Sinh viên than không đủ sống với 3 triệu đồng/tháng ở thành phố lớn

Chủ nhật, ngày 14/05/2023 06:53 AM (GMT+7)
Được gia đình chu cấp hàng tháng 2-3 triệu đồng, nhiều sinh viên không đủ sống, chỉ dám tiêu 20.000 đồng cho một bữa ăn.
Bình luận 0

Từ quê lên thành phố sinh sống và học tập, nhiều sinh viên cho rằng 3 triệu đồng là số tiền vẫn còn đem đến nhiều khó khăn trong sinh hoạt tại các thành phố lớn. Theo một số sinh viên, điều này xuất phát từ nguyên nhân do giá cả đắt đỏ hơn so với vùng quê và một phần đến từ cách chi tiêu chưa hợp lí.

Sinh viên than không đủ sống với 3 triệu đồng/tháng ở thành phố lớn - Ảnh 1.

Sinh viên gặp không ít khó khăn trong quản lý tài chính (ảnh minh họa: Nguyễn Dương).

Riêng tiền ăn đã hết 3 triệu đồng

Mỗi tháng, phụ huynh chu cấp cho Tạ Thu Phương (sinh viên năm 2 của Trường Đại học Thăng Long, Hà Nội) từ 2-2,5 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt trong một tháng. Nữ sinh không phải chi trả tiền trọ do ở chung với anh trai nhưng vẫn phải đóng tiền điện, tiền nước và đặc biệt là tiền ăn. Nữ sinh cho biết, trong những khoản chi tiêu hàng tháng của mình, tiền ăn là khoản em phải dành ra nhiều tiền nhất và cũng tự nhận bản thân là người "tiêu hoang".

"Em là người thích ẩm thực và nấu ăn. Mỗi tháng, riêng tiền ăn uống của em đã hết 3 triệu đồng. Đó là lí do vì sao em cho rằng số tiền này không đủ để em có thể tự do và thoải mái trong chi tiêu", Phương chia sẻ.

Tuy việc "âm quỹ" là điều xảy ra hàng tháng nhưng Phương vẫn luôn dành ra khoảng 1,5 triệu đồng để tiết kiệm. Nữ sinh cũng cho hay, để tự đáp ứng được nhu cầu và sở thích cá nhân của mình, em phải tự kinh doanh và đi làm gia sư nhằm tăng thêm thu nhập hàng tháng cho bản thân.

Sinh viên than không đủ sống với 3 triệu đồng/tháng ở thành phố lớn - Ảnh 2.

Gia sư là một trong những công việc làm thêm phổ biến của sinh viên (ảnh minh họa: South China Morning Post).

Cũng sinh sống và học tập ở thành phố lớn, Nguyễn Thảo Nguyên (sinh viên Trường Đại học Công nghệ, TPHCM) cảm thấy 3 triệu đồng do gia đình chu cấp hàng tháng vẫn còn đem đến nhiều khó khăn trong chi tiêu và sinh hoạt của em. Để giảm bớt gánh nặng kinh tế, Nguyên quyết định đi làm thêm với mức lương dao động từ 1-2 triệu đồng/tháng.

Với tổng thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng, Thảo Nguyên phải chi trả tiền trọ, tiền ăn, tiền xe cộ, mỹ phẩm, mua 1-2 bộ quần áo.... vào mỗi tháng. Riêng tiền trọ, nữ sinh phải bỏ ra từ 1,2-1,3 triệu đồng/tháng nhờ vào ở trọ ghép với nhiều người.

Để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, Nguyên thường ghi lại chi tiêu hàng ngày của mình và để riêng những khoản bắt buộc trong tháng. Số tiền còn lại, nữ sinh dùng để mua sắm và đầu tư cho bản thân.

"Kiến thức để đầu tư cho những giá trị bên trong và mỹ phẩm, quần áo để đầu tư cho ngoại hình của bản thân. Những khoản em chi trả đều là những khoản cần thiết cho cuộc sống của em", Thảo Nguyên cho hay.

Ngoài những chi phí kể trên, có những tháng phát sinh những chi phí mà nữ sinh không thể tính trước. Cụ thể, mỗi lần ốm, em lại tốn gần 700.000 đồng tiền thuốc hay đi sửa xe cũng mất hơn 100.000 đồng do bị "chặt chém".

"Với mức thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, em có thể để dành ra cho bản thân một số tiền nhỏ để tiết kiệm và đầu tư thêm. Nhưng vào những tháng bị ốm, phải chi thêm tiền thuốc, em cũng không còn dư tiền để tiết kiệm", Nguyên kể lại.

Mỗi bữa chỉ dám ăn 20.000 đồng

Không thuê trọ ở ngoài, Lê Vũ Ngọc Minh (sinh viên năm nhất của Trường Đại học Hà Nội) ở kí túc xá của trường. Điều này giúp em giảm thiểu được không ít gánh nặng về kinh tế. Ngoài chi phí sinh hoạt, Minh vẫn phải chi trả tiền ăn, tiền tham gia câu lạc bộ và đặc biệt là tiền giáo trình do là sinh viên ngành ngôn ngữ.

Tuy nhiên vì điều kiện gia đình không khá giả, mỗi tháng nữ sinh năm nhất chỉ được gia đình hỗ trợ 2 triệu đồng để sinh hoạt. Ngoài số tiền được gia đình chu cấp, hiện tại Minh cũng không có khoản thu nhập thêm nào khác nhưng sắp tới, em sắp được nhận học bổng trị giá 9,3 triệu đồng từ nhà trường.

Ngọc Minh cũng chia sẻ thêm, trước đó em từng đi làm thêm tại một công ty với mức lương được hứa hẹn có thể lên đến từ 4-5 triệu đồng/tháng. Kể từ sau khi đi làm, gia đình cũng không trợ cấp thêm cho nữ sinh. Tuy nhiên sau một khoảng thời gian gắn bó với công việc, Minh đã nghỉ làm do cảm thấy môi trường làm việc không thực sự phù hợp và mức lương thực tế em nhận được chỉ có 2 triệu đồng, bằng với số tiền được gia đình chu cấp, do không đạt chỉ tiêu..

Với thu nhập hàng tháng còn nhiều hạn chế, đồng thời cũng không muốn xin thêm tiền từ gia đình, nữ sinh phải thu hẹp khoản chi cho việc ăn uống. Những bữa cơm giá rẻ là một trong những nhân tố không thể thiếu trong đời sống sinh viên, bao gồm cả Minh.

Sinh viên than không đủ sống với 3 triệu đồng/tháng ở thành phố lớn - Ảnh 3.

Bữa cơm sinh viên giá 10.000 đồng của một nữ sinh trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn (ảnh minh họa: Thúy Hằng).

Thời điểm mới lên Hà Nội, Minh "choáng váng" trước giá cả những hàng ăn ở thành phố. Dù được nhận xét là "giá sinh viên" nhưng nhiều hàng ăn vẫn bán với giá 40.000-60.000 đồng cho một phần ăn. Qua sự giới thiệu của người dân, Minh tìm thấy nơi bán 20.000 đồng/bữa và gắn bó với quán ăn đó đến tận bây giờ.

"Nhiều lúc chứng kiến mọi người ăn uống những quán bún, phở với giá 30.000 đồng em cũng thấy chạnh lòng nhưng chỉ có cách tiết kiệm tiền ăn mới giúp em để dành tiền cho những khoản chi phí khác", nữ sinh chia sẻ.

Nhờ cách chi tiêu "thắt lưng buộc bụng" của mình, Minh vẫn cảm thấy 2 triệu đồng là số tiền "đủ sống" ở Hà Nội dù không thực sự hài lòng và thoải mái. Thậm chí sau mỗi tháng, nữ sinh cũng để dành một ít tiền để tiết kiệm. Theo Minh, cách chi tiêu tiết kiệm và hợp lí là điều rất quan trọng.

"Nếu bây giờ em muốn ăn ngon thì em phải chấp nhận không thể mặc đẹp. Khi đã biết cách cân đối chi tiêu, em có khoản tiền bao nhiêu cũng có thể sống được", Minh bày tỏ.

Đinh Phương Nhung (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem