“Siêu uỷ ban” xoay xở ra sao khi Vietnam Airlines, ACV thoái vốn bất thành?

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 15/10/2019 15:53 PM (GMT+7)
Theo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, những vướng mắc sau cổ phần hoá về cơ chế quản lý, khai thác, vận hành khu bay việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại ACV là chưa phù hợp. Trước đó, Bộ GTVT cũng từng đề xuất mua lại 4,6% cổ phần đã bán để ACV trở lại là doanh nghiệp nhà nước.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2018. (Ảnh : Chinhphu.vn)

Nhằm xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đồng thời, nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, ngày 16/10 tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với sự tham dự của các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành.

Trước thềm Hội nghị, câu chuyện Petrolimex, ACV và Vietnam Airlines chưa hoàn thành việc thoái vốn đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông tin tới Bộ Tài chính.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban, có 1 tập đoàn và 2 tổng công ty thuộc diện phải thực hiện thoái vốn là: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, thoái 24,86% năm 2018), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, thoái 35,16% năm 2019) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, thoái 20% năm 2018 và 10,4% năm 2020) với tổng giá trị Nhà nước thu về dự kiến khoảng 140.000 tỷ đồng.

Song đến nay các doanh nghiệp này chưa hoàn thành việc thoái vốn. 

img

Nhà nước sẽ thực hiện thoái 15% vốn đang nắm giữ để giảm tỷ lệ sở hữu tại Vietnam Airlines xuống còn 71,16% trong giai đoạn 2019 – 2020.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 15/3/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Uỷ ban chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước cụ thể tại ACV theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình hoạt động sau khi cổ phần hóa, Ủy ban nhận thấy ACV hiện đang quản lý các cảng hàng không, sân bay có vị trí, vai trò rất quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng trong cả nước.

"Sau khi cổ phần hóa đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc, như cơ chế quản lý, khai thác, vận hành khu bay hiện vẫn lúng túng khi giải quyết. Do đó, việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại ACV là chưa phù hợp", Uỷ ban cho biết.

Cũng liên quan tới câu chuyện quản lý vốn nhà nước tại ACV, đầu tháng 9/2019, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại 4,6% cổ phần đã bán cho cổ đông ngoài nhà nước để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp nhà nước.

Lý do được Bộ GTVT đưa ra là việc để ACV là doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.

Còn theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, tháng 4/2016, ACV bắt đầu hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, phần vốn của Nhà nước vẫn chiếm trên 95%.

Tờ trình của Bộ GTVT ngày 9/7/2019 trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sở hữu công do Nhà nước đầu tư, quản lý đã đưa ra nhiều phân tích, nhiều phương án khác nhau và có kiến nghị là từ nay đến 2025 tiếp tục giao cho ACV quản lý, khai thác những tài sản công này. Trong giai đoạn nêu trên, sẽ có đánh giá và chuyển cho cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ GTVT và có cơ chế để quản lý, khai thác hiệu quả giai đoạn sau 2025.

“Trong phương án đó cũng có một kiến nghị, giải pháp thực hiện Đề án này trong tương lai là xem xét lộ trình mua lại một phần vốn của các cổ đông ACV để đảm bảo điều kiện cao nhất là an ninh quốc phòng. Nếu Đề án được phê duyệt thì mới có chủ trương để phê duyệt đề án mua, gom hoặc là lấy kinh phí ở đâu để thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.

Trở lại với câu chuyện thoái vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, nhà nước sẽ thực hiện thoái 15% vốn đang nắm giữ để giảm tỷ lệ sở hữu tại Vietnam Airlines xuống còn 71,16% trong giai đoạn 2019 – 2020. Đồng thời, thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn trong giai đoạn 2019 - 2025 để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51% nhằm đảm bảo quy mô vốn điều lệ tương xứng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính cho Vietnam Airlines.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem