Số phận 3 khách sạn chắn biển Quy Nhơn sắp được "định đoạt"?

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 27/07/2022 08:36 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm nằm ở vị trí "vàng" ven biển, 3 khách sạn tại TP.Quy Nhơn, Bình Định gồm Hoàng Yến, Bình Dương và Hải Âu sắp bị di dời với mục đích duy nhất là trả lại không gian công cộng. Hiện tại, 1 khách sạn đã hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị dời đi.
Bình luận 0

Khách sạn Hải Âu hết hạn thuê đất vẫn tiếp tục gia hạn?

Bắt đầu từ năm 2019, lãnh đạo tỉnh Bình Định thông báo về việc sẽ dời 3 khách sạn ven biển gồm: Bình Dương, Hải Âu và Hoàng Yến. Động thái này được rất nhiều người dân ủng hộ, đây là quyết định "tiên phong" đầy táo bạo nhưng cũng khá cam go, trong việc lấy lại không gian ven biển cho người dân.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tuyên bố, việc di dời khách sạn là để lấy đất xây dựng công viên phục vụ cộng đồng, khách sạn sẽ được di dời căn cứ vào thời hạn cho thuê đất và theo lộ trình phù hợp. 

Và đến lúc này, 3 khách sạn trên vẫn đang hoạt động, chính quyền tỉnh đang thực hiện loạt công việc để chuẩn bị di dời theo lộ trình hợp lý, trả lại không gian công cộng cho cộng đồng.

Số phận 3 khách sạn 'hạng sang' chắn biển Quy Nhơn sắp bị 'định đoạt'? - Ảnh 1.

Không gian biển Quy Nhơn nhìn từ trên cao, có 3 khách sạn nằm sát biển. Ảnh: DT.

Đối với khách sạn Hoàng Yến (hạn thuê đất đến 2052) và Hải Âu (đã hết hạn thuê đất từ 2019), UBND tỉnh Bình Định đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện chủ trương di dời đúng luật.

Tuy nhiên, theo Sở TNMT tỉnh Bình Định, khách sạn Hải Âu dù đã hết hạn thuê đất từ 2019 nhưng được kéo dài hạn di dời khỏi vị trí hiện tại đến năm 2024.

Điều này khá bất ngờ bởi đã hết hạn thuê đất từ 2019, nhưng khách sạn lại được "ưu ái" chốt hạn di dời khỏi vị trí đắc địa để trả lại không gian công cộng đến năm 2024?

Nói về việc này, lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bình Định xác nhận, theo quy định của pháp luật, sau khi hết hạn thuê đất thì khách sạn phải di dời theo chủ trương của tỉnh. 

Khách sạn Hải Âu được kéo dài hạn di dời đến năm 2024 vì dự án là tài sản rất lớn, đặc biệt có công trình khách sạn 11 tầng. Nếu khách sạn di dời ngay thì rất khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có khó khăn trong việc giải quyết công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động.

Chưa kể, theo quy định về pháp luật đất đai, nguyên tắc đất đã hết hạn thuê như trường hợp khách sạn Hải Âu thì nhà nước không bồi thường; vị trí để di dời cũng không được giao chỉ định mà phải qua đấu giá.

Theo đại diện khách sạn Hải Âu, khách sạn sẽ thực hiện di dời theo chủ trương của tỉnh nhưng cần một lộ trình hợp tình hợp lý, vì khách sạn còn có hơn 200 cán bộ, nhân viên đang làm việc. Khu khách sạn 11 tầng mới được xây dựng hơn 10 năm, tài sản rất lớn, tiền đầu tư rất nhiều nên chưa thu hồi vốn.

Cân nhắc những khó khăn trong bối cảnh doanh nghiệp và hàng trăm lao động đang làm việc tại đây đã bị ảnh hưởng dịch Covid-19, sau khi Sở TNMT trình UBND tỉnh quyết định thu hồi đất, lãnh đạo tỉnh cũng đã có chỉ đạo để có thời gian, lộ trình, kế hoạch, thống nhất trước tháng 8/2024, khách sạn Hải Âu phải di dời khỏi vị trí hiện tại.

Số phận 3 khách sạn 'hạng sang' chắn biển Quy Nhơn sắp bị 'định đoạt'? - Ảnh 2.

Khách sạn Hải Âu có màu xanh đặc trưng là địa chỉ nổi tiếng sát biển Quy Nhơn lâu nay. Ảnh: DT

Theo Sở TNMT tỉnh Bình Định, trong thời gian hơn một năm qua, tỉnh này đã giao cho các Sở, ngành nghiên cứu rất kỹ về Luật Đất đai, trong đó Sở TNMT đóng vai trò tham mưu, báo cáo cho UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng giao Sở có văn bản xin ý kiến Bộ TNMT hướng dẫn thực hiện chủ trương di dời khách sạn sát biển để trả lại không gian công cộng đúng quy định pháp luật. 

"Sau nhiều lần họp, xét cả những khó khăn của doanh nghiệp, UBND tỉnh, Ban Thường vụ xác định chủ trương không còn cách nào khác là phải di dời khách sạn theo quy định. Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cân nhắc chủ trương cho một thời hạn để chủ khách sạn thực hiện di dời. Tinh thần là không gia hạn thêm", lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bình Định cho hay.

Chọn địa điểm, hoàn thành thủ tục di dời khách sạn Bình Dương

Trong 3 khách sạn nằm trong chủ trương di dời, hiện khách sạn Bình Dương đã hoàn tất các thủ tục theo quy định. Ngay sau khi có chủ trương, khách sạn Bình Dương đã được UBND tỉnh Bình Định và Bộ Quốc phòng thống nhất các thủ tục để di dời vào cuối năm 2020. 

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ di dời, bố trí khu đất mới rộng trên 3.000m2 tại số 20 Nguyễn Văn Trỗi (TP.Quy Nhơn) để xây dựng khách sạn mới.

Thế nhưng, do khu đất này có những hạn chế nên không giao để xây dựng mới khách sạn Bình Dương mà dùng vào việc khác. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã bố trí lại khu đất khác tại số 66 Hàn Mặc Tử (TP.Quy Nhơn) với diện tích 2.800m2. 

Số phận 3 khách sạn 'hạng sang' chắn biển Quy Nhơn sắp bị 'định đoạt'? - Ảnh 3.

Bình Định quyết tâm dời 3 khách sạn Hoàng Yến, Bình Dương, Hải Âu nằm sát biển để trả lại không gian công cộng. Ảnh: DT.

Hiện tỉnh đã ra quyết định giao đất cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và thống nhất để Binh đoàn 15 xây dựng xong khách sạn ở vị trí mới sẽ di dời.

Với khách sạn Hải Âu (hết hạn thuê đất tháng 10/2019) và Hoàng Yến (sẽ hết hạn thuê đất năm 2052) do vướng quy định pháp luật, UBND tỉnh Bình Định đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho thuê đất. 

Để di dời 2 khách sạn ven biển Quy Nhơn nói trên, tỉnh Bình Định đã quy hoạch quỹ đất tại vị trí mới phù hợp với quy hoạch đô thị TP.Quy Nhơn. 

Pháp luật về đất đai hiện hành và văn bản hướng dẫn liên quan của trung ương, chưa có quy định cụ thể về việc nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất tại vị trí mới để xây dựng khách sạn (theo hình thức chỉ định) để tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, theo quy định của Điều 92 Luật Đất đai 2013, trường hợp nhà nước giao, cho thuê đất có thời hạn nhưng không được gia hạn theo quy định tại Điều 65 Luật Đất đai 2013 thì khi nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất.

Số phận 3 khách sạn 'hạng sang' chắn biển Quy Nhơn sắp bị 'định đoạt'? - Ảnh 4.

Khách sạn Hoàng Yến được xây dựng sát biển Quy Nhơn. Ảnh: DT.

Thực tế hiện nay, các khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến được đầu tư xây dựng với quy mô lớn (trên 10 tầng, công trình xây dựng cấp 2) nên căn cứ quy định nêu trên thì sẽ không được bồi thường, hỗ trợ tài sản gắn liền với đất (đối với khách sạn hết thời hạn thuê đất), dẫn đến các chủ khách sạn sẽ gặp khó khăn trong việc di dời để trả lại mặt bằng cho tỉnh và xây dựng công trình khách sạn tại vị trí mới.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Bình Định là không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển.

Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để làm công viên, trồng cây xanh phục vụ nhân dân. Tinh thần là không gia hạn thêm nhưng việc di dời, giải tỏa các khách sạn ven biển cần phải có lộ trình phù hợp, đúng quy định để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. 

Nói về việc dời khách sạn trả lại không gian cộng đồng, một lãnh đạo tỉnh Bình Định từng phát biểu Hải Âu, Hoàng Yến và Bình Dương, cả 3 khách sạn đều được xây từ nhiều năm trước, có tiếng tại phố biển Quy Nhơn và nằm ở vị trí đắc địa sát biển.

Trong giai đoạn khó khăn thì những khách sạn trên đều có đóng góp rất lớn cho ngành du lịch của Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Thế nhưng, về lâu dài không gian biển phải trả lại cho người dân, đây là quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh từ thế hệ trước và đến lúc này, theo lộ trình sẽ tiến hành thực hiện di dời, chứ nhà đầu tư không hề có vi phạm.

Lãnh đạo tỉnh này cũng nói, rất biết ơn những nhà đầu tư xây dựng 3 khách sạn trên vì có thời gian họ đã chịu thua lỗ, trải qua biết bao thăng trầm trong giai đoạn phát triển du lịch tỉnh Bình Định và gắn bó cho đến lúc này.

Đây đều là những doanh nghiệp tiên phong, có đóng góp cho phát triển du lịch, họ không vi phạm hay chiếm đất. Việc di dời sẽ được tính toán kỹ lưỡng tạo điều kiện cho nhà đầu tư và thực hiện theo lộ trình quy định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem