Số hóa nông nghiệp ở Trung Quốc: Trang trại lắp camrera kết nối 5G, cừu được gắn thẻ căn cước

Thứ sáu, ngày 27/08/2021 08:10 AM (GMT+7)
Ứng dụng số hóa vào nông nghiệp, Trung Quốc đang thay đổi suy nghĩ của người nông dân về một nền nông nghiệp chất lượng cao.
Bình luận 0

Mỗi con cừu đều có thẻ căn cước riêng

Trung Quốc trong giai đoạn đầu năm 2021 đã đưa ra bảng kế hoạch 5 năm về nội dung sẽ ưu tiên phát triển cho nền nông nghiệp và nông thôn của nước này. Các công nghệ, kỹ thuật sẽ trở thành xu hướng hỗ trợ tái cấu trúc lại nông thôn Trung Quốc. Cải thiện quá trình trồng trọt và sản xuất lương thực thực phẩm của quốc gia này.

Đứng trước mối lo ngại chung về tình hình dịch bệnh thế giới thì dường như họ càng muốn sự chuyển đổi này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Một mặt là để tự chủ hơn trong nguồn lương thực và cũng giúp xây dựng được nền nông thôn áp dụng công nghệ kỹ thuật số, phát triển toàn diện nền kinh tế Trung Quốc.

Thông tin trên VTV cho hay, tại một trang trại nuôi hơn 10.000 con cừu theo phương pháp kỹ thuật số tại tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, mỗi con cừu đều có thẻ căn cước riêng. Chỉ cần quét thẻ được gắn chip điện tử, thông tin về giống, độ tuổi, sức khỏe của từng con cừu sẽ hiện lên thiết bị di dộng và truyền về nền tảng dữ liệu lớn của trang trại. Nhờ phân tích khoa học, người nuôi có thể điều chỉnh chế độ ăn một cách thích hợp.

Nông nghiệp kỹ thuật số ngày càng được triển khai sâu rộng, do đó, nuôi cừu đã trở thành ngành mũi nhọn của nông nghiệp miền Đông Trung Quốc.

Số hóa nông nghiệp ở Trung Quốc: Trang trại lắp camrera kết nối 5G, cừu được gắn thẻ căn cước - Ảnh 1.

Nuôi cừu đã trở thành ngành mũi nhọn của nông nghiệp miền Đông Trung Quốc.

Còn tại Tân Cương, người nông dân đỡ vất vả hơn nhờ những chiếc máy kéo không người lái để gieo hạt bông vải. Máy được lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, tự động gieo hạt trên các tuyến đường được lập trình sẵn, cũng như thiết lập băng tưới nhỏ giọt, phủ nhựa. Người trồng bông tiết kiệm hơn 50% số hạt bông so với cách gieo truyền thống.

Chỉ một huyện ở Tân Cương có 47.000ha trồng bông vải. Hiện nay, nhiều hợp tác xã đã áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Thu nhập bình quân của mỗi xã viên tại nhiều hợp tác xã lên tới 32.000 Nhân dân tệ/năm (hơn 115 triệu đồng).

Từ chỗ áp dụng chủ yếu trong công nghiệp, nay cơ sở dữ liệu lớn big data, trí tuệ nhân tạo, định vị vệ tinh đã được áp dụng mạnh mẽ vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, trở thành xu thế tại nhiều địa phương Trung Quốc.

"Dữ liệu sẽ trở thành một nguồn lực mới cho sản xuất nông nghiệp"

Trong tài liệu chính sách mới nhất công bố hôm 23/2/20221, Bắc Kinh đặt ra một kế hoạch lớn. Đó là khuyến khích các tài năng công nghệ kỹ thuật số của đất nước chuyển về vùng nông thôn. Giúp chuyển đổi thị trường phát triển rộng lớn này bằng công nghệ số. Bao gồm 5G, Internet vạn vật (IoT) và thương mại điện tử.

Làm nông nghiệp truyền thống phần lớn phải dựa vào trời, kinh nghiệm trước đó. Trong trường hợp nào thì nên tưới nước? Khi nào nên bón phân? Khi nào sẽ có thiên tai? Tất cả đánh giá theo kinh nghiệm, nông nghiệp đầy rẫy sự không chắc chắn. 

Số hóa nông nghiệp ở Trung Quốc: Trang trại lắp camrera kết nối 5G, cừu được gắn thẻ căn cước - Ảnh 2.

Nông nghiệp thông minh, trở thành xu thế tại nhiều địa phương Trung Quốc. Ảnh tư liệu

Sự tồn tại của nông nghiệp kỹ thuật số là để giảm sự không chắc chắn này. Nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản:

Thu thập và phân tích dữ liệu đồng ruộng;Phân tích dữ liệu đặc điểm chất lượng cây trồng thông qua ứng dụng kết hợp phần cứng và phần mềm thông minh. Từ đó cung cấp hướng dẫn mô hình trồng; Kiểm soát các điều kiện làm việc của công nhân nông trại (tưới tiêu, bón phân, làm cỏ,..) Giám sát thông qua điện thoại di động và thiết bị máy tính; Để toàn bộ quá trình được trực quan hóa.  

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu lao động công nghệ sẽ chuyển về nông thôn, nhưng một bộ phận đáng kể trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc thời gian qua đã tự nhận thấy vai trò của mình trong việc giúp vùng nông thôn đối phó với tình trạng dân số già và di cư lao động. 

Theo Justin Gong, người đồng sáng lập XAG, một nhà sản xuất máy bay không người lái nông nghiệp, công nghệ chính là câu trả lời cho các vấn đề nông thôn của Trung Quốc. Các sản phẩm công nghệ như máy bay không người lái có thể giúp gieo hạt, trồng trọt...đảm bảo đầu ra lương thực ổn định.

Số hóa nông nghiệp ở Trung Quốc: Trang trại lắp camrera kết nối 5G, cừu được gắn thẻ căn cước - Ảnh 3.

Camera giám sát các loại bệnh và sâu bệnh hại cây trồng tại một trang trại chè thông minh hỗ trợ 5G ở thành phố Phúc An, tỉnh Phúc Kiến (ảnh: Tân Hoa Xã)

Nông nghiệp thông minh đã thực sự đem lại một tương lai xanh hơn và năng suất hơn. Đơn cử tại một trang trại trồng chè thông minh hỗ trợ 5G ở thành phố Fu'an, miền đông Trung Quốc có hơn 100 camera được cài đặt khắp nơi. 

Hầu hết camera được kết nối với mạng 5G để giám sát đồng ruộng 24 giờ một ngày, nhờ đó bệnh hại cây trồng có thể được phát hiện ngay lập tức, theo kỹ thuật viên hệ thống Liu Shengquan, cũng là một nông dân trồng chè hơn 30 năm.

Kết quả là việc sử dụng thuốc trừ sâu đã giảm đáng kể, và thu nhập trên mỗi sào Trung Quốc (0,067 ha) tăng từ 300 lên 500 Nhân dân tệ mỗi năm.

Ông Zhang Zujin, Phó Tổng giám đốc Fu'an Nong Ken Group, một doanh nghiệp nông nghiệp quốc doanh địa phương, cho biết: "Dữ liệu sẽ trở thành một nguồn lực mới cho sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp số đang mở ra những cơ hội phát triển mới và dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng đáng kể".

Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc chuyển hướng sang phát triển nông nghiệp

Các ông lớn công nghệ Trung Quốc cũng đang có động thái chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực nông nghiệp. Họ cố gắng đưa công nghệ về nông thôn. Alibaba Group Holding đã quảng bá "làng Taobao" kể từ năm 2009. Mục đích giúp người dân nông thôn bán trực tuyến sản phẩm của họ. Pinduoduo, một nền tảng mua sắm trực tuyến đang phát triển nhanh chóng. Họ cung cấp các chương trình đào tạo kéo dài một tuần về tài chính, hoạt động kinh doanh và tiếp thị trực tuyến cho các thương gia nông thôn.

Trong khi đó, JD.com là hãng thương mại điện tử lớn. Họ đã tạo ra các trung tâm dịch vụ nông thôn sử dụng máy bay không người lái và các công nghệ khác,.. Với mục đích để mở rộng khả năng hậu cần của công ty. Huawei Technologies gần đây cũng đang khởi động một dự án nuôi heo theo công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đây như một trong những hướng đi mới vào các lĩnh vực tăng trưởng khác bên ngoài điện thoại thông minh.

Hiện Trung Quốc có khoảng 13 triệu thương nhân TMĐT có trụ sở tại khu vực nông thôn. Và nước này dự kiến sẽ cần nhiều hơn nữa trong những năm tới.


An Vũ (Tân Hoa Xã/VTV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem