẽ có tác động nhẹ nhàng hơn đối với hoạt động của công ty tài chính và không tạo lên “cú sốc” cho thị trường. Tuy nhiên, nếu xét theo cơ cấu danh mục cho vay, FE Credit vẫn là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất, và HD Saison sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất

NHNN ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Theo đó, mục đích của Thông tư 18 vẫn hướng đến giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ cho vay xuống mức 30%. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng. Lộ trình giảm tổng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với các công ty tài chính kéo dài trong khoảng thời gian 4 năm, từ 2021 đến 2024.

Cụ thể, từ năm 2020, tỷ lệ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng không được chiếm quá 70% tổng dư nợ tiêu dùng của công ty. Từ đầu năm 2022 đến hết ngày năm 2022, tỷ lệ này giảm xuống 60%. Từ đầu năm 2023 đến hết năm 2023 là 50% và kể từ năm 2024 trở đi là 30%.

Siết cho vay tiêu dùng: Không tạo “cú sốc”, FE Credit chịu ảnh hưởng nhiều nhất - Ảnh 1.

Công ty tài chính chỉ được giải ngân tiêu dùng cho khách hàng không có nợ xấu tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất với lúc ký kết hợp đồng.

Ngoài ra, công ty tài chính cần niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử khung lãi suất, các loại phí, phương pháp tính lãi...

Thông tư cũng quy định các biện pháp liên quan đến việc thu hồi nợ, trong đó không cho phép biên pháp đe dọa đối với khách hàng. Số lần nhắc nợ giữa công ty tài chính và bên vay tối đa không quá 5 lần/ngày. Ngoài ra, hình thức và thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7:00 đến 21:00.

Đồng thời, các công ty tài chính tiêu dùng không nhắc nợ, đòi nợ hoặc gửi thông tin về việc thu hồi nợ cho các tổ chức và cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, hoặc các trường hợp không thích đáng khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Đánh giá về những thay đổi này, chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cho biết, những thay đổi mới này sẽ có ảnh hưởng gì không có vấn đề gì lớn tới các công ty tài chính bởi vì những thay đổi này đã có lộ trình đưa ra từ trước đó. 

Còn nhớ, năm 2014, tỷ lệ giải ngân tiền mặt của các công ty tài chính được duy trì ở mức 30%, sau đó mới tăng dần lên 50%, 60% và hiện nay tiếp tục có lộ trình giảm xuống 30%. Như vậy có nghĩa rằng, các công ty tài chính đã có những kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị cho những thay đổi này, sẽ không gặp phải những "cú sốc" từ thay đổi chính sách.

Về lâu về dài, theo ông Lực chúng ta cần giảm dần và mất đi dần những chính sách điều hành kiểu hành chính như hiện nay mà thay vào đó thị trường cần những công cụ thị trường điều tiết phù hợp và thị trường hơn.

Còn theo đánh giá của SSI Research, tác động của Thông tư này đối với hoạt động cho vay của các công ty tài chính nhẹ nhàng hơn khá nhiều so với Dự thảo Thông tư trước đây, khi đã đưa ra một lộ trình để các công ty tài chính tái cấu trúc danh mục cho vay, tránh ảnh hưởng đột ngột đến NIM và lợi nhuận.

HIện tại, ba ngân hàng niêm yết có công ty con/ công ty liên kết là công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm VPB (100% sở hữu tại FE Credit), HDB (50% sở hữu tại HD Saison) và MBB (50% sở hữu tại MCredit). Thị phần của ba công ty tài chính này vào cuối quý II/2019 lần lượt là 55%, 17% và 7%.

"Xét theo cơ cấu danh mục cho vay, FE Credit vẫn là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất, mặc dù tác động ở mức thấp hơn nhiều so với Dự thảo Thông tư", SSI nhận định.

Siết cho vay tiêu dùng: Không tạo “cú sốc”, FE Credit chịu ảnh hưởng nhiều nhất - Ảnh 3.

FE Credit chịu ảnh hưởng lớn nhất từ Thông tư 18

FE Credit có cơ cấu cho vay tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt. Cơ cấu sản phẩm bao gồm 76% cho vay tiền mặt, 8% cho vay mua xe máy, 4,7% cho vay điện máy và 11,4% cho vay thẻ tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng hiện dưới 70%. Do đó, trong hai năm tới (2020 và 2021), tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của FE Credit. Tuy nhiên, từ năm 2022-2024, FE Credit có thể phải hy sinh phần nào hệ số NIM để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn.

SSI Research duy trì quan điểm rằng HD Saison sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất do cơ cấu cho vay bao gồm cho vay tiền mặt (33%), xe máy (43%), điện máy (24%). Mặc dù các khoản vay tiền mặt của MCredit trong tổng dư nợ cho vay là khoảng 70%, nhưng việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm có thể dễ dàng hơn do quy mô vẫn còn khiêm tốn.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục