"Số phận" 4 ngân hàng yếu kém CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank: Hé mở về "chủ" mới

Huyền Anh Thứ năm, ngày 04/05/2023 19:00 PM (GMT+7)
Theo tìm hiểu của Dân Việt, CBBank và OceanBank theo dự kiến đã "có chủ" là Vietcombank và MB. Trong khi đó, VPBank và HDBank lần lượt là "bến đỗ" của GPBank và DongABank.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.

Hiện có 3 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bị kiểm soát đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân Hàng Đaị Dương (OceanBank). Cùng với đó, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bắt buộc tái cơ cấu.

Thông tin này đã phần nào hé lộ về "số phận" của 4 ngân hàng yếu kém gồm: CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank, sau gần chục năm kể từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước mua lại cho tới nay. Vì vậy, ngân hàng nào sẽ nhận chuyển giao bắt buộc 1 trong 4 ngân hàng yếu kém này cũng vì thế được dư luận quan tâm.

Thực tế, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo các ngân hàng Vietcombank, VPBank, MB và HDBank, ban lãnh đạo của các nhà băng này cũng đã hé mở thông tin về việc tiếp tục các bước nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.

Đáng nói, dù chưa có ngân hàng nào chỉ đích danh "đối tác" sẽ được nhận chuyển giao bắt buộc, song theo tìm hiểu của Dân Việt, CBBank và OceanBank theo dự kiến đã có "chủ" là Vietcombank và MB. Trong khi đó, VPBank và HDBank lần lượt dự kiến là "bến đỗ" của GPBank và DongABank.

"Số phận" 4 ngân hàng yếu kém CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank: Hé mở về "chủ" mới - Ảnh 2.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, CBBank và OceanBank theo dự kiến đã "có chủ" là Vietcombank và MB. Trong khi đó, VPBank và HDBank lần lượt là "bến đỗ" của GPBank và DongABank.

Điều này không phải là không có cơ sở. Chẳng hạn như tại MB, từ lâu thị trường dự đoán MB sẽ tiếp nhận việc chuyển giao bắt buộc với OceanBank. Những đồn đoán này được củng cố khi hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank có sự xuất hiện của các "sếp" thuộc ngân hàng MB.

Tháng 5/2022, OceanBank đã công bố việc ký thoả thuận nguyên tắc về hợp tác toàn diện với MB. Chưa hết, tháng 2 năm nay, OceanBank cùng Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB (MB Ageas Life), Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) chính thức triển khai chương trình hợp tác kinh doanh bảo hiểm đợt 2. Đồng thời tiến tới triển khai hoạt động này trên toàn hệ thống OceanBank trong năm 2023.

Còn nhớ, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Lưu Trung Thái (Tổng Giám đốc MB khi đó) dù "xin phép" không công bố danh tính ngân hàng yếu kém sẽ nhận chuyển giao bắt buộc, song ông tiết lộ ngân hàng này có lỗ lũy kế không quá 20.000 tỷ đồng. Và trong 2 ngân hàng yếu kém là CBBank và OceanBank, OceanBank "thỏa mãn" điều kiện này.

Về phần Vietcombank, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết: Ngân hàng đã trình và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém. Ngân hàng cũng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao và trình lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chờ được phê duyệt. Ngay sau khi nhận được quyết định phê duyệt, Vietcombank sẽ tổ chức thực hiện. Hiện nay, ngân hàng đang rất tích cực chuẩn bị nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém.

Trước đó, năm 2015, khi CBBank bị mua lại bắt buộc 0 đồng do thua lỗ, âm vốn, Vietcombank đã được chỉ định tham gia hỗ trợ ngân hàng này tái cơ cấu. Như vậy, gần như chắc chắn khả năng Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc CBBank.

2 ngân hàng còn lại là GPBank và DongABank, theo nguồn tin của Dân Việt, DongABank là cái tên dự kiến sẽ được chuyển giao bắt buộc cho HDBank.

Vì sao HDBank lại lựa chọn DongABank? Theo các chuyên gia, nhãn tiền có thể thấy nếu HDBank nhận chuyển giao bắt buộc DongABank đó chính là lợi thế địa lý và mạng lưới mà DongABank đã gây dựng được trong 30 năm qua.

Cách đây nhiều năm cũng đã có thông tin về việc HDBank hỗ trợ tái cơ cấu DongABank. Do vậy, nhiều khả năng DongABank và HDBank sẽ tiếp tục con đường tái cơ cấu trước đây.

Hơn nữa, tính đến 31/12/2021, dù bức tranh tài chính đã "sáng hơn", nhưng theo dữ liệu của Dân Việt, DongA Bank vẫn đang gánh lỗ lũy kế lên tới 12.465 tỷ đồng, kéo theo đó vốn chủ âm 6.855 tỷ đồng. Với con số này, việc HDBank dự định dùng không quá 9.000 tỷ đồng thực hiện góp vốn điều lệ vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc tại ngày chuyển giao bắt buộc (theo đề cập trước đó của HDBank) cũng phần nào được lý giải.

Giữa năm ngoái, HDBank chính thức đề xuất chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu.

Với VPBank, tại đại hội đồng cổ đông năm 2022, khi trả lời cổ đông về khả năng tham gia tái cơ cấu, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, ngân hàng đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. 

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 mới đây, lãnh đạo VPBank khẳng định, VPBank là 1 trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, hiện trong quá trình nghiên cứu đề xuất, phê duyệt của các ngân hàng.

Dù chưa công bố đối tượng, song cũng có nhiều cơ sở cho thấy VPBank sẽ là "bến đỗ" của GPBank. Chẳng hạn, như tại lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng Giám đốc GPBank hồi tháng 9/2022, đại diện VPBank cũng tham gia.

"Số phận" 4 ngân hàng yếu kém CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank: Hé mở về "chủ" mới - Ảnh 3.

Các ngân hàng kỳ vọng gì vào việc nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém?

Đối với MB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, mục đích của việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng là để tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.

"Nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD là một việc khó, tiềm tàng nhiều rủi ro, việc dễ thì đã không đến lượt chúng ta, nhưng chúng ta được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước, và dự án có ích cho xã hội. Chúng ta xác định, đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng dài hạn sẽ đem lại cộng hưởng lớn cho MB tăng trưởng", lãnh đạo ngân hàng MB chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Còn tại Vietcombank, Chủ tịch HĐQT nhà băng này cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là một phần trách nhiệm, bởi "chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định".

Nhưng bên cạnh đó, ông cũng khẳng định rằng, đây cũng là một cơ hội cho ngân hàng, với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho Vietcombank động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem